"Chàng rể" bất ngờ kết hôn với "bà mối" Anphabe

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Quỹ đầu tư RGIP (Tập đoàn Recruit) tìm đến Anphabe với mục đích ban đầu là nhờ tìm kiếm đối tác. Kết quả là, Recruit quyết định mua gần 20% cổ phần của Anphabe và hai bên đã trở thành đối tác.

"Chàng rể" bất ngờ kết hôn với "bà mối" Anphabe
Nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam như Unilever Viet Nam,Suntory Pepsico đã tìm đến Anphabe để săn nhân tài. Nguồn: baodautu.vn

Thỏa mãn tiêu chí đầu tư

Tuần qua, thị trường dịch vụ tuyển dụng nhân sự trực tuyến tại Việt Nam lại nổi sóng khi Quỹ đầu tư RGIP thuộc Tập đoàn Recruit về giải pháp nhân sự lớn nhất Nhật Bản đã bước đầu sở hữu 19,8% cổ phần Công ty Anphabe, với giá trị không được tiết lộ.

Đây là thương vụ thứ hai của các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực dịch vụ tuyển dụng nhân sự thực hiện tại thị trường Việt Nam.

Trước đó, Công ty en-Japan chuyên cung cấp dịch vụ việc làm trực tuyến đã bỏ ra khoảng 22 triệu USD (tương đương 460 tỷ đồng) để sở hữu gần 90% cổ phần tại Navigos Group - sở hữu hai website việc làm lớn nhất Việt Nam là VietnamWorks và Navigos Search.

Bà Thanh Nguyễn, nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Anphabe cho hay, trong thương vụ này, hai bên không hợp tác với nhau theo mô hình đầu tư của các quỹ đầu tư thông thường.

Theo đó, các quỹ đầu tư thường rót vốn vào một công ty tiềm năng nào đó và sau một thời gian nhất định, họ bán lại toàn bộ hoặc một phần số cổ phần đã mua ở công ty này cho các quỹ đầu tư hoặc một công ty khác có nhu cầu mua, với giá cao hơn để kiếm lời.

Song Quỹ RGIP lại hoạt động theo một hướng khác. Theo bà Thanh, với vị thế số một trên thị trường Nhật Bản và sự hiện diện trên rất nhiều thị trường chủ lực trên thế giới như Mỹ, Mỹ La-tinh, châu Âu và Trung Quốc…, bên cạnh việc mua lại các công ty nhân sự lớn, Recruit đã thành lập RGIP với mục đích tiếp cận các công ty tiên phong, có tiềm năng đón đầu những cơ hội mới ở thị trường châu Á, nhất là Đông Nam Á.

“Vì thế, hai bên đến với nhau mà không đặt ra vấn đề thoái vốn, chỉ cùng nhau xác định những bước hợp tác chiến lược lâu dài như những đối tác chiến lược, chứ không phải như công ty được đầu tư và quỹ đầu tư”, bà Thanh nói.

Được biết, trước khi kết duyên với Anphabe, RGIP đã tiếp xúc và tìm hiểu khá kỹ thị trường Việt Nam và quyết định dừng lại với Anphabe vì nhiều lý do. Một trong những lý do quan trọng nhất là hai bên đã cùng chia sẻ triết lý kinh doanh bền vững bắt đầu với sự đầu tư lâu dài vào lợi ích của người dùng.

“Chúng tôi quyết định đầu tư vào Anphabe, vì đánh giá cao tầm nhìn và chiến lược của công ty này với triết lý kinh doanh rất gần với triết lý kinh doanh của Recruit”, ông Akihiko Okamoto, Chủ tịch RGIP nói và cho biết thêm, không phải ngẫu nhiên mà cả Anphabe và Recruit cùng chọn sứ mệnh “kết nối cơ hội”. Trước khi gặp nhau, hai bên đã cam kết luôn đầu tư vào nhiều hoạt động miễn phí, tạo lợi ích cho người dùng, cùng với việc phát triển các giải pháp kinh doanh bền vững.

Ngoài ra, Anphabe thỏa mãn được tiêu chí đầu tư của RGIP, tức là đầu tư vào các công ty còn trẻ, nhưng có tiềm năng, chuyên kinh doanh những lĩnh vực mới và tiên phong. Hiện Anphabe sở hữu mạng cộng đồng các nhà quản lý đông thành viên nhất Việt Nam hiện nay (anphabe.com) và Cổng thông tin các công ty săn đầu người Anphabe Top Headhunt.

Bắt đầu từ “cái duyên”

Đến giờ phút này, khi thương vụ đã êm thấm, bà Thanh Nguyễn coi việc hai bên đến với nhau là do có duyên. Bà kể, từ 3 năm trước, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu tới thị trường Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, trong đó có Tập đoàn Recruit.

Và vị đại diện chuyên trách “kết nối cơ hội” cho tập đoàn này tình cờ trở thành một trong những thành viên đầu tiên của anphabe.com. Ông đã tự tìm đến với bà sau khi đọc hồ sơ cá nhân về một Thanh Nguyễn “kết nối”, với mục đích nhờ bà giúp gặp gỡ một số doanh nghiệp nằm trong tiêu chí đầu tư của họ.

Sau hơn 1 năm được Anphabe hỗ trợ rất vô tư cho bộ phận đầu tư của Tập đoàn Recruit, đồng thời cũng có điều kiện để hiểu thêm về định hướng kinh doanh lâu dài của Anphabe, vị đại diện này mới quay lại đặt vấn đề đầu tư.

