Chi phí đi vay cao vẫn “trói tay” doanh nghiệp
(Tài chính) Liên tục kêu khó cho vay, đánh vào tâm lý “cảm thông” của người dân, ngân hàng liên tục đưa ra một loạt gợi ý sẽ giảm lãi suất. Tuy nhiên, thực chất, cách biệt giữa lãi suất huy động và cho vay vẫn được duy trì ở mức khá rộng.
Mở đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố ngay tin vui: tín dụng thoát tăng trưởng âm với tăng trưởng tín dụng tháng 3 đã đạt 1,35% so với tháng trước và khoảng 11,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo cũng dẫn ra con số tín dụng quý I/2014 chỉ đạt mức tăng trưởng 0,01% so với thời điểm đầu năm để nhấn mạnh nỗi khốn khó của ngân hàng, qua đó làm “nhạc dạo” cho việc ngân hàng tuyên bố chấp nhận giảm bớt lợi nhuận thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất vào - ra. Tuy nhiên, con số 0,01% hoàn toàn không có ý nghĩa.
Còn nhớ, khi lý giải về hiện tượng báo cáo cuối năm “đẹp ra” trông thấy, các quan chức thường chỉ ra rằng: tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam theo quy luật thường tăng cao trong tháng cuối năm, sau đó giảm hoặc tăng rất chậm vào đầu năm kế tiếp. Điều đó cho thấy khi so sánh tăng trưởng tín dụng cuối tháng 3 năm sau so với đầu năm (tức là cuối tháng 12 năm trước), vô hình trung, các nhà thống kê đã đem hai “mùa vụ” tín dụng khác nhau đặt lên cùng một bàn cân để rồi “kêu đau” cho ngân hàng. Không phải ngẫu nhiên mà khi công bố con số phần trăm, các tổ chức thế giới thường mặc định so sánh với cùng kỳ năm trước để gạt đi yếu tố mùa vụ làm sai lệch trầm trọng kết quả và đưa ra những thống kê không có ý nghĩa. Trong khi Việt Nam dường như vẫn thích rẽ làn theo một hướng khác.
Có thể thấy điều này trong việc nhận định các ngân hàng sẽ thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay chẳng hạn. Nếu các ngân hàng thực sự muốn thu hẹp cách biệt này thì đơn giản nhất vẫn là giữ nguyên lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, thường lãi suất huy động lại giảm trước và giảm nhiều lần, sau đó bên cho vay mới rục rịch giảm theo, thậm chí phải chờ nhà nước ra chỉ thị mới bắt đầu tiến hành. Ngay như kết quả khảo sát gần đây của NHNN cho thấy: Trong thời gian tới, các tổ chức tín dụng không chỉ dự kiến giảm lãi suất cho vay mà cả lãi suất huy động.
Báo Doanh nhân Sài Gòn đã chỉ ra một thực tế là: lãi suất cho vay mà ngân hàng dành cho doanh nghiệp và người dân trên thực tế không giảm tương ứng với lãi suất huy động. Từ tháng 7/2013 đến nay, khi trần lãi suất chỉ còn 7%/năm rồi xuống 6%/năm, lãi suất cho vay bình quân bằng VND không hề giảm. Nhìn chung, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng thương mại nhà nước vào khoảng 7 – 9%/năm với các kỳ hạn ngắn và từ 11 – 12%/năm với các khoản vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay thương mại thông thường là 9 – 10,5%/năm với các kỳ hạn ngắn và 11,5 – 12,8%/năm với cho vay trung và dài hạn. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất có cao hơn một chút, từ 0,5 – 1%/năm cho mỗi lĩnh vực. Theo Vietnamnet, có ngân hàng vẫn duy trì mặt bằng 13%, thậm chí 16%. Điều đó cho thấy cách biệt giữa lãi suất huy động và cho vay vẫn duy trì ở mức 5-6%, thậm chí duy trì tỷ trọng lớn các khoản cho vay lãi suất trên 15%/năm trong suốt một thời gian dài, và đến nay mới giảm xuống còn 5,6%.
Khoảng cách đó còn có nguy cơ được nới rộng thêm sau khi trần lãi suất huy động mới được thiết lập. Trước khi NHNN đưa ra động thái này, phần đông các ngân hàng vẫn giữ mức lãi suất trong khoảng từ 6-7%. Tuy nhiên, sau khi có quy định mức lãi suất trần là 6%/năm, để không… phạm luật, các ngân hàng ung dung hạ tiếp lãi suất huy động xuống. Theo biểu lãi suất mới tại Eximbank, lãi suất huy động kỳ hạn 1-3 tháng và 4-5 tháng giảm tương ứng từ 6%/năm xuống 5,7%/năm, và 5,98%/năm. Sacombank cũng giảm lãi suất kỳ hạn 7-8 tháng chỉ còn 6,55%/năm, kỳ hạn 9-10 tháng còn 6,7%/năm và 11 tháng còn 6,8%/năm.
Nhìn sang Nhật Bản, bình quân, cách biệt giữa hai loại lãi suất này còn chưa đến 1%. Điều đó bắt buộc các ngân hàng phải tiến hành các hoạt động cho vay lành mạnh, thông qua các cuộc điều tra khảo sát trường kỳ, thậm chí “nằm vùng” ngay tại doanh nghiệp để thu thập được những con số chuẩn xác nhất, mới có thể tính đến việc có lãi.
Trong khi đó, nợ xấu khó thu hồi từ các năm trước cũng như một lượng lớn trái phiếu chính phủ tung ra nhằm giải quyết “cơn khát” của ngân sách nhà nước tiếp tục cho phép các ngân hàng Việt Nam ung dung duy trì cách biệt trên, khiến cả doanh nghiệp và người dân đều chịu thiệt hại. Các ngân hàng đã mua đến 83% trong tổng lượng 81.600 tỷ đồng trái phiếu chính phủ phát hành trong ba tháng đầu năm. Số dư trái phiếu chính phủ hiện đang được các tổ chức tín dụng nắm giữ lên tới 43.000 tỷ đồng và con số này tương đương với 1,09%.
Cứ như vậy, một khi khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay vẫn cứ được duy trì ở mức phần trăm như hiện nay thì dù người dân chỉ có thể hưởng 0,1% lãi từ tiền gửi của mình, các doanh nghiệp Việt cũng khó lòng mong đến một ngày, đi vay chỉ phải trả có 1,4%/năm tiền lãi như Nhật Bản.