Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và một số khuyến nghị

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 05/2020

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và nền kinh tế. Ảnh hưởng của đại dịch không chỉ dừng lại ở tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn còn gây ra những tiêu cực xã hội như mất việc làm, giảm thu nhập... Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị tạm dừng hoạt động hoặc phá sản. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh dịch Covid-19. Bài viết trình bày các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời đưa ra một số kiến nghị đề xuất trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhìn lại các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói riêng. Theo khảo sát mới nhất của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), có tới 77% DN xã hội cho rằng dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc vô cùng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, 10% cho rằng, đang đứng trước nguy cơ phá sản, đóng cửa. Bên cạnh đó, có 23% DN được hỏi đánh giá là dịch ảnh hưởng ít hoặc ở hiện tại, DN vẫn có thể ứng phó được nhưng phần lớn đây là các DN đang kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thiết yếu không bị sụt giảm về nhu cầu hoặc các đơn vị sản xuất nông sản chưa đến mùa thu hoạch nên chưa bị áp lực về bán hàng trước mắt...

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực của nền kinh tế đều chịu tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng năm 2020 chỉ tăng 1,8%, trong đó riêng tháng 4/2020, giảm mạnh 10,5% so với cùng kỳ năm 2019, ghi nhận lần giảm duy nhất của tháng 4 trong khoảng 5 năm gần nhất; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 4,3% (riêng tháng 4 giảm 26%). Trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có 37.600 DN đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% và giảm 17,9% vốn đăng ký, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 DN, tăng 33,6%; vốn FDI thực hiện 4 tháng giảm 9,6%... Tăng trưởng GDP quý I/2020 ước đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Bối cảnh dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến nghĩa vụ nộp thuế của cộng đồng DN và người dân...

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và một số khuyến nghị - Ảnh 1

Trước bối cảnh đó, về thực hiện chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ như: Gia hạn thuế, miễn giảm nhiều khoản phí, lệ phí, cũng như nhiều giải pháp để cân đối ngân sách Nhà nước. Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN của các DN, tổ chức sản xuất, kinh doanh; gia hạn 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của các hộ kinh doanh; gia hạn 5 tháng đối với tiền thuê đất của các DN, tổ chức, cá nhân... Ước tính, khi triển khai Nghị định này, có khoảng 740 nghìn DN, chiếm đến 98% số DN đang hoạt động sẽ được hưởng lợi từ chính sách. Theo các chuyên gia kinh tế, Nghị định số 41/2020/NĐ-CP được ban hành kịp thời là giải pháp quan trọng, thiết thực giúp DN, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ và giải quyết theo thẩm quyền miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về thuế suất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các DN hoạt động lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ôtô...

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các ngành để rà soát cắt giảm, miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí. Cụ thể: Miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và DN, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới trong năm đầu; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN; giảm 67% mức phí công bố thông tin DN; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính... Tổng số phí, lệ phí cắt giảm mà DN và người dân được hưởng lợi là khoảng 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 điều chỉnh giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán; Thông tư số 33/2020/TT-BTC ngày 5/5/2020 quy định mức thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trong đó, điều chỉnh giảm 50% mức thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Thông tư số 34/TT-BTC ngày 5/5/2020 về mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng, trong đó, một số phí trong lĩnh vực này đều được giảm 50% so với quy định hiện hành; Thông tư số 35/TT-BTC ngày 5/5/2020 về mức thu, nộp phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, trong đó điều chỉnh giảm tới 50% mức một số loại phí so với quy định hiện hành...

Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để đề xuất với Quốc hội quyết định mức thực hiện chính sách thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và siêu nhỏ, áp dụng từ ngày 1/7/2020. Nếu chính sách này được thông qua, khoảng 700 nghìn DN, chiếm khoảng 93% tổng số DN cả nước đang hoạt động sẽ được hưởng lợi. Qua đó, nghĩa vụ nộp ngân sách năm 2020 của số DN này giảm khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Nếu chính sách này được thông qua, tổng số thu nhập người lao động được giữ lại để tăng thêm cho chi tiêu nhờ việc điều chỉnh này trong năm 2020 khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng.