Sau đó, như mọi thương vụ khác, hai bên đã có một quá trình dài 15 tháng để “tìm hiểu nhau” trước khi “kết hôn”. “Tôi và đối tác hay nói vui với nhau là khi tới Anphabe nhờ ‘mai mối’, cuối cùng Recruit đã quyết định ‘kết hôn luôn với bà mai’”, bà Thanh chia sẻ.

Hơn ai hết, “bà mai” này hiểu rằng, khi kết hôn với tập đoàn tuyển dụng nhân sự hàng đầu Nhật Bản và có mạng lưới toàn cầu, Anphabe sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Ngoài vấn đề tài chính, Anphabe còn được khá nhiều lợi ích về chuyên môn và kinh nghiệm.

Có thể thấy, so với Việt Nam, Nhật Bản là một thị trường phát triển hoàn thiện và tiên tiến hơn nhiều, nhất là trong lĩnh vực nhân sự. Vì vậy, một doanh nghiệp lâu đời với thị phần số một như Recruit có doanh thu lên tới 10,5 tỷ USD (năm 2012) sẽ có rất nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với Anphabe.

Hơn nữa, với quy mô 109 công ty con hoạt động trong tất cả các lĩnh vực nhân sự quan trọng, tập đoàn này dễ dàng hỗ trợ Anphabe về chiến lược, như chọn mô hình dịch vụ nào cho nhóm khách hàng nào, giới thiệu chức năng gì sẽ có lợi ích cho người dùng, cũng như hiệu quả kinh doanh cao vào từng thời điểm, từng thị trường, phân khúc…

Ngoài ra, Recruit đang cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng trên toàn thế giới. Khi đã trở thành đối tác chiến lược của họ, Anphabe cũng thừa hưởng được kinh nghiệm, kiến thức để phục vụ và đem đến nhiều giá trị cho khách hàng hơn, cũng như dễ dàng tìm đến các đối tượng khách hàng mới khi tiên phong kinh doanh trong nhóm dịch vụ mới.

Không đầu tư theo cơ chế xin - cho

Với thương vụ này, dư luận đồn đoán, chắc chắn Recruit sẽ đòi hỏi Anphabe phải đáp ứng rất nhiều điều kiện. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, bà Thanh khẳng định, hai bên làm việc với nhau theo tinh thần đối tác chiến lược, cùng nhau phát triển kinh doanh, chứ không phải là “cơ chế xin - cho” như cách thức thông thường giữa các quỹ đầu tư và công ty được đầu tư.

Với các thương vụ M&A, công ty được đầu tư thường phải thay đổi nhiều thứ, như các tiêu chí tuyển chọn nhân sự, hệ thống kế toán, quy trình hoạt động… Nhưng với Anphabe, đây không là khó khăn, mà là cơ hội để phát triển và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Trước mắt, hai bên sẽ ưu tiên việc phát triển kinh doanh bằng việc hợp tác cung cấp giải pháp “Thương hiệu nhà tuyển dụng (THNTD) toàn diện” đầu tiên tại Việt Nam. Lý do để hai bên chọn giải pháp kinh doanh này xuất phát từ quan điểm: công ty lớn mạnh không chỉ là những công ty có sản phẩm tốt, tiềm lực tài chính mạnh, mà còn là công ty có THNTD mạnh.

Hiểu một cách đơn giản, THNTD chính là sự nhìn nhận của nhân viên hiện tại và tiềm năng về công ty, xem đây có phải là một môi trường làm việc lý tưởng hay không. Định nghĩa tuy đơn giản như vậy, nhưng để định vị, xây dựng và quản trị THNTD tốt, rất cần cách tiếp cận chiến lược bài bản với các giải pháp chuyên nghiệp để tối đa hóa mục tiêu thu hút, tạo động lực và giữ chân nhân tài cho doanh nghiệp. Nhờ đó, Công ty cũng sẽ tối ưu được việc sử dụng các nguồn lực, gia tăng hiệu quả và lợi nhuận.

Liên quan đến vấn đề nhân sự cấp cao sau M&A, bà Thanh cho hay, một trong những tiêu chí quan trọng để Recruit quyết định đầu tư vào Anphabe là đội ngũ nhân sự. Anphabe sở hữu những nhân sự trẻ, nhưng có tầm nhìn chiến lược, có sự kết hợp kinh nghiệm đa dạng phù hợp với các nhóm giải pháp cấp tiến và có sự gắn kết với nhau đặc biệt.

“Đó là nguyên nhân cả hai bên quyết định hậu M&A sẽ không có sự thay đổi gì nhiều về nhân sự, ngoài việc tuyển dụng và thu hút thêm nhân tài để phục vụ nhu cầu phát triển”, bà Thanh cho biết.

Cần phải nhắc lại là, năm 2012, Anphabe đã rất thành công khi ra mắt Cổng thông tin săn đầu người đầu tiên tại Việt Nam Anphabe Top Headhunt. Cổng thông tin này đã mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp xứng tầm cho giới chuyên gia, quản lý tại Việt Nam và lần đầu tiên mở ra cơ hội kết nối họ với các chuyên gia săn đầu người hàng đầu theo từng ngành nghề.

Trong năm nay, Anphabe cũng đã giới thiệu nhóm dịch vụ các giải pháp tiên tiến và bài bản về định vị, xây dựng và phát triển thương hiệu nhà tuyển dụng để hỗ trợ doanh nghiệp thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài hiệu quả hơn. Anphabe hiện là đối tác THNTD cho nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam như Unilever Vietnam, Suntory Pepsico…

Không chia sẻ cụ thể, nhưng theo bà Thanh, sau thương vụ với Recruit, trong tương lai gần, Anphabe sẽ ra mắt một “kênh kết nối” mới với rất nhiều chức năng, hứa hẹn mang đến giá trị mới cho các người dùng và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.