Chính sách tài chính thúc đẩy phát triển “tam nông”
Các công cụ của chính sách tài chính bao gồm: Đầu tư công từ nguồn NSNN, chính sách thuế, tín dụng, bảo hiểm và hỗ trợ tài chính... có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất và tác động qua lại lẫn nhau cùng thúc đẩy sự phát triển của “tam nông”. Bài viết phân tích một số chính sách tài chính điển hình tạo sức bật cho phát triển “tam nông” trong thời gian qua:
Một là, miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp - “khoan sức dân”
Triển khai Nghị quyết 15/2003/QH11 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 129/2003/ NĐ-CP về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; ngay sau đó, Bộ Tài chính có Thông tư 112/2003/ TT-BTC hướng dẫn việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2003 - 2010. Đặc biệt, sau Nghị quyết 26-NQ/TW và Nghị quyết số 55/2010/ QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn 2011–2020, ngày 23/3/2011 Chính phủ ban hành Nghị định 20/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 55. Bộ Tài chính có Thông tư 120/2011/TT-BTC ngày 31/8/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định 20. Theo đó, đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp gồm: toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối; toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc công nhận cho hộ nghèo; diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng làm nông nghiệp bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Các đối tượng được giảm 50% số thuế gồm sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp nhưng không quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định…
Hai là, miễn giảm thủy lợi phí - “cú hích” quan trọng
Ngày 28/11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 143/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; ngày 14/11/2008 ban hành Nghị định 115/2008/ NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 143/NĐ-CP quy định về mức thu và miễn, giảm thuỷ lợi phí. Tiếp đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 36/2009/ TT-BTC ngày 26/02/2009, hướng dẫn chi tiết việc thi hành một số điều của Nghị định 143/NĐ-CP, Nghị định 115/2008/NĐ-CP. Theo đó, miễn thuỷ lợi phí cho các hộ gia đình, cá nhân có đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối trong hạn mức và diện tích đất 5% công ích do địa phương quản lý mà hộ gia đình, cá nhân được giao hoặc đấu thầu chuyển quyền sử dụng từ 01/01/2008… Cùng với đó, bình quân mỗi năm Nhà nước đầu tư miễn giảm khoảng trên 3.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này và các tỉnh tự cân đối kinh phí đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng. Đây được coi là “cú hích” để nông nghiệp, nông thôn phát triển và giảm dần các khoản đóng góp cho nông dân.
Ba là, chính sách tín dụng “phủ sóng” toàn quốc
Trong những năm qua, nhiều chính sách tín dụng đã được hình thành để thực hiện công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc; cụ thể: (i) Chính sách tín dụng cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội theo tinh thần Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ; (ii) Chính sách tín dụng thương mại đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ; (iii) Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 80/ NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ…
Tính đến ngày 31/12/2011, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 105.490 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 103.731 tỷ đồng, với 18 chương trình tín dụng đang được triển khai. Trong đó, dư nợ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm 89,8% tổng dư nợ (tương đương 93.175 tỷ đồng). Một số chương trình đầu tư tín dụng toàn bộ tại khu vực nông thôn như: cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở (3.335 tỷ đồng), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (8.540 tỷ đồng), cho vay trồng rừng theo dự án phát triển ngành lâm nghiệp (347 tỷ đồng), cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (530 tỷ đồng), cho vay mua nhà trả chậm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (675 tỷ đồng).
Bốn là, “luồng gió mới” từ hỗ trợ mua máy móc thiết bị
Ngày 17/4/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 497/QĐ-TTg hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Tiếp đó, ngày 31/12/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2213/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 497/QĐ-TTg nhằm hỗ trợ đúng đối tượng, đặc biệt là các hộ gia đình và cá nhân ở khu vực nông thôn, thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Để quyết sách của Chính phủ đi vào cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2010/TT-NHNN ngày 22/01/2010 quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng trong năm 2010, thời hạn hỗ trợ lãi suất kể từ ngày giải ngân vốn vay nằm trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2010 - 31/12/2010…
Bằng những động thái mạnh mẽ đó mà nguồn vốn đổ vào lĩnh vực “tam nông” ngày càng gia tăng. Tính đến 31/12/2011, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng thương mại (chưa bao gồm số liệu của các công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) đạt 486.098 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cuối năm 2010. Đến hết tháng 02/2012, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Thông tư 14 của các tổ chức tín dụng đạt 468.640 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 19% so với tổng dư nợ toàn quốc.
