Mạnh tay xử phạt

Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK với mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng. Tại thời điểm đó, đây là chế tài xử phạt khá cao, tăng gấp nhiều lần mức phạt (phổ biến chỉ vài chục triệu đồng) áp dụng những năm TTCK “thăng hoa” trước đó.

Tuy nhiên, diễn biến của thị trường trong giai đoạn khó khăn vừa qua cho thấy, ngay cả mức phạt khá cao do Nghị định số 85/2010/NĐ-CP đưa ra cũng chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm. Thực tế trong thời gian vừa qua, không ít cổ đông lớn, cổ đông nội bộ sẵn sàng bán vượt lượng cổ phiếu công bố hoặc giao dịch kiểu “tiền trảm, hậu tấu” nhằm thu lợi bất chính và sau đó bỏ vài trăm triệu đồng nộp phạt khiến chế tài pháp lý mất đi hiệu lực răn đe. Quyền lợi của nhà đầu tư (NĐT), nhất là các NĐT nhỏ chưa được bảo vệ thoả đáng.

Bởi vậy, việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cùng với Bộ Tài chính đã gấp rút xây dựng và hoàn thiện trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 108/2013/NĐ-CP, ngày 23/9/2013, thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP là rất kịp thời và cần thiết. Đây được coi là chế tài đủ mạnh, đồng thời tạo hành lang pháp lý đủ “cứng”, không lo sớm bị lạc hậu, nhằm góp phần thanh lọc NĐT và xây dựng những nền tảng vững chắc cho tương lai.

Theo bình luận của các chuyên gia tài chính, các mức phạt hành chính đối với nhiều hình thức sai phạm trên thị trường ở mức khá cao. Kể từ nay, mức xử phạt hành chính bạc tỷ đã không còn xa lạ với TTCK. Cụ thể, mức phạt cao nhất từ 1,8 tỷ đồng - 2 tỷ đồng kèm theo đình chỉ hoạt động niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán từ 1 -3 tháng đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ giả mạo để niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán.

Mức phạt trên cũng được áp dụng đối với hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định pháp luật trong trường hợp không có khoản thu trái pháp luật. Nếu trường hợp có khoản thu trái pháp luật, tổ chức có hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 1 - 5 lần khoản thu trái pháp luật theo quy định tại Khoản 1, Điều 124 Luật Chứng khoán, nhưng mức phạt không thấp hơn mức phạt tối đa quy định ở trên.

Mức phạt tiền cao tiếp theo còn được áp dụng đối với hành vi gian lận hoặc tạo dựng, công bố thông tin sai sự thật nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua, bán chứng khoán (từ 1,2 - 1,4 tỷ đồng); giao dịch thao túng TTCK (từ 1 -1,2 tỷ đồng); giao dịch nội bộ (từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng). Cùng với bị phạt tiền, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định các tổ chức vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng.

Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tốt hơn

Tăng cường sự minh bạch của thị trường cũng như đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của NĐT, từ đó củng cố lại niềm tin của giới đầu tư vào tương lai của thị trường là mục tiêu hướng tới của các chế tài pháp luật mới. Và Nghị định số 108/2013/NĐ-CP không là một ngoại lệ khi bên cạnh tăng mạnh mức tiền xử phạt hành chính với các sai phạm phổ biến, một số quy định mới của Nghị định cũng sẽ góp phần làm bảo đảm quyền lợi nhiều hơn, tốt hơn cho NĐT…

Theo Nghị định 108/2013/NĐ- CP, doanh nghiệp (DN) đại chúng cố tình chậm niêm yết, đăng ký giao dịch nếu đủ điều kiện, sẽ buộc phải hoàn lại tiền cho NĐT nếu như bị yêu cầu. Cụ thể, DN đã chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không lên sàn sau 1 năm (dù đủ điều kiện), sẽ bị phạt tiền từ 100 - 150 triệu đồng.

Tuy mức phạt này không lớn nhưng Nghị định còn quy định rõ: “Các cá nhân, tổ chức vi phạm phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho NĐT tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của NĐT. Thời hạn NĐT gửi yêu cầu là 60 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành”. Như vậy, cùng với việc bị phạt tiền, DN sẽ còn phải “gánh” hình thức xử lý khác lớn hơn.

Thực ra, trong lịch sử xử phạt vi phạm của DN về phát hành cổ phiếu, đã có một số lần cá biệt, UBCKNN đã buộc phải áp dụng biện pháp mạnh, yêu cầu DN huy động vốn sai quy định phải hoàn trả tiền cho NĐT, nếu họ có yêu cầu. Cách xử lý như vậy vẫn mang tính cá biệt, tính “điểm” để làm gương chứ chưa nâng lên thành chế tài pháp luật rộng rãi. Tuy nhiên, khi Nghị định 108/2013/ NĐ - CP có hiệu lực, việc trả lại tiền cho NĐT nếu DN đã huy động vốn từ phát hành đại chúng mà không thực hiện nghĩa vụ lên sàn đã được luật hóa, là công cụ pháp lý mạnh mẽ buộc các DN phải thực thi những gì đã cam kết trong hồ sơ phát hành.

Quy định này cũng đồng nghĩa với việc trao cho NĐT một quyền lực, đó là quyền yêu cầu DN phải trả lại tiền, nếu sai cam kết. Theo UBCKNN, ngày quyết định biện pháp trả tiền cho NĐT có hiệu lực chính là ngày UBCKNN ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với DN. Trong quyết định của UBCKNN sẽ đề cập rõ 3 cấp độ xử phạt chính (bằng tiền theo quy định); xử phạt bổ sung (như thu hồi các khoản thu trái pháp luật) và biện pháp khắc phục hậu quả.

Bằng quy định cụ thể và mạnh mẽ, UBCKNN, Bộ Tài chính và Chính phủ đã tạo thêm những áp lực mới buộc DN đại chúng phải lên sàn sau khi đại chúng hóa bởi đó là con đường tốt nhất để thực thi sự minh bạch, thực thi trách nhiệm với cổ đông. Với “cây gậy” mới này, kể từ ngày 15/11/2013, UBCKNN hoàn toàn có thể tạo hàng cho thị trường bằng cách triển khai hiệu quả, nghiêm túc Nghị định nói trên.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 10 - 2013

Chế tài đủ mạnh và “cây gậy” tạo hàng

ThS. TRẦN THỊ VÂN HUYỀN

(Tài chính) Thị trường chứng khoán vừa có thêm hành lang pháp lý mới, đó là Nghị định số 108/2013/NĐ- CP. Việc Chính phủ ban hành Nghị định này không chỉ tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thị trường chứng khoán (TTCK), mà còn trao“cây gậy” tạo hàng cho cơ quan quản lý…

Xem thêm

Video nổi bật