Châu Á sẽ là lực đẩy thương mại toàn cầu
Xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam được dự đoán tăng trưởng hai chữ số trong nhiều thập kỷ.
Theo một báo cáo mới của ngân hàng HSBC, châu Á sẽ là lực đẩy chính với thương mại toàn cầu trong những năm tới. Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam là những cái tên nổi bật khi xuất khẩu được dự đoán tăng hai chữ số mỗi năm trong nhiều thập kỷ. Báo cáo này cho biết: "Xu hướng thương mại toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế châu Á. Cả xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực này sẽ tăng mạnh".
Thương mại toàn cầu được dự đoán tăng 5% năm 2013 trước khi lên 6% - 7% cho đến 2016. Tuy nhiên, châu Âu vẫn chìm ngập trong gánh nặng nợ nần và triển vọng tăng trưởng tại đây còn yếu. Ông Simon Constantinides - Giám đốc bộ phận Tài chính khu vực của HSBC cho biết tình hình tại châu Âu là một trong những rủi ro lớn nhất họ quan tâm. Ông nói: "Chúng ta không thể bỏ qua châu Âu. Vì đây là một trong những thách thức lớn nhất mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt".
Tuy nhiên, HSBC cũng nhận định triển vọng của châu Âu sẽ được hỗ trợ bởi việc xuất khẩu sang các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là châu Á. Một trong những điểm đến lớn nhất cho hàng hóa từ khu vực này là Trung Quốc. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nước này đang cố gắng chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ dựa vào đầu tư sang dựa vào tiêu dùng.
Ông James Emmett - Giám đốc Thương mại và Tài chính của HSBC cho biết: "Sự thay đổi này sẽ tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp tại các nước phát triển khi Trung Quốc, vốn được biết đến là công xưởng của thế giới, trở thành thị trường quan trọng cho hàng xuất khẩu phương Tây".
Theo HSBC, thương mại toàn cầu còn có rất nhiều điểm sáng. Bangladesh kỳ vọng thu lợi lớn từ Ấn Độ khi thương mại song phương được dự đoán tăng 19% giai đoạn 2013 - 2015. Trong khi đó, Brazil lại trông chờ nhiều vào thị trường Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc.