Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng vượt trội trong tháng 11

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam do ANZ-Roy Morgan thống kê đã tăng lên 140,9 (tăng 6,2 điểm) trong tháng 11 và đã cao hơn nhiều so với mức trung bình 133 điểm của năm 2014 (tính từ đầu năm).

 Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng vượt trội trong tháng 11
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã tăng lên 140,9 (tăng 6,2 điểm) trong tháng 11. Nguồn: internet

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng 11 đã tăng mạnh chủ yếu là do sự tự tin về tình hình kinh tế Việt Nam trong 12 tháng và 5 năm tới.

Xét về tình hình tài chính cá nhân, 29% (giảm 4%) người tiêu dùng Việt Nam mong đợi rằng tài chính gia đình họ sẽ “tốt hơn” vào thời điểm này sang năm. Trong khi đó có 23% (không đổi) người nhận định rằng tài chính gia đình mình sẽ “xấu đi”.

Trong số những người tiêu dùng tham gia khảo sát, 48% (giảm 5%) người Việt Nam mong đợi tình hình tài chính gia đình họ sẽ “tốt hơn” thời điểm này vào năm tới, so với chỉ có 5% (giảm 2%) dự đoán rằng tình hình tài chính gia đình họ sẽ “xấu đi” vào năm tới.

Nhận định về nền kinh tế Việt Nam, niềm tin của người tiêu dùng đã tăng đáng kể lên mức 63% (tăng 12%) người cho rằng tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong vòng 12 tháng tới (đây là tỷ lệ cao nhất cho tiêu chí này từ đầu năm 2014 đến nay) và chỉ có 5% (giảm 10%) dự đoán rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái xấu” trong vòng 12 tháng tiếp theo (mức thấp nhất ghi nhận cho tiêu chí này).

Ngày càng có nhiều người Việt Nam đánh giá tốt về tình hình nền kinh tế, 68% (tăng 7%) kỳ vọng rằng kinh tế Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong 5 năm tới (đây là con số cao nhất cho tiêu chí này) so với chỉ 5% (giảm 2%) dự đoán rằng tình hình kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới sẽ ở “trạng thái xấu”.

Thêm vào đó, 38% (giảm 4%) người Việt Nam cho rằng “đây là thời điểm tốt” để mua các vật dụng chính trong gia đình so với chỉ 4% (giảm 10%) cho rằng “đây là thời điểm xấu” để mua các vật dụng này (mức thấp nhất cho tiêu chí này).

Ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng ANZ cho rằng: Người tiêu dùng Việt Nam đang bước vào thời kỳ sôi động nhưng thực tế chưa thể hiện rõ ràng như trên dữ liệu. Động lực chính đang ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng ở Việt Nam là việc lạm phát đang chậm lại và việc cắt giảm giá nhiên liệu trong tháng qua đã giúp tăng lượng tiền dành cho chi tiêu, và do đó củng cố nhận thức của chính người tiêu dùng về sức mua của họ.

Việc niềm tin người tiêu dùng tăng dựa trên giá nhiên liệu giảm rõ ràng cho thấy hiệu quả của chính sách nhà nước trong việc hỗ trợ đẩy mạnh nền kinh tế Việt Nam. Điều này lý giải vì sao mức phục hồi hiện tại sẽ tiếp tục trong tương lai, ngay cả trong trường hợp giá dầu giảm dẫn đến việc đẩy mạnh chi phí đầu tư và tiêu dùng toàn cầu thì mức rủi ro cũng không quá lớn – Việt Nam vẫn có thể dựa vào đó để tiếp tục phát triển.

Việc giảm giá nhiên liệu đã củng cố thêm điều kiện kinh tế hiện tại nhưng đồng thời cũng tăng kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế trong tương lai. Việc niềm tin của người tiêu dùng tăng mạnh chủ yếu là do tăng niềm tin vào triển vọng kinh tế và tài chính Việt Nam trong 12 tháng và trong 5 năm tới.