Chính sách đầu tư toàn cầu trong bối cảnh mới và hàm ý cho Việt Nam


Bài viết khái quát bức tranh đầu tư toàn cầu năm 2022, đồng thời đánh giá chính sách đầu tư toàn cầu trước bối cảnh mới. Từ đó, bài viết hàm ý một số chính sách đối với Việt Nam. Theo đó, tác giả đề xuất, Việt Nam cần nhanh chóng công bố lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) phù hợp, vừa nhằm đảm bảo quyền lợi của quốc gia, đồng thời cũng không làm nản lòng các nhà đầu tư. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam xem xét lại các ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ đó, điều chỉnh chiến lược thu hút FDI.

Giới thiệu

Sau đợt sụt giảm do tác động của đại dịch COVID-19 vào năm 2020, dòng vốn FDI toàn cầu có dấu hiệu phục hồi trở lại nhưng kéo dài không được bao lâu. Xu hướng đi xuống đã quay trở lại từ sau quý I/2022. Bất ổn của kinh tế thế giới do đại dịch COVID-19 và cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm thay đổi chính sách đầu tư (ở cấp độ quốc gia và toàn cầu) từ đó gây ra sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu trong thời gian qua và cả trong giai đoạn tiếp theo.

Trong số các chính sách được đề cập, đáng chú ý là chính sách thuế TTTC (15%) được các quốc gia OECD thống nhất dự kiến áp dụng từ 01/01/2024. Chính sách này dự báo sẽ đặt ra không ít thách thức với việc duy trì tính cạnh tranh của môi trường đầu tư (nhờ duy trì mức thuế suất thấp) tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trước bối cảnh đó, việc tìm hiểu về chính sách đầu tư toàn cầu, để từ đó rút ra những hàm ý cho Việt Nam là điều cần thiết.

Bức tranh đầu tư toàn cầu năm 2022

Trong năm 2022, môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu đã có sự thay đổi đáng kể khi cuộc chiến ở Ukraine gây ra khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính tại nhiều quốc gia. Sự không chắc chắn của hoạt động đầu tư đã tạo áp lực làm giảm sút hoạt động thu hút FDI trên phạm vi toàn cầu.

Hình 1: Xu hướng đầu tư toàn cầu 2019-2022

Chính sách đầu tư toàn cầu trong bối cảnh mới và hàm ý cho Việt Nam - Ảnh 1
Nguồn: UNCTAD

Bên cạnh đó, sự bùng phát của dịch COVID-19 tại Trung Quốc (quốc gia đóng vai trò chính trong chuỗi giá trị toàn cầu) khiến cho quốc gia này áp dụng chính sách Zero-COVID trong một thời gian dài cũng là nguyên nhân làm suy giảm hình thức đầu tư mới vào những ngành nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu. Lãi suất tăng cao tại các nền kinh tế lớn cùng với sự gia tăng đáng kể của lạm phát khiến cho thị trường mua lại và sáp nhập cũng như hoạt động tài trợ dự án trở nên ảm đạm. Ngoài ra, sự suy thoái của dòng vốn FDI toàn cầu còn bắt nguồn từ tâm lý tiêu cực trên thị trường tài chính cũng như dự báo về suy thoái của các nền kinh tế.

Sau đợt sụt giảm của năm 2020, dòng vốn FDI toàn cầu có dấu hiệu phục hồi nhưng kéo dài không được bao lâu. Xu hướng đi xuống đã quay trở lại từ quý II/2022 khi số lượng các dự án mới đối với tất cả các hình thức, bao gồm đầu tư mới (Green field investment - GI), tài trợ dự án quốc tế (international project finance - IPF), các vụ mua lại và sáp nhập xuyên biên giới (cross-border mergers and acquisitions - M&As) đều có xu hướng đảo chiều (Hình 1).

