Chính phủ họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác lập quy hoạch
Sáng 19/8, dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch do Thường trực Chính phủ tổ chức với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch năm 2017, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, các chỉ đạo triển khai nhưng việc tổ chức thực hiện chưa đạt tiến độ như mong muốn. Do đó, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để bàn giải pháp tiếp tục triển khai Luật Quy hoạch hiệu quả, thực chất và đúng tiến độ. Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội có nội dung giám sát về công tác quy hoạch.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về tình hình triển khai Luật Quy hoạch, các giải pháp chủ yếu tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Đáng chú ý là các nhiệm vụ lập quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch ngành quốc gia đều đang được triển khai khẩn trương theo luật định.
Tính đến tháng 8/2021, đã có 61/63 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; tuy nhiên, mới có 2 tỉnh đã hoàn thành thẩm định quy hoạch là Bắc Giang và Hà Tĩnh. Đồng bằng Sông Cửu Long cũng đã lập xong quy hoạch và đã trình Hội đồng thẩm định quy hoạch; 2 địa phương chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh...
Tại Hội nghị, Thường trực Chính phủ đã thảo luận, bàn bạc, cho ý kiến, tập trung vào những vướng mắc, khó khăn và nêu giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác quy hoạch. Trong đó, tinh thần là vướng mắc ở cấp nào, ngành nào thì cấp, ngành đó chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện.
Đồng thời, phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác quy hoạch; tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện thật tốt, thật chặt chẽ và quyết liệt với công tác quy hoạch cả ở vi mô và vĩ mô; phải có tư duy khoa học, khách quan, có tầm nhìn chiến lược cho công tác quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch. Cụ thể, trong thời gian tới, các bộ, ngành, đại phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt việc tổ chức lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 thuộc thẩm quyền, trình phê duyệt trước ngày 31/12/2022, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành tiến độ lập quy hoạch; đồng thời, không trình phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 khi chưa thực sự cần thiết, để không ảnh hưởng tới quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng và các Bộ liên quan khác khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Quy hoạch để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 liên quan đến đất đai, tài nguyên nước, điện lực, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội...
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công (trong đó có kinh phí lập quy hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công).
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từng lĩnh vực, từng ngành, từng địa phương phải dám nhìn thẳng vào thực tế là cho đến nay chưa có quy hoạch nào được phê duyệt. Chỉ một số mới hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch để trình thẩm định, hoặc mới khởi động các công việc đầu tiên cho nhiệm vụ này.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phấn đấu đến năm 2022 phải hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch cho tất cả các địa phương, vùng, ngành, lĩnh vực và đất nước; Phải tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Đặc biệt, trước mắt, các bộ, ngành khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác quy hoạch; Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch; Tập trung nghiên cứu xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch...