Châu Âu lập "đội quân y tế" để chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai
Trong lúc người dân châu Âu đang tận hưởng cuộc sống mới khi nới lỏng lệnh phong tỏa, tại các bệnh viện, các y bác sĩ lại tích cực chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19.
Trong khi một số bác sĩ chuyên khoa hồi sức đang nỗ lực tuyển thêm các nhân viên làm việc lâu dài, những người khác lại muốn thiết lập một "đội quân" dự bị gồm các nhân viên y tế chuyên nghiệp, có thể sẵn sàng điều động tới chăm sóc cho các bệnh nhân nặng.
Để tránh việc thiếu hụt các nhân viên quan trọng trong trường hợp làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát, các nước châu Âu đang triển khai các khóa học ngắn về cách thức điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19, hướng tới các các biện pháp đào tạo lại nguồn nhân lực.
Trưởng Khoa hồi sức tích cực tại bệnh viện Humanitas ở Milan, Italy, Maurizio Cecconi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một "đội quân y tế", những người có thể linh hoạt trong công việc và dễ dàng điều động khi cần.
Ông nhận định nếu như dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, các bệnh viện cần sẵn sàng triển khai bác sĩ và y tá từ những khu vực lân cận trong Italy. Điều này đã không diễn ra khi làn sóng lây nhiễm đầu tiên xuất hiện.
Nhiều nước đã không có sự chuẩn bị khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, dẫn đến phải khẩn trương đào tạo lại các nhân viên để làm việc với các bệnh nhân nặng, tăng cường nhân lực để thay thế cho những người bị ốm.
Một số nơi đã điều sinh viên và bác sĩ đã nghỉ hưu đến hỗ trợ cho các phòng hồi sức khi nhân viên bệnh viện bị quá tải. Tại những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, chính phủ phải cấp thêm giường bệnh, vật tư thiết yếu, thậm chí là xây thêm bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn nảy sinh và tình trạng thiếu hụt vẫn kéo dài.
Theo Hiệp hội hồi sức tích cực Italy (SIAARTI), Italy là một ví dụ điển hình khi cần phải tăng thêm 50% bác sĩ gây mê và chuyên gia hồi sức, cùng các nhân viên y tế khác làm việc trong khoa hồi sức.
Trên khắp châu Âu, các bệnh viện đang đào tạo lại các bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ chuyên khoa tim, bác sĩ nội khoa, y tá từ các khoa khác, điều họ tới các phòng hồi sức tích cực khi cần. Chủ tịch Hiệp hội hồi sức tích cực châu Âu (ESICM), đồng thời là người đứng đầu khoa hồi sức tại Trung tâm y tế của Đại học Utrecht, Hà Lan Jozef Kesecioglu cho biết nhiều người đã tham gia các khóa học ngắn về cách thức điều trị các bệnh nhân COVID-19.
Ông đang lên kế hoạch đạo tạo sâu thêm cho lực lượng này. Theo ông, trong trường hợp bình thường, các nhân viên hồi sức phải mất nhiều năm đào tạo, song thay vì chờ đợi làn sóng lây nhiễm mới, họ cần được tập huấn định kỳ.
Trung tâm y tế Erasmus ở Rotterdam, một trong những bệnh viện đại học lớn nhất châu Âu, cho hay Hà Lan đang nỗ lực tuyển thêm các nhân viên tay nghề cao. SIAARTI cho rằng các sinh viên học khoa hồi sức nên làm việc hoàn toàn tại các phòng bệnh trong hai năm cuối của chương trình đào tạo kéo dài 5 năm, đồng thời đề xuất đưa ra các biện pháp khuyến khích về tài chính để thu hút thêm sinh viên.
Trong giai đoạn cao điểm về dịch bệnh, Ủy ban châu Âu (EC) đã hỗ trợ tài chính để luân chuyển các nhân viên y tế tới những nơi ảnh hưởng nề nhất. Tháng 4 vừa qua, nhiều nhóm bác sĩ đã được điều từ Na Uy và Romania tới Italy. Tuy nhiên, động thái này đã không nhận được nhiều sự ủng hộ.
Theo ông Cecconi, việc điều động bác sĩ từ nước này sang nước khác không nên là ưu tiên hàng đầu, do rào cản ngôn ngữ có thể gây khó khăn trong quá trình công tác. Không chỉ riêng bác sĩ, các bệnh nhân cũng được di chuyển giữa các nơi để được điều trị.
Trước đó, Pháp đã chuyển một số bệnh nhân tới một số khu vực ít bị ảnh hưởng, trong khi điều những người khác tới Đức, nước cũng đang điều trị cho các bệnh nhân từ Italy. Tuy nhiên, ông Cecconi đã cảnh báo nguy cơ vận chuyển và các vấn đề liên quan đến công tác hậu cần.