Tài trợ dự án và các vụ mua lại và sáp nhập chịu ảnh hưởng đáng kể do các điều kiện tài chính không thuận lợi, lãi suất tăng cao và sự không chắc chắn ngày càng gia tăng trên thị trường tài chính. Giá trị tài trợ dự án quốc tế giảm 30% trong năm 2022. Trong khi đó, M&A xuyên biên giới có mức doanh thu giảm 6% trên phạm vi toàn cầu và giảm một nửa tại Mỹ, nơi có thị trường M&A lớn nhất. Dữ liệu sơ bộ về hình thức đầu tư mới cho thấy mức tăng trưởng 6% do đà tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2022.

Sự phân bổ theo ngành của các siêu dự án theo hình thức đầu tư mới được công bố vào năm 2022 cho thấy, xu hướng chính của dòng vốn đầu tư toàn cầu. Ba trong số 10 dự án lớn nhất liên quan đến các nhà máy sản xuất chip, nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu và xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Sáu trong số 10 dự án hàng đầu là về năng lượng tái tạo, với 4 dự án ở Ai Cập (UNTACD, 2023).

Trong khi số lượng các siêu dự án theo hình thức đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngày càng tăng thì hoạt động tài trợ dự án trong lĩnh vực này (phần lớn là đầu tư nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu trong những năm gần đây) đang có xu hướng sụt giảm đáng kể. Các dự án theo hình thức tài trợ dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo giảm 5% về số lượng và 40% về giá trị. Hệ quả là, hoạt động đầu tư nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu đã giảm hơn 9% về giá trị công bố và 6% tính trên số lượng dự án. Ngược lại, nhiều dự án lớn trong lĩnh vực khai thác công nghiệp, than đá, dầu khí đã được đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.

Ở các nước đang phát triển, số lượng dự án hướng tới mục tiêu phát triển bền vững (như cơ sở hạ tầng bền vững, an ninh lương thực, nước sạch và vệ sinh môi trường, sức khỏe…) tăng 3% về số lượng và giảm nhẹ về giá trị. Sự gia tăng số lượng các dự án là do các dự án chủ yếu có quy mô tương đối nhỏ, và tập trung vào lĩnh vực giao thông. Đầu tư quốc tế vào nông nghiệp và kinh doanh nông nghiệp, trong đó có phân bón, vẫn trì trệ ở mức thấp.

Bức tranh FDI toàn cầu năm 2023 không mấy khả quan khi một số lượng đáng kể các nền kinh tế trên toàn thế giới được dự báo sẽ bước vào thời kỳ suy thoái. Tăng trưởng âm hoặc chậm tại nhiều nền kinh tế làm xấu đi điều kiện tài chính, gây ra tình trạng không chắc chắn. Việc các nhà đầu tư phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng (đặc biệt tại các nước đang phát triển), sự gia tăng rủi ro liên quan đến áp lực nợ sẽ tác động đáng kể, làm suy giảm dòng vốn FDI toàn cầu (UNTACD, 2023).

Chính sách đầu tư toàn cầu trước bối cảnh mới

Bất ổn của kinh tế thế giới do đại dịch COVID-19 và cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm thay đổi chính sách đầu tư (ở cấp độ quốc gia và toàn cầu) từ đó gây ra sự chuyển hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu trong thời gian qua và cả trong giai đoạn tiếp theo.

Chính sách đầu tư của các quốc gia

Các nước phát triển tiếp tục tăng cường giám sát đối với FDI do lo ngại về an ninh quốc gia trong khi các nước đang phát triển hướng tới mục tiêu giảm thiểu nguy cơ thoái lui vốn FDI đồng thời nhằm gia tăng đóng góp của khu vực này đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Các nước phát triển đã mở rộng việc bảo vệ các công ty chiến lược khỏi sự thôn tính của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc áp dụng các quy định chặt chẽ hơn về đầu tư. Ngược lại, các nước đang phát triển tiếp tục áp dụng các biện pháp chủ yếu để tự do hóa, thúc đẩy hoặc tạo thuận lợi cho đầu tư, khẳng định vai trò quan trọng của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với chiến lược phục hồi kinh tế. Tỷ lệ các biện pháp kém thuận lợi hơn đối với hoạt động đầu tư tăng cao nhất trong lịch sử là 42%, tương quan với tỷ lệ các biện pháp tạo thuận lợi cho đầu tư là 58% (Hình 2). Mặc dù chính sách đầu tư có thể hạn chế hoặc được nới lỏng, nhưng tựu chung lại, phần lớn các quốc gia vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách để thúc đẩy, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư (United Nations, 2022).