Về phía chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm các khoản lãi vay. Đối với những khoản vay cũ, NHNN đã kêu gọi các TCTD thực hiện giảm lãi suất đối với các khoản dư nợ cũ và nhận được sự đồng tình của các tổ chức này. Cùng với đó, các ngân hàng cũng thực hiện giảm phí thanh toán, sẵn sàng nguồn vốn cho các DN có nhu cầu vay mới nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế trở lại. Theo báo cáo của hệ thống các TCTD, thời gian qua, về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, toàn hệ thống đã cơ cấu được cho gần 170.746 khách hàng với dư nợ 128.210 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỷ đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ là 980.163 tỷ đồng. Đồng thời, trong các tháng đầu năm 2020, đặc biệt là từ tháng 4/2020, phần lớn các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay với mức giảm phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí có một số ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, Techcombank… đã hạ lãi suất vay vốn cho khách hàng từ 2,5% - 4%/năm.

Một số kiến nghị

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc Bộ Tài chính và NHNN tham mưu Chính phủ và các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN là nỗ lực kịp thời rất đáng ghi nhận. Đến nay, các chính sách này đã đón nhận sự đồng tình, đánh giá cao của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Báo cáo của Trung tâm CSIP cho thấy, đa phần các DN đánh giá cao những giải pháp liên quan tới hỗ trợ thị trường và huy động nguồn lực của Chính phủ, nhằm giải quyết những vấn đề khẩn cấp do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, hiện nay, Chính phủ các nước đều đã đưa ra các chính sách kích cầu, hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam cũng nhanh chóng triển khai các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đồng bộ, qua đó hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng DN vượt qua khó khăn. Trong thời gian tới, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi sau giai đoạn khó khăn, cần tiếp tục rà soát triển khai các chính sách hỗ trợ nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN, người nộp thuế nói riêng. Trong đó, về tổng thể cần chú ý một vấn đề sau:

- Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Chính phủ hỗ trợ cộng đồng DN, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ. Thông tin tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục theo nhiều hình thức, bảo đảm DN, hộ kinh doanh, người lao động tiếp cận và hiểu rõ phạm vi, đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục để các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ thực hiện đúng và kịp thời nhận được gói hỗ trợ của nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN.

- Chính sách hỗ trợ nền kinh tế nói chung và DN và người dân nói riêng cần có sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, đồng điệu giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Do vậy, các cơ quan liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc kiến nghị, đề xuất các chính sách trình Chính phủ, trình Quốc hội nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu và triển khai kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến của dịch trong và ngoài nước; Sớm trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19...

- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm cân đối nguồn để triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phù hợp. Báo cáo Quốc hội, Chính phủ quyết định việc giãn, hoãn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, đặc biệt là miễn giảm các loại phí, lệ phí liên quan đến thủ tục hành chính, dịch vụ công, dịch vụ vận tải, logistics…

- Cần hỗ trợ đúng các nhóm đối tượng theo quy định của Chính phủ. Việc xác định đúng đối tượng rất quan trọng để tránh bị lạm dụng, kể cả từ phía cơ quan quản lý cũng như đối tượng thụ hưởng. Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế tạo điều kiện về mặt thủ tục cho các DN, hộ, cá nhân kinh doanh khi kê khai các thủ tục giãn thuế. Mới đây, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cũng yêu cầu, Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các phòng, Chi cục Thuế khẩn trương phối hợp rà soát, thẩm định đối tượng hộ kinh doanh được hưởng chính sách hỗ trợ phải bảo đảm tổng kinh phí không vượt quá số đã được báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện, không để lợi dụng để trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

- Chống lạm dụng, trục lợi gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát khi hưởng các gói hỗ trợ. Để làm được điều này, việc hỗ trợ này cần phải dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng.               

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2020), Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất;

2. Bộ Tài chính (2020), Công văn số 3915/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất;

3. Bộ Tài chính (2020), Tờ trình Chính phủ số 47/TTr-BTC ngày 26/3/2020 về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất;

4. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020;

5. Thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và DN gắn với cân đối ngân sách nhà nước, Tạp chí điện tử Tài chính;

6. Bùi Dương (2020), Phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, Tạp chí điện tử Tài chính.