Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, kịp thời đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Việt Hoàng

Đó là một trong những nhiệm vụ của Bộ Tài chính được Chính phủ giao thực hiện tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021.

Nghị quyết nêu rõ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân, nền kinh tế - xã hội của đất nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, như: Lạm phát tiềm ẩn nguy cơ tăng; Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; xuất khẩu có xu hướng chậm lại; tình trạng nhập siêu có khả năng tiếp diễn...

Nghiêm trọng hơn là đã xuất hiện đứt gãy một số chuỗi cung ứng, nhất là ở giai đoạn đầu của đợt dịch bùng phát trong tháng 7, đã có những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị trì hoãn hoặc hủy đơn hàng...

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2021 là hết sức nặng nề, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Quán triệt sâu sắc, tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra của năm 2021 trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương có đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... để tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đồng thời, căn cứ tình hình thu ngân sách và diễn biến dịch COVID-19 để xây dựng phương án điều hành ngân sách nhà nước trong thời gian còn lại và cả năm 2021, bảo đảm đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác của ngân sách nhà nước, nhất là ngân sách trung ương trong mọi tình huống; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/8/2021.

Bộ Tài chính tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thu nợ thuế... Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Sớm báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sử dụng số cắt, giảm, tiết kiệm chi thường xuyên năm 2021 của ngân sách trung ương để bổ sung dự phòng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5302/VPCP-KTTH ngày 03/8/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Trong các tháng cuối năm, theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu, các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân có xu hướng tăng giá cao để kịp thời đề xuất các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, quản lý kê khai giá, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về giá. Song song với đó, đẩy mạnh triển khai các giải pháp chính sách để bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cùng các cơ quan, địa phương liên quan theo dõi sát diễn biến giá phân bón tại thị trường trong nước, có biện pháp điều tiết phù hợp, kịp thời để bình ổn giá, không để tăng giá bất hợp lý.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá cụ thể tính hợp lý, sự phù hợp của các loại phí, lệ phí, giá dịch vụ, quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải trong bối cảnh dịch bệnh (như các loại phí đăng kiểm xe, bảo trì đường bộ, phí dịch vụ tại sân bay, bến cảng, chi phí xét nghiệm COVID-19 đối với lái xe, thời hạn đăng kiểm...) góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh vận tải...