Chiếm đoạt chục tỉ đồng từ lừa xin việc

Theo chinhphu.vn

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội vừa bắt 2 đối tượng về tội làm giả tài liệu và chiếm đoạt tài sản của hơn 40 người có nhu cầu học tập và làm việc trong lực lượng công an nhân dân (CAND).

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội vừa bắt 2 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Điệp, (32 tuổi, trú tại quận Ba Đình, TP. Hà Nội) và Lê Văn Quân, (30 tuổi, trú tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, chủ cửa hàng photocopy Mạnh Quân tại phố Đặng Văn Ngữ) về tội làm giả tài liệu và chiếm đoạt tài sản của hơn 40 người có nhu cầu học tập và làm việc trong lực lượng CAND.

Trước đó, khoảng giữa tháng 12/2015, Đội 12 Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội nhận được đơn trình báo của các bị hại về việc bị đối tượng tên Điệp, lừa đảo chạy vào ngành công an nhằm chiếm đoạt số tiền lớn.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ, Điệp có mối quan hệ quen biết với chị H. (35 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) và nói với chị H. rằng mình có thể xin được việc làm, đi học tại các trường CAND. Ai có nhu cầu nhập học thì nộp phí 200 triệu đồng/suất, còn mỗi suất vào làm việc trong các cơ quan thuộc lực lượng CAND có giá 300 triệu đồng.

Khi nộp hồ sơ, người có nhu cầu phải ứng trước cho Điệp “phí ngoại giao" khoảng 100 triệu, Điệp hứa sau một tháng sẽ có kết quả. Nhưng quá hẹn, chị H. cùng nhiều bị hại khác không thấy Điệp hồi âm về việc đã hứa.

Với thủ đoạn này, từ tháng 2 đến tháng 11/2015, Điệp đã nhận của chị H. và hơn 40 trường hợp khác có nhu cầu xin học và làm việc trong lực lượng CAND hơn 10 tỉ đồng tiền "phí ngoại giao".

Tại cơ quan điều tra, Điệp khai, do không có việc làm ổn định ở Hà Nội nên nghĩ cách lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu học tập, làm việc trong lực lượng CAND. Nhưng thực tế, Điệp không có khả năng xin học và làm việc như đã hứa với chị H. và các bị hại.

Để gây lòng tin cho những bị hại, sau khi nhận hồ sơ và "phí ngoại giao" nêu trên, Điệp đã mang các giấy tờ liên quan đến cửa hàng photocopy Mạnh Quân để thực hiện hành vi làm giả giấy tờ.

Tại đây, có sự giúp sức của Quân, Điệp vào mạng Internet lấy các mẫu quyết định tiếp nhận cán bộ và mẫu giấy báo nhập học của các trường CAND.

Sau đó, Điệp lấy những thông tin trong hồ sơ của các bị hại giao cho Quân đánh máy và scan con dấu, chữ ký, tạo thành các quyết định và giấy báo nhập học giả để giao lại cho những người bị hại.

Quân khai nhận, không nhớ đã làm bao nhiêu loại “giấy nhập học, làm việc” cho Điệp và được trả tiền công 7 triệu đồng.