Chính phủ khóa mới và hàng loạt những thách thức

Châu Minh

Vào tháng 4 tới, sau khi kết thúc Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, có thể bộ máy Chính phủ khóa mới sẽ ra mắt, vận hành sớm hơn khoảng 4 tháng so với thông lệ.

Kỷ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Nguồn: internet
Kỷ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Nguồn: internet

Bình luận về việc Quốc hội đẩy nhanh tiến độ chuyển giao quyền lực này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên nói, “đây là một cách làm mới, rút ngắn được thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng. Cách làm này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, phản ánh khoa học quản lý nhà nước trên thế giới”.

Ngổn ngang công việc

“Thông thường, tại Kỳ họp thứ nhất của nhiệm kỳ mới (vào tháng 8), Quốc hội tiến hành xem xét, phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước. Trong khi đó, Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra vào tháng 1. Tức là, phải gần hết năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm, chúng ta mới có bộ máy nhà nước mới để triển khai thực hiện các nhiệm vụ 5 năm, như vậy thì chậm quá”.

Song TS. Kiên nhấn mạnh rằng, “chưa có nhiệm kỳ nào mà ở thời điểm chuyển giao, tình hình kinh tế - xã hội lại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như bây giờ…”. Ngổn ngang công việc đang chờ Chính phủ khóa XIV phải bắt tay ngay vào việc, với một quyết tâm cao nhất. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trước hết, đó là, “Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ phải quyết liệt, phải gạt sạch những nhóm lợi ích đang giằng níu vừa qua thì mới làm được nhiệm vụ sống còn là tái cơ cấu nền kinh tế”.

Ông Kiên kỳ vọng Chính phủ khóa mới chấm dứt bằng được căn bệnh thích thành tích, thích hoành tráng, từ con số đăng ký thành lập doanh nghiệp mới đến con số đăng ký vốn đầu tư FDI đều phải là mới nhất nhiều nhất, kỷ lục từ trước đến nay, rồi “phong trào” xây dựng trụ sở mới, tượng đài... Tỉnh mộng mới thấy đó chỉ là những con số ảo.

Nếu phương thức điều hành, phương thức hành động không thay đổi một cách quyết liệt hơn nữa thì tình hình đất nước sẽ vô cùng khó khăn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, TS Phùng Đức Tiến chỉ ra thực tế, tái cơ cấu nền kinh tế dù được hô hào trong cả nhiệm kỳ qua nhưng kết quả chưa được là bao.

Ngân sách trong cảnh lao đao vì giá dầu giảm, áp lực lấy tiền ở đâu không chỉ cho đầu tư phát triển mà còn để giải quyết vấn đề cấp bách là hạn hán và xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu, cộng dồn với những khó khăn đó là những diễn biến phức tạp trên biển Đông, đang đè nặng lên Chính phủ khóa mới.

Khốc liệt cả trong và ngoài

Rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Việt Trường thấy rằng nếu Chính phủ khóa mới xây dựng “văn hóa từ chức” đối với vị trí các bộ trưởng, trưởng ngành, thì bộ máy mới sẽ có những bước đi đột phá trong chỉ đạo điều hành, khi mọi vị trí đều thấy rõ hơn về trách nhiệm, để làm việc tốt hơn.

“Đây không phải là sự trừng phạt với người đảm nhiệm vị trí các Tư lệnh ngành, lĩnh vực mà thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân ”, ông Trường nói, “nếu không đảm đương được vị trí Tư lệnh ngành, lĩnh vực, không giải quyết được những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì nên dừng lại để thay thế bằng người khác có khả năng đảm đương tốt hơn, tốt cho cả bộ máy và cho cả đất nước”.

Ở góc độ của chuyên gia, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định “với bộ máy mới, chúng ta có quyền hi vọng đất nước sẽ có đổi mới và tiếp tục phát triển mạnh hơn, nhanh hơn để sớm đuổi kịp các nước khác trong khu vực. Nhưng những người lãnh đạo rất cần có tư duy đổi mới vượt bậc, nếu không sẽ khó vượt qua được nếp nghĩ và cách làm cũ”.

TS. Cung dẫn chứng, trong vài năm qua, nhất là từ năm 2014, Quốc hội đã ban hành các đạo luật quan trọng làm nền tảng cho phát triển kinh tế như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư 2014...

Chính phủ đã có các nghị quyết (như nghị quyết 19) về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh... Cả hệ thống chính trị đã thể hiện một tinh thần đầy quyết tâm.

Và năm qua, lần đầu tiên Việt Nam đã chấp nhận so việc cải cách của mình là chậm hơn nhiều với quốc gia khác, nhất là các quốc gia tiên tiến trong khu vực, chứ không chỉ so với chính mình như trước đây.

Song tinh thần là vậy mà khi triển khai thì tiến độ nhìn chung khá chậm. Cái yếu nhất ở Việt Nam là tổ chức thực hiện. Vì vậy, ngay cả chính sách tốt, kết quả thực hiện cũng khác khá xa so với những gì có trên giấy tờ.

Dù còn đó những ưu tư, trăn trở, nhưng các vị đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia kinh tế, đều có chung niềm tin như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, “chúng ta sẽ lựa chọn được một ekip Chính phủ mới đủ năng lực, đủ mạnh mẽ, đủ quyết liệt, đủ táo bạo để chèo lái đất nước trong bối cảnh nội lực nền kinh tế tràn đầy khó khăn và áp lực của hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng khốc liệt”.