Hình 2: Sự thay đổi trong chính sách đầu tư của các quốc gia giai đoạn 2005-2021

Đơn vị: %
Chính sách đầu tư toàn cầu trong bối cảnh mới và hàm ý cho Việt Nam - Ảnh 2
Nguồn: UNCTAD

Ờ một diễn biến khác, quá trình hướng tới cải cách hiệp định đầu tư quốc tế đã được đẩy mạnh thông qua việc việc ký kết các hiệp định kinh tế siêu khu vực thế hệ mới và chấm dứt các hiệp định đầu tư song phương. Số lượng các thỏa thuận kinh tế siêu khu vực thế hệ mới đang tăng lên, nổi lên gần đây là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Bản chất toàn diện và sự liên quan về địa chiến lược của các hiệp định này làm cho chúng có ảnh hưởng lớn đến chính sách đầu tư quốc tế. Ngoài vấn đề đầu tư, các hiệp định này có thể bao gồm: thương mại hàng hóa và các quy tắc xuất xứ, thương mại dịch vụ, cạnh tranh, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, sự điều tiết hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các hiệp định siêu khu vực hứa hẹn đẩy mạnh tự do hóa khả năng tiếp cận thị trường và thúc đẩy hội nhập khu vực giữa các bên ký kết, kích thích dòng vốn đầu tư bổ sung. Bởi vì phạm vi rộng, các hiệp định này có thể có những tác động tích cực đáng kể hơn đối với FDI hơn so với các hiệp định đầu tư song phương.

Chính sách thuế là một trong những công cụ chính được sử dụng trên toàn thế giới để thúc đẩy đầu tư và đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng tầm quan trọng của các nỗ lực khuyến khích và cứu trợ thuế đối với quá trình phục hồi kinh tế cũng như các gói phục hồi được áp dụng trên toàn thế giới. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã giảm ở tất cả các khu vực kể từ năm 1980, khi các quốc gia, bất kể quy mô hay trình độ phát triển, tham gia ngày càng sâu vào cuộc cạnh tranh về thuế để thúc đẩy đầu tư. Theo thống kê, trong số 100 quốc gia áp dụng các chính sách đầu tư liên quan đến thuế thì 90 quốc gia tiến hành giảm thuế, đưa ra các ưu đãi thuế mới hoặc thực hiện các ưu đãi hiện có một cách hào phóng hơn (United Nations, 2022). Trên toàn cầu, hầu hết các ưu đãi mới nhằm vào đầu tư sản xuất và dịch vụ, mặc dù có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực (UNCTAD, 2023). Ưu đãi thuế hướng tới lĩnh vực nông nghiệp và khai khoáng tập trung tại các quốc gia đang phát triển và kém phát triển.

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu

Việc dựa vào ưu đãi về thuế để thúc đẩy thu hút FDI sẽ không còn là thế mạnh của nhiều quốc gia khi việc cải cách hệ thống thuế quốc tế đang được thúc đẩy. Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của các nước G20/OECD diễn ra vào tháng 6/2021 đã đề xuất sáng kiến (trụ cột II) về mức thuế TTTC (15%), dự kiến được áp dụng từ ngày 01/01/2024. Theo đó, quy định này đặt ra cơ chế cho phép quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ cuối cùng của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hằng năm từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên sẽ được thu thêm phần tiền thuế đối với khoản thu nhập mà công ty đa quốc gia này thu được từ hoạt động đầu tư kinh doanh ở quốc gia khác nếu công ty đó chỉ chịu mức thuế suất thuế TNDN dưới mức tối thiểu là 15%.

