Chiến dịch “siêu sáp nhập” của Trung Quốc!
Các nhà chức trách Bắc Kinh đã “bật đèn xanh” cho thỏa thuận sáp nhập của CETG và Potevio trong bối cảnh thúc đẩy sự cạnh tranh với các công ty công nghệ của Mỹ.
Mới đây, theo tờ Nikkei Asia đưa tin, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC) cho biết, họ đang cho phép thực hiện thương vụ giữa Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETG) và Tập đoàn Công nghiệp Thông tin Phủ Điền Trung Quốc (Potevio).
Thỏa thuận mà được mô tả trong một báo cáo truyền thông Trung Quốc là tạo ra một “tàu sân bay CNTT” – Biến Potevio trở thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của CETG.
Báo cáo cho biết, động thái này là một phần trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm xây dựng chuỗi cung ứng trong nước cho các ngành công nghiệp quan trọng “không phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là Mỹ”. Đồng thời, cuộc sáp nhập giữa CETG và Potevio cũng sẽ cho phép chính phủ Trung Quốc rót thêm vốn vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Vốn dĩ CETG được biết đến như là một công ty nhà nước của Trung Quốc, thành lập vào năm 2002. Hoạt động trong các lĩnh vực bao gồm thiết bị truyền thông, máy tính, thiết bị điện tử, phát triển phần mềm, dịch vụ nghiên cứu , đầu tư và quản lý tài sản cho các ứng dụng dân sự và quân sự.
Về cơ bản, CETG được thành lập với mục tiêu là “tận dụng các thiết bị điện tử dân dụng vì lợi ích của Chính phủ và Quân đội Trung Quốc”.
Song, bản thân CETG đã từng được coi là “cái gai” trong mắt của cựu Tổng thống Mỹ Donlad Trump khi bốn công ty con của CETG tham gia vào việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông và một công ty con khác của CETC là Zhenhua Data liên quan đến vụ rò rỉ thông tin thu thập thông tin tình báo về các cá nhân trên toàn thế giới.
Năm ngoái, Cục Công nghiệp và An ninh nước Mỹ đã đưa bốn công ty con của CETC vào “Danh sách thực thể”, tức là “danh sách đen” của chính quyền Mỹ và chính Tổng thống Donald Trump lúc bấy giờ đã ban hành lệnh hành pháp cấm bất kỳ công ty hoặc cá nhân nào của Mỹ sở hữu cổ phần trong CETG.
Theo báo cáo của Nikkei Asia cho biết, CETG đứng thứ 381 trong danh sách Fortune 500, có doanh thu hàng năm là 32,9 tỷ USD, và dự kiến sẽ đạt mức cao hơn 50 tỷ USD sau sáp nhập.
Trong khi đó, Potevio tập trung vào truyền thông không dây và bảo mật. Họ cung cấp chip cho các mạng và thiết bị viễn thông của chính phủ, đồng thời tham gia vào phần cứng và phần mềm của thành phố thông minh cũng như các dịch vụ sạc xe điện.
Truyền thông Trung Quốc gọi CETG là “National Team” hay còn gọi là đội tuyển quốc gia của ngành công nghiệp thông tin và internet, ý là nói CETG giữ vai trò nòng cốt, hàng đầu trong ngành điện tử quân sự ở Trung Quốc.
Dữ liệu trên trang web chính thức của CETC cho thấy tính đến ngày 23/6, doanh nghiệp này sở hữu 11 công ty niêm yết với tổng giá trị thị trường là 666,19 tỷ NDT (102,85 tỷ USD).
Trong khi đó, cũng tính đến ngày 23/6, Potevio sở hữu bốn công ty niêm yết, với giá trị thị trường lần lượt là 13,8 tỷ nhân dân tệ, 522 triệu NDT, 392 triệu đô la Hồng Kông và 5,54 tỷ NDT, theo trang web của họ.
Theo như ChinaFund tính toán tổng giá trị thị trường của hai doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc này đạt đến con số gần 700 tỷ NDT.
Có thể nói, việc tích hợp Potevio và CETG đang mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cải cách của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Thứ nhất, điều này giúp tập trung nguồn lực, giải quyết các vấn đề chính và giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung của chuỗi công nghiệp cao cấp Trung Quốc.
Thứ hai, sẽ tận dụng lợi thế của các chính sách quốc gia và định hướng công nghiệp để các doanh nghiệp nhà nước hợp tác với nhau, để họ có thể tạo ra đột phá về vật liệu cơ bản và công nghệ cốt lõi quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng giải quyết các vấn đề nan giải của Trung Quốc.
Thứ ba, nó tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ quân sự vào mục đích dân sự và hình thức của một chu trình chuyển đổi công nghệ thành các sản phẩm được hướng dẫn bởi nhu cầu thị trường.
Cuối cùng, “Megamerger” hay còn gọi là “ siêu sáp nhập” sẽ là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp quan trọng không phụ thuộc vào các nước khác, đặc biệt là Mỹ.