Châu Á kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, thúc đẩy Fintech phát triển
Tại Diễn đàn Tài chính châu Á vừa qua, các ngân hàng lớn đã kêu gọi hợp tác quốc tế nhiều hơn về biến đổi khí hậu, công nghệ tài chính (Fintech), tài sản kỹ thuật số và tiền điện tử.
Mở rộng hợp tác quốc tế
Mới đây, tại Diễn đàn Tài chính Châu Á (AFF), các ngân hàng lớn đã kêu gọi sự hợp tác quốc tế lớn hơn trong bối cảnh ngày càng có nhiều kỳ vọng về một nền kinh tế “hạ cánh” nhẹ nhàng, đồng thời đưa ra cảnh báo về những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu do lạm phát dai dẳng, căng thẳng địa chính trị và suy thoái tài sản của Trung Quốc.
Thomas Helbling, Phó giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: “Chúng ta gần như đã đạt được cú hạ cánh mềm trong nền kinh tế toàn cầu và bước sang năm 2024 với nền tảng vững chắc hơn nhiều. IMF đã sẵn sàng công bố bản cập nhật về dự báo kinh tế vào tuần tới”.
IMF dự báo, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc xuống 3,0% vào năm 2023 và 2,9% vào năm 2024 từ mức 3,5% vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% trong hai thập kỷ qua. Tỷ lệ tin tưởng vào việc nới lỏng tiền tệ ở Mỹ gần đây đang tăng lên trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, điều này tạo điều kiện cho dòng vốn chảy ra khỏi các tài sản rẻ hơn trên toàn cầu, tuy nhiên lạm phát lõi có thể bị ảnh hưởng.
Ông Thomas Helbling cũng nói thêm, tăng trưởng kinh tế có thể không đồng đều giữa các thị trường và sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc có thể mạnh hơn dự kiến. “Hiện tại chúng tôi cũng nhận thấy rủi ro tăng giá nếu có một chiến lược toàn diện để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản và những cải cách dựa trên thị trường rộng hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng. Mặt khác, cũng có triển vọng rằng, tình trạng suy thoái doanh số bán bất động sản vẫn sẽ gia tăng trước khi tình hình trong lĩnh vực này được cải thiện.”
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực trong đó có trọng tâm là biến đổi khí hậu cũng được IMF cùng các chuyên gia thảo luận, bày tỏ sự ủng hộ về hợp tác đa phương mạnh mẽ hơn nữa. Ông Scott Morris, Phó chủ tịch khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết, các cổ đông lớn nhất của ngân hàng gồm Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cùng nhau hợp tác để huy động nguồn tài chính đa phương cho các hoạt động ứng phó với khí hậu.
“Chúng tôi cam kết tài trợ trực tiếp 100 tỷ USD vào năm 2030 để hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu, hiện ngân hàng đang sử dụng vốn tự có của mình để đóng góp thêm 10 tỷ USD mỗi năm cho cùng mục đích”, ông nói.
Và dành sự quan tâm cho Fintech
Các chuyên gia đồng thời cho rằng, ngoài các vấn đề nêu trên, còn cần có sự hợp tác pháp lý trong các lĩnh vực mới nổi như Fintech, tài sản kỹ thuật số và tiền điện tử.
Giám đốc điều hành Cơ quan Dịch vụ Tài chính Dubai (DFSA) - Ian Johnston bày tỏ, có nhiều người trong số chúng ta cảm thấy rằng, tiền điện tử cần phải được quản lý ở thời điểm hiện tại, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần trao đổi với nhau, cùng hợp tác và học hỏi lẫn nhau.
Từ góc nhìn đầu tư, Giám đốc Đầu tư Fintech của Tập đoàn tài chính Lloyds Banking Group chia sẻ, việc giảm lãi suất trong năm nay có thể kích thích đầu tư vào Fintech nhiều hơn. Tuy nhiên, vài năm gần đây đã khiến thị trường có mức độ không chắc chắn cao; tình trạng hỗn loạn kéo theo xung đột Nga-Ukraine gây áp lực lên hệ thống kinh tế, sau đó một số ngân hàng phá sản, hành vi lừa đảo của một số lãnh đạo doanh nghiệp khiến một số startup kỳ lân trên thị trường tiền điện tử như FTX sụp đổ.
Kết quả của việc thiết lập lại thị trường đầu tư đã ảnh hưởng đến việc định giá các doanh nghiệp Fintech. Nếu năm 2021, các doanh nghiệp vẫn có thể đạt được giá trị gấp 15 - 20 lần doanh thu thì đến năm 2024, những doanh nghiệp có mức định giá gấp 7 lần doanh thu đều được coi là có vị thế vững mạnh. Sự điều chỉnh này cần một thời gian để làm quen và có thể khó khăn, nhưng đó là cần thiết để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
“Hầu hết, các Fintech thành công đều có sứ mệnh và mục đích. Họ tồn tại để làm những việc khác biệt và chúng tôi tin rằng họ có thể mang lại kết quả tuyệt vời cho khách hàng. Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp phải xem xét lượng khí thải carbon, tác động của chuỗi cung ứng, tác động xã hội, sự cân bằng giới tính trong đội ngũ sáng lập và lãnh đạo cũng như thành viên hội đồng quản trị.
Về tính bền vững, tại Hội nghị COP28 đã có một số thông báo về các quỹ và sáng kiến mới tập trung vào đầu tư vì mục đích tốt đẹp, với quan điểm phát triển quốc tế. Trong đó có UAE cam kết 30 tỷ USD cho quỹ đầu tư vào các dự án thân thiện với khí hậu trên toàn cầu. Hơn nữa, Ngân hàng Thế giới cho biết họ sẽ tăng phân bổ tài trợ cho các dự án liên quan đến khí hậu lên đến 45%, nghĩa là có thêm tổng cộng 9 tỷ USD.
Một lý do khác để tin tưởng vào Fintech như một động lực tốt là sự ra đời của tiền kỹ thuật số. Công nghệ này có thể được sử dụng như một giải pháp tiềm năng để cung cấp tiền cho các cá nhân và cộng đồng một cách hiệu quả. Nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định, tiền sẽ được giải phóng gần như ngay lập tức cho những người còn yếu thế trong xã hội”, bà Kirsty Rutter phân tích.
Đối với Việt Nam, theo báo cáo của Tracxn, lĩnh vực Fintech đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về vốn đầu tư trong năm 2023, với tổng giá trị đầu tư giảm 84% so với năm trước, xuống còn 35,3 triệu USD qua 8 vòng gọi vốn. Đáng chú ý, không có vòng đầu tư giai đoạn cuối nào được ghi nhận trong hai năm liên tiếp - một sự thay đổi lớn so với năm 2021, khi ngành này thu hút được 300 triệu USD và cũng không có vòng gọi vốn nào đạt mức 100 triệu USD hoặc xuất hiện "kỳ lân" mới trong ngành.
Tuy nhiên, Tracxn vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Fintech Việt Nam khi nhấn mạnh vào dân số trẻ và am hiểu công nghệ cùng với sự gia tăng của quá trình số hóa. Chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, với việc triển khai Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, nhằm tăng tỷ lệ kinh tế số trong GDP lên 20% vào năm 2025.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang phát triển cơ chế Sandbox cho các công ty khởi nghiệp Fintech, nhằm thúc đẩy sự đổi mới và giảm thiểu rủi ro từ các mô hình kinh doanh mới.