Chính sách đối ngoại táo bạo, tiên phong, đổi mới của Ấn Độ
(Tài chính) Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền vừa thông qua nghị quyết về chính sách đối ngoại táo bạo, tiên phong và đổi mới của Thủ tướng Narendra Modi với 5 chủ đề mang tính chất trụ cột gồm: phẩm giá và danh dự; đối thoại và phối hợp lớn hơn; thịnh vượng; an ninh khu vực và toàn cầu; các mối liên kết văn hóa và văn minh.
Nghị quyết nêu rõ chỉ trong 10 tháng kể từ khi lên nắm quyền, Chính phủ do BJP đứng đầu đã kết hợp chính sách đối ngoại với các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, chú trọng cải thiện sự tiếp cận của Ấn Độ đối với nguồn vốn, công nghệ, năng lượng, kỹ năng và các nguồn tài nguyên khác. Chính sách của Chính phủ mới thu hút sự quan tâm và tin tưởng của người dân, đặc biệt là sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” của Thủ tướng Modi nhằm tạo việc làm cho thanh niên.
Văn kiện trên khẳng định, sự can dự của Chính phủ mới đối với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga cũng như trong các diễn đàn đa phương như G-20, BRICS, Hội nghị Đông Á (EAS), ASEAN - Ấn Độ, Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC), và với các đảo quốc ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương... đều được chú trọng thúc đẩy.
Trong khi nhấn mạnh rằng khủng bố và đối thoại không thể đi cùng nhau, nghị quyết của BJP nói rõ sự hợp tác của Ấn Độ với Pakistan sẽ dựa trên những lợi ích chiến lược, cố gắng theo đuổi những can dự hòa bình nhằm phối hợp với nước láng giềng này để loại trừ chủ nghĩa khủng bố trong khu vực. Ấn Độ đã phản ứng kiên quyết và thích hợp đối với những hành động khiêu khích dọc biên giới cũng như dọc ranh giới kiểm soát (LoC), đẩy lùi những nguy cơ xâm nhập và khủng bố.
Về quan hệ Ấn - Trung, nghị quyết nói rằng việc duy trì hòa bình và ổn định tại các khu vực biên giới là “điều kiện tiên quyết” nhằm tiếp tục phát triển quan hệ song phương. Với Nhật Bản, văn kiện nhấn mạnh quan hệ song phương đã được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu đặc biệt.
Đánh giá về nghị quyết này, giới phân tích nhận định văn kiện đã khẳng định thêm đường hướng đối ngoại toàn diện và rõ ràng mà chính quyền Modi quyết tâm theo đuổi. Đường hướng này trước tiên phục vụ mục tiêu đầy tham vọng của New Delhi là tăng gần gấp đôi kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên 900 tỷ USD trong 5 năm tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho dân số ngày càng tăng. Chính phủ nước này muốn tăng thị phần xuất khẩu của Ấn Độ trên thị trường toàn cầu từ mức 2% hiện nay lên 3,5%. Chính sách mới này sẽ vạch ra một lộ trình ổn định và bền vững cho Ấn Độ tham gia vào hoạt động thương mại toàn cầu trong những năm tới. Tuy nhiên, đây chỉ là mục tiêu bề nổi, mục tiêu chính đằng sau là cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở cả cấp độ tiểu khu vực, châu lục và thế giới.
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế, với mức tăng trưởng GDP 7,8% trong tài khoá 2015-2016 và 8,2% tài khóa tiếp theo. Theo đó, Ấn Độ sẽ là đầu tàu tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi ở châu Á, trong khi mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Trung Quốc sẽ tiếp tục chỉ vào khoảng 7% trong năm 2015 và 2016.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng có nhận định tương tự. Theo bà Lagarde, trong lúc phần lớn các nước đang ra sức khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm thì Ấn Độ lại đang phát triển nhanh chóng. Chính vì vậy, bà gọi Ấn Độ là “một điểm sáng” của nền kinh tế toàn cầu đang bị u ám.
Ngoài cạnh tranh về kinh tế, New Delhi đã thể hiện mục tiêu cạnh tranh ảnh hưởng chính trị thông qua chính sách “Hành động phía Đông”, tăng cường quan hệ thương mại và kết nối cũng như xây dựng quan hệ chiến lược với các quốc gia quyền lực quan trọng ở châu Á. Ấn Độ là một thành viên của các nhóm chiến lược như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á. Ấn Độ cũng sẽ sớm được nâng cấp từ vai trò “quan sát viên” trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ấn Độ cũng đang trong quá trình nâng cấp quan hệ chiến lược với các nước như Việt Nam, Nhật Bản và Australia. Một trọng tâm hướng Đông cũng là cần thiết đối với Ấn Độ bởi New Delhi đã tham gia các nỗ lực để tiếp tục mở các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này đã được nhắc lại trong “Tuyên bố chung tầm nhìn chiến lược Mỹ - Ấn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương” được ký kết trong chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 1 vừa qua.