"Chào tạm biệt" Trung Quốc, doanh nghiệp Hàn Quốc chọn Việt Nam làm bến đỗ
Trên 10 công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc không quan tâm đến việc quay về Hàn Quốc do chi phí nhân công trong nước cao, thay vào đó, Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam được họ chọn là điểm đến lý tưởng.
Theo Bloomberg, dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc lo ngại về sự phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Chính vì thế, chính phủ nước này đang cố gắng hỗ trợ cho doanh nghiệp về nước nhưng lại đang gặp phải nhiều thách thức.
Theo thống kê của Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, chỉ có khoảng 80 trên tổng số hàng nghìn công ty có liên kết với Trung Quốc thông báo sẽ đưa dây chuyền sản xuất về nước. Kể cả sau khi chính phủ Hàn Quốc mở rộng chính sách trợ cấp quay về với các ngành dịch vụ và IT đầu năm nay, sức hấp dẫn cũng có vẻ không tăng là bao.
Điều này có nghĩa Hàn Quốc đang bỏ lỡ cơ hội mang việc làm về nước, củng cố chuỗi cung ứng trong đại dịch và duy trì lợi thế cạnh tranh về sản xuất. Thay vào đó, thống kê cho thấy, các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm cách chuyển nhà máy tới Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Bae Ho-young thuộc Liên đoàn Doanh nghiệp vừa và nhỏ (Seoul, Hàn Quốc) nhận định, các rào cản ở Hàn Quốc là “quá cao”. Theo ông, đó là do thị trường lao động cứng nhắc, chi phí lao động cao và các quy định về môi trường phức tạp.
Theo một khảo sát của Bae từ tháng 6-7/2020 cho thấy, trên 10 công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc không quan tâm đến việc quay về. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn đang thúc đẩy tăng lương tối thiểu, giảm giờ làm và tăng tuyển dụng. Tuy nhiên, chính sách này bị nhiều người chỉ trích vì khiến chi phí kinh doanh tăng lên.
Mức lương tối thiểu cao hơn, thời gian làm việc ngắn hơn và quy định tăng cường thuê lao động thường xuyên là những yếu tố làm tăng chi phí kinh doanh tại Hàn Quốc.
Lương tháng trung bình của công nhân nhà máy tại Hàn Quốc là 3.405 USD năm 2019, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Con số này cao gấp 13 lần số liệu của Việt Nam năm 2018 và gấp 4 lần Trung Quốc năm 2016.
“Hàn Quốc vẫn là địa điểm sản xuất đắt đỏ, nhất là với hàng xuất khẩu”, giáo sư kinh tế Sung Won Sohn thuộc Đại học Loyola Marymount nhận định. “Trong đại dịch, các công ty Hàn Quốc phải ở lại Trung Quốc hoặc Đông Nam Á để duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo toàn thị phần trên toàn cầu”.
Theo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, tính từ năm 2000, có 23.492 công ty Hàn Quốc thiết lập hoạt động tại Trung Quốc. Con số này chỉ mới đạt đỉnh tại Trung Quốc vào năm 2006 và nhưng đã giảm gần 500 mỗi năm kể từ năm 2018.
Samsung Electronics là một trong các công ty lớn của Hàn Quốc đang tăng hiện diện tại Đông Nam Á và các khu vực khác, đồng thời giảm sản xuất tại Trung Quốc. Tập đoàn này mở rộng nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời đóng cửa một số dây chuyền thiết bị tiêu dùng tại Trung Quốc.
Hyundai Motor cũng đang tăng sản xuất tại Việt Nam và ngừng dây chuyền ở Bắc Kinh.
“Doanh nghiệp nhỏ hơn có xu hướng đi tới những quốc gia mà công ty lớn đã đến”, Bill Lee - nhà phân tích tại Samil PricewaterhouseCoopers cho biết. Ông đã giúp nhiều nhà cung cấp cho Samsung và Hyundai thanh lý tài sản tại Trung Quốc trước khi chuyển sản xuất ra khỏi đây.