Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tổng thống Trump sẽ thôi đơn độc?

Theo Lê Phan/doanhnhansaigon.vn

Sau khi tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Tổng thống Trump đã kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất, như một biện pháp hỗ trợ Hoa Kỳ trong cuộc thương chiến tranh đang đến hồi khốc liệt với Trung Quốc.

gày 14/5, ông Trump đưa dự báo Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất đồng CNY. Nguồn: internet
gày 14/5, ông Trump đưa dự báo Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất đồng CNY. Nguồn: internet

Trung Quốc huy động toàn lực cho thương chiến

Chiến tranh thương mại  Mỹ - Trung đang trở nên gay cấn hơn bao giờ hết, khi hai bên đều “ăn miếng trả miếng” đầy bất ngờ. Mới đây, Bắc Kinh đã gây ngạc nhiên khi cắt dự thảo thỏa thuận thương mại, vốn mất nhiều vòng đàm phán mới thống nhất được, từ 150 trang xuống còn 105 trang với nhiều thay đổi quan trọng, châm ngòi cho quyết định tăng thuế của Tổng thống Trump. 

Theo giới phân tích, Bắc Kinh có thể đã lường trước được những phản ứng mạnh từ phía Mỹ, nhưng vẫn quyết định “lật kèo” khi tự tin vào khả năng chống chọi cuộc chiến thương mại hiện nay, nhất là khi nền kinh tế đã phục hồi từ đầu năm đến nay.

Đầu năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) đã bơm một lượng tiền kỷ lục vào hệ thống ngân hàng để vực dậy nền kinh tế, bên cạnh các đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và âm thầm hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng những vậy, Chính phủ Trung Quốc còn tìm cách chống đỡ cho nền kinh tế đang giảm tốc với những kế hoạch hàng tỷ USD cho dự định cắt giảm thuế và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 6- 6,5% đề ra cho năm nay.

Kết quả là các chỉ số kinh tế nước này được vực dậy mạnh mẽ trong thời gian gần đây, cộng thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào nhằm hưởng lợi từ các chính sách kích thích kinh tế, giúp thị trường chứng khoán nước này phục hồi đáng kể.

Giải pháp kích cầu cũng nhằm cải thiện thu nhập và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết bớt lượng hàng hóa dư thừa do xuất khẩu bị ảnh hưởng. Nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng cách tốt nhất để Trung Quốc giảm thiểu thiệt hại trong chiến tranh thương mại với Mỹ là phải phát triển được thị trường trong nước, chuyển dịch động lực tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa.

Donald Trump có đơn độc?

Trái với chiến thuật sử dụng toàn lực chính sách từ tiền tệ, tài khóa đến tỷ giá để hỗ trợ thương mại của Bắc Kinh, phía Mỹ cho đến lúc này dường như chỉ mới đơn thuần sử dụng thuế quan cho thương chiến, và gần đây là hạn chế và tiến đến cấm cửa các thiết bị viễn thông của các tập đoàn lớn Trung Quốc, như Huawei hay ZTE.

Đối với chính sách tài khóa, khi mới lên cầm quyền, ông Trump đã có một đợt cắt giảm thuế khổng lồ cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm lôi kéo các tập đoàn nội địa đưa sản xuất trở về tổ quốc, cũng như lôi kéo các tập đoàn quốc tế chọn Mỹ là điểm đến hấp dẫn. 

Về chính sách tỷ giá, ông Trump nhiều lần đề cập mong muốn có một đồng USD yếu để hỗ trợ xuất khẩu, nhưng từ lúc  đắc cử đến nay, đồng USD liên tiếp đi lên so với các đồng tiền chính khác, khi nền kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng tốt hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn cầu, cũng như trước chính sách thắt chặt tiền tệ của FED.

Do đó, không lạ khi Tổng thống Trump liên tiếp chỉ trích FED trong thời gian qua về chính sách tiền tệ của cơ quan này. Ngày 14/5, ông Trump đưa dự báo Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất đồng CNY để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đồng thời giục FED hạ lãi suất nhằm đưa Mỹ tới một chiến thắng rõ ràng trong chiến tranh thương mại.

Vào đầu tháng 5, ông Trump đã kêu gọi FED giảm lãi suất 1% và nới lỏng định lượng trở lại. Không chỉ Tổng thống Mỹ, các quan chức Nhà Trắng, gồm cả cố vấn kinh tế hàng đầu là Larry Kudlow, đều khuyến nghị FED giảm lãi suất 0,5%.

Hiện tại, FED đang giữ lãi suất mục tiêu ở mức 2,25 - 2,5%, sau khi đã nâng lãi suất 9 lần kể từ tháng 12/2015, nhưng đã phát tín hiệu không nâng lãi suất trong năm 2019 tại cuộc họp tháng 3/2019, dù trước đó báo hiệu nâng lãi suất hai lần trong năm nay.

Bất chấp những lời “khẩn cầu” cho đến chỉ trích của Tổng thống Mỹ, FED vẫn giữ nguyên cam kết và định hướng chính sách của mình. Trái với PBOC ở Trung Quốc, FED từ lâu luôn có tính độc lập trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ quốc gia, không bị tác động bởi áp lực chính trị và điều đó dường như cũng làm ngài tổng thống phiền lòng.

Tuy nhiên, cần lưu ý, gần đây FED nhiều lần nhắc lại quan điểm sẽ không cố định chính sách tiền tệ một cách cứng nhắc, mà có thể linh hoạt theo tình hình thực tế. Với nền kinh tế Mỹ vẫn đang thiếu vắng lạm phát, rủi ro ngày càng gia tăng trước cuộc chiến thương mại leo thang, không loại trừ ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này có thể bất ngờ hạ lãi suất như là một giải pháp hỗ trợ cho thị trường tài chính và hạn chế rủi ro cho nền kinh tế. Dù gì thì lợi ích quốc gia vẫn là trên hết, khi đó có lẽ Tổng thống Trump sẽ không còn thấy đơn độc.