Chính phủ nỗ lực tối đa thực hiện các mục tiêu tăng trưởng

Theo Chinhphu.vn

Phát biểu cuối phiên thảo luận về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm rõ hơn những băn khoăn của đại biểu Quốc hội về những giải pháp được Chính phủ tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm.

Chính phủ nỗ lực tối đa thực hiện các mục tiêu tăng trưởng
Chính phủ nỗ lực tối đa thực hiện các mục tiêu tăng trưởng. Nguồn: Internet
Ưu tiên cao cho nông nghiệp, nông thôn

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng hằng năm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nền kinh tế.

Năm 2011, tín dụng chung cả nền kinh tế tăng 14,41%, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn tăng 30,64%. Năm 2012, tín dụng chung tăng 8,91% nhưng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng 12,5%. Trong 5 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng trên 2%, dư nợ cho nông nghiệp, nông thôn tăng 3,1%.

Liên tục các năm từ 2011 đến nay, lãi suất cho nông nghiệp, nông thôn luôn thấp hơn mức bình quân chung từ 2-3%.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn coi việc hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt quan tâm quy hoạch sản xuất, dành đất cho sản xuất là nội dung quan trọng trong phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân và cũng là mục tiêu chính của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chính phủ đã dành ưu tiên cao trong thực hiện các chính sách dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chẳng hạn, các chính sách cho vay không lãi suất để tạm trữ lúa, cá tra, basa; Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm cho người nghèo là 100%, cận nghèo là 90% mức phí bảo hiểm…

“Quan điểm của Chính phủ là rà soát chính sách để mở rộng đối tượng hộ cận nghèo, cùng với đó là những chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ sản xuất…”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với ngư dân, bên cạnh các chính sách đã có, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp ngư dân ra khơi và thực hiện dịch vụ nghề cá như thí điểm cho ngư dân được thay vay vốn để đóng mới tàu công suất lớn từ 400-1.000 mã lực, với mức vay 70-80% chi phí đóng tàu, lãi suất cố định 3%/năm, trả trong 10 năm.

Phó Thủ tướng cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ tổng kết chương trình này và có thể nhân rộng cho cả nước, cho vay đóng tàu mới, cả tàu gỗ và tàu sắt từ 90 đến trên 1.000 mã lực, tàu dịch vụ nghề cá. Chính phủ cũng đầu tư đóng tàu kiểm ngư để hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu để tổ chức lại sản xuất nghề cá sao cho hiệu quả nhất.

Nỗ lực cân đối thu-chi ngân sách

Trước các băn khoăn của đại biểu về cân đối NSNN, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, qua 5 tháng, thu NSNN mới đạt 36,6% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 nhưng thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm 2010 và năm 2011.

Có tới 46/63 địa phương thu chưa đạt mức bình quân chung của năm, trong đó có nhiều địa phương là trọng điểm thu.

“Theo dự toán Quốc hội giao, bình quân mỗi tháng phải thu 68.000 tỷ đồng/tháng, nhưng 5 tháng mới đạt trung bình 52.000 tỷ đồng/tháng. Rõ ràng là thu ngân sách rất khó khăn”, Phó Thủ tướng nói.

Giải thích nguyên nhân, Phó Thủ tướng Vũ  Văn Ninh cho rằng trước hết là do sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, tồn kho hàng hoá, bất động sản cao, tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, việc áp dụng một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường cũng trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách.

Ngày 25/5/2013, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị yêu cầu các ngành kiểm soát thu ngân sách để chống thất thu, gian lận thương mại. Theo đó kiểm soát chặt chẽ chi hội thảo, hội nghị, đi nước ngoài… Khi bố trí vốn ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản hoặc những dự án đầu tư cơ bản mới, phải đảm nguồn vốn mới được thực hiện.

Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương trước khi phân bổ ngân sách phải bố trí tối thiểu 30% để thanh toán nợ xây dựng cơ bản; yêu cầu các bộ, ngành địa phương không đề nghị doanh nghiệp ứng vốn để làm xây dựng cơ bản khi chưa cân đối được nguồn vốn khả thi.

“Với tinh thần này cũng sẽ cố gắng thực hiện mà chưa đặt vấn đề điều chỉnh ngân sách. Đối với dự phòng ngân sách thì trước mắt chỉ sử dụng 50%, còn lại sẽ xem xét khả năng cân đối ngân sách từ nay đến cuối năm để bù đắp vào cân đối ngân sách chung”, Phó Thủ tướng nói.

Trước một số ý kiến cho rằng nợ công của Việt Nam cao, con số thống kê không chính xác, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định trong nợ của Nhà nước có nợ Chính phủ bảo lãnh, có nợ Chính phủ vay về rồi cho vay lại và các khoản nợ này đã được tính đầy đủ  theo quy định của luật. Các khoản nợ vay của các tổ chức tín dụng thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng, tổ chức cho vay phải thẩm định các dự án trước khi cho vay, đồng thời doanh nghiệp phải tự vay phải tự trả.

Tại khoản 2 điều 1 Luật Quản lý nợ công có ghi phạm vi nợ công là nợ Chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Như vậy, nợ công của Việt Nam tính đến 31/12/2012 tương đương 55,5% GDP, trong đó nợ Chính phủ là 43,1%, nợ Chính phủ bảo lãnh là 11,5%, nợ chính quyền địa phương là 0,9% GDP. 

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã họp và giao các bộ tính toán các cân đối vĩ mô để đề xuất thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ cho dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Đường 14a cũ). Đây là hai công trình có tầm quan trọng đặc biệt đã được Trung ương và Quốc hội có nghị quyết triển khai thực hiện. Việc phát hành thêm vốn trái phiếu Chính phủ không làm ảnh hưởng đến trần nợ công.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ hiện đang rà soát các dự án trọng điểm từ nay 2015 nhưng hết vốn nên chưa hoàn thành hoặc các dự án đặc biệt quan trọng, có tác động lam tỏa cơ cấu kinh tế của cả nước và từng vùng để xem xét thận trọng, trên cơ sở đó báo cáo Quốc hội cho phép mở rộng đối tượng được sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ.