Chiếm dụng vốn thương mại: Chuyện chưa bao giờ cũ

Theo Đầu tư Chứng khoán

Chuyện chiếm dụng vốn thương mại vẫn thường xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, nhưng trong thời buổi kinh tế chung khó khăn như hiện nay, hiện tượng này xuất hiện với mật độ dày hơn.

Chiếm dụng vốn thương mại: Chuyện chưa bao giờ cũ
Chuyện tiền đã đi, hàng mãi không về và ngược lại vẫn thường xảy ra

Doanh nghiệp thừa tin tưởng, thiếu thận trọng

Thời gian vừa qua, có nhiều tranh chấp mà một bên đương sự lợi dụng tiền vốn của bên kia để kinh doanh. Do thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài, nên một khi vướng vào tranh chấp, bên bị chiếm dụng vốn rất khó để nhanh chóng lấy lại tài sản. Lấy ví dụ vụ tranh chấp hợp đồng mua xe bồn chuyên dụng giữa bên bán là CTCP Ô tô chuyên dùng và thương mại dầu khí Thăng Long và bên mua là Công ty TNHH Trang Anh. Trong đó, bên mua đã tạm ứng 480 triệu đồng song bên bán không có hàng để giao. Sau khi đã gia hạn thời gian giao hàng mà bên bán vẫn tiếp tục chây ỳ không giao hàng, bên mua đã phải khởi kiện để đòi lại số tiền tạm ứng.

Từ khi tranh chấp xảy ra đến nay đã hơn 1 năm, suốt thời gian đó, tài sản của bên mua đã bị lợi dụng để sử dụng và nay, dù bản án buộc bên bán phải trả lại tiền tạm ứng và bản án đã có hiệu lực, khả năng thu hồi tài sản của bên mua vẫn còn là dấu hỏi.

Trong vụ án nói trên, ở đơn khởi kiện ban đầu, nguyên đơn có yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại do cố ý vi phạm hợp đồng. Tại phiên xét xử sơ thẩm, bên mua (nguyên đơn) cho rằng, việc cố ý vi phạm hợp đồng này gây nhiều thiệt hại: trong khoảng thời gian từ tháng 3 – 8/2012, Công ty Trang Anh đã ký kết nhiều hợp đồng mua bán nhựa đường với một số cơ quan, doanh nghiệp nhưng không đảm bảo được việc giao hàng, chi phí vận chuyển tăng cao do thiếu phương tiện chuyên chở, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, uy tín doanh nghiệp. Rõ ràng, khi một doanh nghiệp mua phương tiện vận chuyển thì đều xuất phát từ yêu cầu, thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và việc không nhận được phương tiện này đúng hạn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Song việc chứng minh thiệt hại không đơn giản và không dễ được chấp nhận. Do đó, bên mua đã phải rút yêu cầu khởi kiện. 

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty luật BASICO cho rằng, để xảy ra tình trạng bị lạm dụng tài sản trong giao dịch mua bán có phần lỗi chủ quan của doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp xuê xoa trong giao kết, mà quên rằng, rủi ro đạo đức luôn có thể xảy ra, và với bản chất là giao kết kinh tế, căn cứ để tòa án hoặc trọng tài kinh tế giải quyết phải rõ ràng, rành mạch.

Chính vì vậy mà các ngân hàng khi chọn khách hàng phải định ra các chỉ tiêu tài chính, phi tài chính rồi mới giao dịch. Tùy quy mô, doanh nghiệp cần có hệ thống xác định tín nhiệm của đối tác, xem xét “sức khỏe” đối tác dưới hai góc độ tài chính và phi tài chính. Về tài chính, phải xem xét mức độ lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, tình hình thanh khoản của khách hàng. Các chỉ tiêu phi tài chính khác thể hiện ở trình độ quản lý điều hành, uy tín của doanh nghiệp như quy mô đối tác, cơ cấu phòng ban, nhân sự, học vấn của người điều hành, yếu tố ngành... Về nguyên tắc, doanh nghiệp có công nghệ quản trị tốt, thì rủi ro doanh nghiệp vi phạm hợp đồng sẽ giảm xuống.

Một yếu tố khác là nội dung hợp đồng. Trong giao dịch, nhiều trường hợp, hợp đồng chỉ là hình thức, thậm chí chỉ là hợp đồng miệng, nên nội dung thường sơ sài, chưa đúng nghĩa là hệ thống các điều khoản điều phối quy tắc ứng xử giữa các bên. Chưa kể, doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết pháp lý để ứng dụng trong soạn thảo hợp đồng, như cơ chế thưởng phạt, nguyên tắc xác định bồi thường thiệt hại. Khi có vi phạm, bên bị thiệt hại muốn phạt nặng cũng không có cơ sở để áp dụng, trong khi nếu không bị phạt nặng thì không có ý nghĩa răn đe.

Pháp luật thừa văn bản, thiếu khả dụng

Cũng phải nhìn nhận, tình trạng lợi dụng hợp đồng còn có nguyên nhân khách quan từ môi trường kinh doanh, thể chế pháp luật. Doanh nghiệp “lừa” nhau nhưng không có chế tài trừng phạt rõ ràng, vai trò của các hiệp hội kinh doanh còn mờ nhạt. Ngoại trừ một vài hiệp hội có kết nối hội viên thực sự, phần lớn chưa thực sự là cầu nối hợp tác kinh doanh, chia sẻ thông tin giữa các hội viên. Thực tế, có nhiều vụ lừa đảo liên hoàn mà doanh nghiệp không biết để đề phòng.

Luật sư Trần Minh Hải nhận xét: “Sở dĩ các doanh nghiệp dám vi phạm hợp đồng, chiếm dụng vốn thương mại là vì pháp luật không đủ nghiêm, khiến họ ‘nhờn’. Các quy định về bồi thường thiệt hại chưa đủ rõ ràng để các bên vận dụng. Luật cho phép các bên đòi bồi thường thiệt hại, song để xác định được thiệt hại thì đương sự có nghĩa vụ phải chứng minh, nhưng chứng minh như thế nào và có được chấp nhận hay không lại phụ thuộc vào thẩm phán”.

Có thể nói, rủi ro lớn nhất chính là pháp luật. Với một “rừng” luật như hiện nay, giữa đúng và sai lẫn lộn, khiến nhiều khi, doanh nghiệp lúng túng, khó vận dụng. Lệ “hình sơ dân phúc” cho thấy, thời gian giải quyết vụ kiện dân sự thường kéo dài, trải qua nhiều bản án, nhiều năm mới có được bản án có hiệu lực pháp luật. Song có thi hành được hay không, có thu hồi được tài sản hay không lại là một rào cản nữa, bởi sau vài năm, bên bị thi hành án có thể dùng chiêu “vườn không nhà trống” và người có tài sản phải thu hồi đành ngậm ngùi cất bản án vào tủ.