Trụ cột BEPS II nhằm ngăn cản các công ty đa quốc gia (MNEs) chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có thuế suất thấp, đồng thời cũng nhằm giảm sự cạnh tranh về thuế giữa các quốc gia. Mục tiêu xa hơn của trụ cột này là để ổn định các quy tắc thuế quốc tế, giảm sự không chắc chắn về thuế, ngăn chặn sự phổ biến các biện pháp đơn phương có thể dẫn đến sự xấu đi của môi trường đầu tư. Ngoài ra, việc tăng nguồn thu từ thuế được kỳ vọng sẽ hỗ trợ việc huy động nguồn lực của các quốc gia cho mục tiêu phát triển bền vững.

Thuế suất thuế TNDN theo luật định (danh nghĩa) đã giảm trong ba thập kỷ qua trong cuộc đua của các quốc gia để thu hút đầu tư quốc tế và hiện đang ở mức khoảng 25% ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Thuế suất hiệu lực đối với lợi nhuận được báo cáo của các MNEs ở nước ngoài có xu hướng thấp hơn, ở mức dưới 20%, do ưu đãi tài chính được cung cấp bởi các nước sở tại. Nhiều MNEs thậm chí còn trả ít hơn đáng kể so với thuế suất hiệu lực tiêu chuẩn trên, với mức trung bình khoảng 15%.

Trụ cột II sẽ tăng mức thuế TNDN mà các MNEs từ đó làm giảm lợi nhuận. Do đó, các MNEs sẽ giảm chuyển dịch lợi nhuận về nước. Bên cạnh đó, các chi nhánh nước ngoài trả thuế thực dưới mức tối thiểu sẽ phải chịu thuế bổ sung. Mức tăng dự kiến ​​trong thuế suất hiệu lực mà các MNEs phải đối mặt được ước tính là 2 điểm phần trăm (tùy vào từng khu vực địa lý) (Hình 4).

Hình 3: Thay đổi của thuế suất hiệu lực sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Chính sách đầu tư toàn cầu trong bối cảnh mới và hàm ý cho Việt Nam - Ảnh 3
Nguồn: UNCTAD

Một số hàm ý cho Việt Nam

Thuế TNDN phổ thông của Việt Nam hiện nay là 20%, trong khi thuế TNDN thực tế của các doanh nghiệp FDI là 12,3%. Các tập đoàn lớn nước ngoài thậm chí chỉ chịu thuế suất thuế TNDN là 2,75% đến 5,95% (nhiều dự án FDI lớn được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong cả đời dự án, miễn 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo) (Hồng Hạnh, 2023).

Thuế TTTC được áp dụng sẽ đặt ra không ít thách thức với việc duy trì tính cạnh tranh của môi trường đầu tư của Việt Nam. Với chính sách này, Việt Nam sẽ phải bảo đảm mức thuế TNDN bằng hoặc cao hơn mức tối thiểu đã được thống nhất trên toàn cầu là 15%. Giả sử một doanh nghiệp FDI nộp thuế TNDN 9% ở Việt Nam, thì khi áp dụng thuế TTTC, quốc gia nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp đó sẽ được quyền thu thêm 6% thuế từ doanh nghiệp.

Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, trong 36.500 dự án FDI ở Việt Nam, có khoảng 3% doanh nghiệp FDI (tương đương 1.015 doanh nghiệp) có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế TTTC, trong đó hơn 70 doanh nghiệp, như: Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron... có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế TTTC khi được áp dụng từ năm 2024 (Phương Nga, 2023).

Đến nay, hầu hết các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu; Thụy Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hồng Kông, Úc… đã xác nhận sẽ áp dụng thuế TTTC 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế TTTC. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế TTTC trong khi Việt Nam chậm áp dụng cơ chế thuế này, thì các doanh nghiệp FDI có doanh thu từ 750 triệu Euro sẽ phải nộp phần chênh lệch giữa số thuế TNDN thực nộp tại Việt Nam với số thuế TNDN phải nộp cho nước đặt trụ sở chính của công ty. Phần thuế chênh lệch cho năm 2024 ước tính khoảng hơn 12 nghìn tỷ đồng. Khi đó, không những Nhà nước mất đi một khoản thu ngân sách khá lớn mà môi trường đầu tư cũng chịu tác động tiêu cực (Phương Ánh, 2023).

