Chuyên gia Trung Quốc: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài đến tận năm 2035!
Cũng theo vị chuyên gia này, mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi tốt đẹp trở lại.
Trung Quốc và Mỹ có thể mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn "đánh nhau và đàm phán" như hiện nay tới tận năm 2035, theo nhận định của 1 nhà nghiên cứu cấp cao trong Chính phủ Trung Quốc.
Theo Zhang Yansheng, chuyên gia nghiên cứu trưởng tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc (China Center for International Economic Exchanges), trong vài năm tới Mỹ và Trung Quốc sẽ thăm dò chiến lược của nhau và có thể xuất hiện những hiểu nhầm khiến đàm phán thương mại khó khăn. Trước đây ông Zhang từng làm việc tại Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia – cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc.
Phát biểu tại một buổi hội thảo mới đây, ông cho rằng giai đoạn khó khăn nhất sẽ là từ năm 2021 đến 2025. Sẽ có những xung đột trên nhiều mặt, từ kinh tế, thương mại đến công nghệ và tài chính. Từ 2026 đến 2035 là giai đoạn hai nước hướng đến hợp tác thay vì "đối đầu một cách phi lý trí" như hiện nay.
Trung Quốc thường vạch ra các kế hoạch 5 năm để hoạch định nền kinh tế. Theo kế hoạch mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhắc đến năm 2017, 2035 là cột mốc mà Bắc Kinh muốn đạt được trạng thái "hiện đại hóa theo hướng xã hội chủ nghĩa" với mục tiêu gia nhập hàng ngũ các quốc gia sáng tạo nhất thế giới. Triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ đã bị xóa nhòa sau khi các cuộc đàm phán chững lại từ đầu tháng 5 và Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ trừng trị nhiều doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc.
Một trong những rào cản lớn nhất khiến đàm phán đổ vỡ là phía Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải nhanh chóng thay đổi trạng thái cán cân thương mại, đẩy mạnh cải cách và sửa đổi một số luật lệ. Theo ông Zhang, cả 3 yếu tố này không thể thay đổi trong một sớm mọt chiều. Hệ thống hành pháp mà Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải áp dụng cũng nằm ngoài khả năng của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, phía Mỹ gộp tất cả các yêu cầu thành một gói và bắt Trung Quốc phải ngay lập tức thực hiện nếu không muốn bị trừng phạt. Đối với Trung Quốc, "điều đó giống như quay ngược trở lại năm 1840", khi triều đại nhà Thanh bị ép phải thực thi những điều khoản phi lý sau khi thất bại trước quân Anh.
Cũng tại hội thảo này, Li Yong – chuyên gia đến từ Hiệp hội thương mại quốc tế Trung Quốc, nhận định những "kết luận hiếu chiến" của Mỹ xuất phát từ sự thiếu hụt lòng tin – thứ sẽ làm xấu đi mối quan hệ kinh tế song phương. Theo ông, cách đối xử của Mỹ với Trung Quốc hiện nay giống với những gì Mỹ đã làm với Nhật Bản trong những năm 1980: tạo ra "không khí bài Trung Quốc" giống như khi đàm phán thương mại với Nhật Bản để rồi buộc Nhật Bản phải nhượng bộ. Cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ là một ví dụ.