Châu Âu và thử thách của năm 2020

Theo Huy Thông/ntg.cand.com.vn

Do quá trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit có quá nhiều điều cần phải xem xét nên nhiều người đã gần như quên mất rằng năm 2019 là kỷ niệm 20 năm của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

 Eurozone phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nên dễ bị tổn thương.
Eurozone phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nên dễ bị tổn thương.

Nền kinh tế châu Âu đang giảm tốc, thậm chí có một số nhà phân tích dự đoán châu Âu rất có thể bước vào suy thoái trong năm 2020.

Eurozone suy yếu

Tháng 12/1991, Hiệp ước Maastricht mang tính bước ngoặt trong lịch sử tiến trình nhất thể hóa châu Âu ra đời, chính thức đưa ý tưởng đồng tiền chung vào các văn bản pháp lý và đặt ra thời gian biểu cho sự ra đời của đồng Euro. Ngày 1/1/1999, đồng Euro chính thức ra đời theo mục tiêu thiết lập Liên minh kinh tế và tiền tệ châu Âu trong Hiệp ước Maastricht.

Sau 20 năm, Eurozone đã mở rộng lên 19 nước thành viên, với khoảng 340 triệu dân, tỷ lệ đồng Euro trong thanh toán quốc tế vào khoảng 36%, chiếm 20% tổng mức dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương, là đồng tiền lưu thông và dự trữ lớn thứ hai thế giới.

Điều đáng tiếc là kể từ mùa hè năm 2018 đến nay, tâm lý lo ngại thương mại quốc tế và kinh tế toàn cầu suy giảm đã khiến hầu hết các tổ chức kinh tế liên tục hạ thấp triển vọng kinh tế toàn cầu. Do châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu đã làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone thấp hơn nhiều so với mức trung bình của quốc tế, trở thành gánh nặng khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Nền kinh tế châu Âu sa sút ra sao? Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 từ 3,7% năm 2018 xuống 3,2%. Trong đó, dự báo kinh tế của Nhật Bản và các nền kinh tế châu Á khác không có nhiều thay đổi. Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý I và quý II của năm 2019 lần lượt là 2,7% và 2,3%, còn tốc độ tăng trưởng GDP của EU lần lượt là 1,6% và 1,2%.

Mặc dù tình hình căng thẳng của thương mại quốc tế khiến nền kinh tế toàn cầu đối diện với nguy cơ suy thoái nhưng sự suy thoái của Eurozone là rõ rệt nhất. IMF dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP của Eurozone trong năm 2019 chỉ đạt 1,3%, thấp hơn 0,6% so với năm 2018. Không khó để nhận thấy châu Âu có thể là bên chịu trách nhiệm chính cho sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu.

Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của ngành sản xuất được coi là chỉ số hàng đầu về tăng trưởng kinh tế thì đang báo hiệu áp lực giảm tốc lớn hơn của nền kinh tế châu Âu. PMI của Eurozone đã ở mức dưới 50 trong 9 tháng liên tiếp kể từ tháng 1/2019, trong đó tháng 9/2019 chỉ có 45,7.

PMI của Eurozone đã ở mức dưới 50 trong 9 tháng liên tiếp kể từ tháng 1/2019
PMI của Eurozone đã ở mức dưới 50 trong 9 tháng liên tiếp kể từ tháng 1/2019
 

PMI của 4 nước lớn là Đức, Anh, Pháp và Italy trong tháng 9/2019, chỉ có Pháp cao hơn 50 (nhưng cũng chỉ 50,1), PMI của Đức hiện nay đang ở mức tồi tệ nhất trong 4 nước, không chỉ dưới 50 trong 9 tháng liên tiếp kể từ tháng 1/2019 mà tháng 9/2019 chỉ có 41,7. Những biểu hiện tồi tệ của PMI cho thấy tình trạng tăng trưởng không mấy lạc quan của nền kinh tế châu Âu trong thời gian tới.

Đi tìm những nguyên nhân

Các nhà phân tích nhận định có 3 yếu tố chính khiến nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái. Trong thế giới đang phân hóa hiện nay, cơ sở hợp tác đang mất đi. Việc các nước châu Âu có thể làm theo chính sách tiền tệ của mình chắc chắn sẽ tăng thêm rủi ro cho thị trường.

Một là, nền kinh tế Eurozone phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu, do đó tính khó đoán định của tình hình thương mại quốc tế sẽ làm cho nền kinh tế châu Âu dễ bị tổn thương hơn. Từ những số liệu trước đây có thể thấy xuất khẩu chiếm đến 28% GDP của Eurozone, trong khi Mỹ chỉ chiếm 12%.

Báo cáo khảo sát do Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) công bố vào ngày 11/11/2019 cho thấy chỉ số thịnh vượng của nền kinh tế thế giới trong quý IV/2019 đã giảm xuống mức thấp nhất 10 năm qua. Nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Các chuyên gia dự đoán tăng trưởng thương mại thế giới sẽ chậm lại, các hoạt động tiêu dùng và đầu tư tư nhân cũng sẽ giảm xuống.

Báo cáo cho biết trong các nền kinh tế mới nổi, áp lực suy thoái chủ yếu tập trung ở châu Á, trong các nền kinh tế phát triển, áp lực suy thoái chủ yếu tập trung ở châu Âu và Mỹ. Hiện nay, châu Âu đang trở thành gánh nặng của các nền kinh tế phát triển.

Tiếp theo là phản ứng chính sách của châu Âu đối với những tác động kinh tế dường như đều là sai lầm. Khi rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu tăng lên, các nền kinh tế lớn trên thế giới thường chủ động và thực hiện các biện pháp kích thích nhu cầu chống chu kỳ.

So với ECB, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ đã thay đổi lộ trình chính sách tiền tệ sớm hơn, không những giảm lãi suất lần đầu tiên trong 10 năm qua mà còn giảm lãi suất 2 lần trong chưa đầy 2 tháng. Tuy nhiên, sự điều chỉnh chính sách của châu Âu đối với sự suy giảm của nhu cầu lại thường thuận theo chu kỳ, cùng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế châu Âu trong những năm gần đây giảm xuống, điều mà các nền kinh tế lớn trong Eurozone cân nhắc không phải là mở rộng chính sách tài chính mà là tăng thuế và giảm chi tiêu công để kiểm soát thâm hụt.

Cuối cùng là do tính khó đoán định của tình hình chính trị châu Âu. Từ tính khó đoán định của Brexit đến việc xuất hiện chính phủ có tư tưởng chủ nghĩa dân túy mới ở Italy, cộng thêm những xung đột liên tiếp tại Ủy ban Ngân sách thuộc Nghị viện châu Âu (EP) về vấn đề ngân sách đã tạo tâm lý lo ngại đối với ngành ngân hàng của châu Âu.