Trước bối cảnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng công bố lộ trình áp dụng thuế TTTC phù hợp, vừa nhằm đảm bảo quyền lợi của quốc gia, đồng thời cũng không làm nản lòng các nhà đầu tư. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng ta xem xét lại các ưu đãi dành cho các doanh nghiệp FDI, điều chỉnh chiến lược thu hút FDI. Vì vậy, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đề xuất liên quan đến chính sách thuế. Trước mắt, có thể cân nhắc việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ bằng tiền để tăng ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI khi chính sách thuế TTTC được áp dụng. Khoản hỗ trợ này được thực hiện qua đăng ký và trả sau khi doanh nghiệp đã nộp thuế. Ở một khía cạnh khác, muốn áp dụng cơ chế bồi hoàn bằng tiền này, cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng các cam kết quốc tế, vì Việt Nam có thể bị xem là không tuân thủ quy định chung, do bản chất của khoản hỗ trợ bằng tiền là nhằm "lách" quy định thuế TTTC.

Việt Nam có thể cho phép doanh nghiệp được phép khấu trừ chi phí trước khi tính thuế TNDN. Điểm mạnh của chính sách ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư sẽ ngăn chặn chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giúp khuyến khích đầu tư thực chất vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đưa ra phương án đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Hơn nữa, xu hướng chuyển dịch ưu đãi thuế dựa vào lợi nhuận sang chi phí đang được nhiều quốc gia cân nhắc áp dụng.

Về lâu dài, Việt Nam nên áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để giành quyền thu bổ sung và có nguồn tài chính cho các khoản hỗ trợ bằng tiền. QDMTT có thể hiểu là cơ chế nội địa trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Cơ chế này có tính ổn định cao khi Việt Nam ước tính được nguồn thu ngân sách bổ sung. Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế này đòi hỏi Việt Nam phải nội luật hóa chính sách để điều chỉnh những yếu tố kỹ thuật không phù hợp với chính sách thuế nội địa. Cùng đó, đào tạo nhân lực cũng cần được nhanh chóng thực hiện.

Mặt khác, cần nghiên cứu chuyển đổi chính sách ưu đãi thuế, đầu tư từ thiên về sử dụng quy mô vốn và lao động, dự án sang tiếp cận theo chiều dọc, nâng cao giá trị gia tăng, sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, có tính lan tỏa, kết nối được với các doanh nghiệp trong nước.

Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư thay vì tiếp tục chú trọng vào đưa ra ưu đãi về thuế. Quan điểm về thu hút đầu tư nước ngoài cần thay đổi theo hướng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định. Việt Nam cần rà soát và thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường đầu tư kinh doanh (đảm bảo kinh tế vĩ mô, sự ổn định và minh bạch của thể chế), lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng, hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ...

Ngoài ra, cần có các nghiên cứu cụ thể để ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo địa bàn chuyển sang ngành, lĩnh vực. Theo đó, ngành, lĩnh vực nào cần thu hút đầu tư nhiều thì phải có chính sách ưu đãi nhiều./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồng Hạnh (2023), Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút FDI, truy cập từ https://nhandan.vn/ap-dung-thue-toi-thieu-toan-cau-va-thu-hut-fdi-post743907.html.

2. Phương Ánh (2023), CEO Samsung: Miễn, giảm thuế cho FDI của Việt Nam sắp hết tác dụng, truy cập từ https://vnexpress.net/ceo-samsung-mien-giam-thue-cho-fdi-cua-viet-nam-sap-het-tac-dung-4595070.html.

3. Phương Nga (2023), Việt Nam sẵn sàng điều kiện mới hút vốn FDI, truy cập từ https://kinhtedothi.vn/viet-nam-san-sang-cho-dieu-kien-moi-hut-von-fdi.html.

4. UNTACD (2023), Global FDI momentum weakened in 2022 with downward pressure on projects after Q1. Decline expected for 2023, Investment Trends Monitor, Issue 44.

5. United Nations (2022), World Investment Report 2022, International Tax Reforms and Sustainable Investment, Geneva.

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo