Chiến lược lưu thông kép của Trung Quốc: Kỷ nguyên mới của thương mại toàn cầu

Theo Đạt Quốc/daibieunhandan.vn

Khi Trung Quốc thúc đẩy chiến lược lưu thông kép, các chính phủ và công ty nước ngoài cần hiểu rõ tác động của chiến lược này. Nhiều khả năng mâu thuẫn thương mại sẽ trở nên tồi tệ hơn và môi trường kinh doanh ở Trung Quốc sẽ trở nên khắt khe hơn khi Bắc Kinh tìm kiếm sự độc lập kinh tế lớn hơn bằng cách tối đa hóa sự phụ thuộc của thế giới vào mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: asia.nikkei.com
Ảnh minh họa. Nguồn: asia.nikkei.com

Điều chỉnh chiến lược

Thái độ thù nghịch của một số nước phương Tây đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc, các lệnh trừng phạt đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, sự phân hóa cực mạnh trong lĩnh vực tài chính và công nghệ trên thế giới - tất cả khiến Trung Quốc quay trở lại với khái niệm tự cung tự cấp, tất nhiên, ở định dạng đã được sửa đổi với tên gọi "chiến lược lưu thông kép", lần đầu tiên được thông qua tại cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 5 năm ngoái. Chiến lược này sẽ thúc đẩy “mô hình phát triển mới gồm hai vòng tuần hoàn trong đó thị trường trong và ngoài nước có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, với thị trường trong nước là trụ cột”.

Lưu thông nội bộ, được hiểu là toàn bộ chu trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng trong nước, sẽ là động cơ chính thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế Trung Quốc. Vòng lặp nội bộ này độc lập và hoàn chỉnh.

Tất nhiên, thương mại và đầu tư quốc tế (lưu thông bên ngoài) sẽ không hoàn toàn bị loại bỏ, thay vào đó, nó sẽ đóng vai trò thứ yếu, mang tính hỗ trợ cho năng lực nội bộ. Toàn bộ chiến lược được thúc đẩy dựa trên khả năng nâng cấp sức mạnh công nghệ và đổi mới nền kinh tế của Trung Quốc.

Để hiểu đầy đủ ý nghĩa của chiến lược lưu thông kép và cân nhắc những phản ứng phù hợp, các chính phủ và tập đoàn trên thế giới cần xem xét quan điểm lịch sử, chính sách và quan điểm kinh doanh của Trung Quốc.

Sự đi lên trong lịch sử phát triển kinh tế của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Để thành công, mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu và FDI của Trung Quốc đòi hỏi một môi trường chính sách toàn cầu lành mạnh. Trung Quốc cần có đủ không gian chính sách và sự tự do để theo đuổi sự pha trộn giữa chế độ chính trị, chủ nghĩa kinh tế tư bản với sự chỉ đạo của nhà nước và các hoạt động thương mại theo chủ nghĩa trọng thương.

Và môi trường lành tính đó nói chung đã tồn tại và phát triển suốt 3 - 4 thập kỷ qua. Sự trỗi dậy của Trung Quốc được các đối tác hoan nghênh và tạo điều kiện. Những hoài nghi về việc Trung Quốc có tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới hay những lo ngại về “thách thức vốn có” trong hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc phần lớn đã bị lờ đi. Hội nhập toàn cầu của Trung Quốc được các nước coi là đôi bên cùng có lợi, mang lại lợi ích kinh tế và chiến lược.

Tuy nhiên, nhiều đối tác của Trung Quốc giờ đây nhận thấy, những giả định lạc quan trước đó là một tính toán chiến lược sai lầm. Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi đã bắt đầu mất cân bằng. Nhà nghiên cứu Stephen Olson của tổ chức phi lợi nhuận Hinrich Foundation, cho hay: “Mỹ ngày càng xem chính sách hội nhập kinh tế sâu rộng với Trung Quốc là sai lầm mang tính chiến lược, vì điều này mang lại lợi ích lớn cho Bắc Kinh nhưng lại kém hiệu quả cho Washington”. Mắc kẹt trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, các chính sách của nước này đang bị thách thức mạnh mẽ và quản trị thương mại đang được xem xét lại để đối phó tốt hơn với hệ thống của Trung Quốc.

Môi trường chính sách toàn cầu lành tính cần thiết, vốn được duy trì ổn định trong nhiều thập kỷ, do đó bắt đầu sụp đổ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra sự thay đổi lịch sử này và giờ đây tin rằng việc phụ thuộc vào hệ thống toàn cầu là sự đánh cược đầy rủi ro. Và vì thế, họ tìm mọi cách để đưa nguồn lực trong nước trở thành dòng chảy chủ lưu trong năng lực phát triển của mình.

Gia tăng chiến tranh thương mại

Từ góc độ chính sách, chiến lược lưu thông kép của Trung Quốc báo hiệu nguy cơ các cuộc chiến thương mại sẽ xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn. Trên thực tế, nhân tố quyết định thành công của chiến lược lưu thông kép nằm ở khả năng của Trung Quốc thúc đẩy đổi mới trong nước, đạt được trình độ ngang bằng (nếu không muốn nói là vượt trội) về công nghệ với các nước tiên tiến nhất. \Trên thực tế, chương trình “Made in China 2025” đặt ra mục tiêu tự sản xuất 70% linh kiện công nghệ và vật liệu quan trọng đến năm 2025, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, vật liệu sinh học, máy tính lượng tử... và đến năm 2030 Trung Quốc sẽ thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu cho các công nghệ cơ bản.

Để đạt được điều đó, Trung Quốc sẽ sử dụng mọi thứ trong “hộp công cụ” của mình, bao gồm các khoản trợ cấp khổng lồ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và các hoạt động phi thị trường của các doanh nghiệp nhà nước. Về bản chất, Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi các chính sách thương mại từng gây ra nhiều xích mích nhất với các đối tác phát triển trên thế giới.

Về phần mình, Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia cùng chí hướng khác đang thể hiện quyết tâm đối đầu mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. Gần đây, Mỹ - EU đã chứng kiến cái bắt tay quan trọng giữa Boeing và Airbus, cam kết hình thành mặt trận đoàn kết chống lại các khoản trợ cấp bị cáo buộc là nhằm thao túng thị trường của Trung Quốc.

Mới nhất, hôm 8.6, chính phủ Mỹ đưa ra cái gọi là “lực lượng tấn công thương mại chuỗi cung ứng” để chống lại các hành vi thương mại không công bằng. Lực lượng này do đại diện thương mại Mỹ dẫn đầu, chịu trách nhiệm nghiên cứu các vi phạm cụ thể làm đứt các chuỗi cung ứng trên cơ sở đánh giá quyền tiếp cận với các sản phẩm quan trọng, từ chất bán dẫn đến pin xe điện.

Tất cả những điều này sẽ đi đến đâu? Khi các đối tác áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, Bắc Kinh chắc chắn sẽ có biện pháp trả đũa bằng hành động thương mại. Trên thực tế, cơ quan lập pháp của nước này đã nhanh chóng thông qua Luật Chống trừng phạt như một công cụ pháp lý quan trọng trong cuộc chiến được dự đoán là sẽ khá căng thẳng này. Điều đó báo hiệu khi chiến lược lưu thông kép được thúc đẩy mạnh mẽ, thương mại sẽ trở thành chiến trường khốc liệt.

Hợp tác dựa trên lợi ích

Tuy nhiên, từ góc độ kinh doanh, Trung Quốc vẫn tiếp tục mong muốn và cần đến sự tham gia của các công ty nước ngoài vào nền kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh không ảo tưởng về khả năng tự cung tự cấp. Trong nhiều năm liền Trung Quốc đã dựa vào nguyên tắc toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng, vì thế Bắc Kinh khó có thể nhanh chóng thay thế các động lực tăng trưởng bên ngoài bằng các động lực nội địa.

Các công ty nước ngoài ở Trung Quốc được coi là đóng góp trực tiếp vào thành công của chiến lược lưu thông kép vẫn tìm thấy môi trường kinh doanh thuận lợi và thường xuyên có lợi nhuận. Nhưng Trung Quốc đòi hỏi nhiều hơn về các điều khoản cam kết, và đối với một số công ty nước ngoài ở Trung Quốc, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn.

Điều này có nghĩa là gì? Bất kỳ công ty nào không thể tìm thấy điểm liên kết giữa hoạt động của mình với các mục tiêu phát triển cụ thể của Trung Quốc, có thể đang ở vị trí bấp bênh. Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý và thị trường để khiến cho các công ty hiểu rằng họ ít được ưu ái hơn khi kinh doanh ở Trung Quốc. Các công ty sẽ quyết định lựa chọn có đáng để ở lại hay không.

Ban lãnh đạo Trung Quốc đã dự đoán chính xác sự thay đổi cơ bản trong môi trường chính sách đối ngoại và đang phản ứng bằng các chính sách hợp lý để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Thông qua chiến lược lưu thông kép, họ tìm cách làm cho Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào phần còn lại của thế giới trong khi tối đa hóa sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc.

Tác động của chiến lược lưu thông kép đối với thương mại toàn toàn cầu cần được các chính phủ và công ty nước ngoài hiểu rõ để lựa chọn chiến lược đối phó một cách sáng suốt và thực tế. Một kỷ nguyên mới vì thế đang bắt đầu mở ra đối với phương mại và kinh doanh toàn cầu.