Không chỉ dừng lại ở đó, các nguồn vốn cho “tam nông” tiếp tục được “khơi thông” mạnh mẽ qua nhiều chính sách cụ thể từ Chính phủ, Bộ Tài chính như: Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2012 về khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Thông tư số 84/2011/TT-BTC ngày 16/6/2011 hướng dẫn một số chính sách tài chính khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… nhằm tạo sức hút mạnh mẽ đối với các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, tăng cường sản xuất hàng hóa ở khu vực nông thôn để mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn như tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW; Các chính sách trên đã góp phần khơi thông nguồn vốn chảy về khu vực nông nghiệp, nông thôn mạnh mẽ hơn, tạo bộ mặt mới cho kinh tế địa phương.
Năm là, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch “tiếp sức” cho nông dân
Hiện nay, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp trung bình cả nước là 12 -13%, tập trung chủ yếu ở các ngành kinh tế nông nghiệp mũi nhọn. Nguyên nhân, do thiếu điều kiện bảo quản sản phẩm sau khai thác, thiếu máy móc, thiết bị làm sạch, sấy khô lúa, kho dự trữ gây tổn thất sau thu hoạch lúa gạo… Để giảm thiểu những tổn thất trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và Quyết định 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 sửa đổi, bổ sung Quyết định 63; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 65/2011/TT-BTC ngày 16/5/2011 hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; Ngân hàng Nhà nước cũng có Thông tư 03/2011/TT-NHNN ngày 08/3/2011, Thông tư 22/2012/TT-NHNN ngày 22/6/2012 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiệt hại sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản… với mục tiêu đề ra đến năm 2020 giảm được tối thiểu 50% tổn thất đối với nông sản, thủy sản so với hiện nay. Đây là một chính sách đúng đắn và hợp lòng dân, rất cần thiết đối với nền nông nghiệp nước ta.
Sáu là, tạo “bước chạy đà” cho những năm tiếp theo
Ngày 01/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013. Theo đó, hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho nông dân nghèo, hỗ trợ 80% cho nông dân cận nghèo và hỗ trợ 60% cho nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo tham gia thí điểm BHNN… Bên cạnh đó, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo cũng đã được triển khai mạnh mẽ nhằm hỗ trợ trực tiếp nông dân. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mua tạm trữ tối đa 500.000 tấn quy gạo vụ hè thu năm 2012, thời hạn mua tạm trữ từ ngày 10/7/2012 - 10/8/2012. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ... điểm khác biệt của chính sách lần này là hỗ trợ trực tiếp cho nông dân chứ không thông qua DN như trước đây…
Thành tựu của chính sách tài chính đối với “tam nông”
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, trong giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho “tam nông” từ nguồn NSNN và Trái phiếu Chính phủ (TPCP) là 432.788 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 153.548 tỷ đồng (35,48%); phát triển hạ tầng xã hội mục tiêu giảm nghèo ở nông thôn 279.240 tỷ đồng (64,52%). Sau khi Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 (Khóa X) ban hành, giai đoạn 2009 – 2011, đầu tư cho “tam nông” đã được quan tâm nhiều hơn và mức đầu tư đã tăng lên rõ rệt: tổng vốn đầu tư bố trí trong 3 năm là 286.212 tỷ đồng, bằng 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và TPCP, gấp 1,95 lần so với trước khi có Nghị quyết (giai đoạn 2006-2008).
Do có sự quan tâm đầu tư cho “tam nông”, nông thôn từng bước được đổi mới và phát triển, điều kiện sống của cư dân nông thôn tiếp tục được cải thiện, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được nâng cấp và từng bước hiện đại hoá. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2006-2010 đạt 3,36% năm. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng khoảng 4,69% trong năm 2010, bình quân 5 năm tăng 4,93%/năm (mục tiêu kế hoạch là 4,5%/năm). Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp năm 2010 đạt mức kỷ lục, đạt 19,15 tỷ USD, tăng gần 22,6% so với năm 2009, vượt 77,3% so với mục tiêu được Đại hội Đảng X đề ra. Tổng diện tích gieo cấy lúa năm 2010 đạt 7,444 triệu ha lúa, tăng 23 nghìn ha so với năm 2009, nhưng sản lượng tăng hơn 900 nghìn tấn, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu 6,7 triệu tấn gạo. Tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng trưởng 7% trong năm 2010. Độ che phủ rừng đã tăng từ 37,1% vào năm 2005 lên 39,5% vào năm 2010; trong giai đoạn 2006-2010, đã trồng 1.091 nghìn ha rừng, vượt 9% so với kế hoạch. Tổng thủy sản cả năm 2010 đạt gần 5,2 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm 2009, vượt 30% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra…
Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi với nhiều công trình quan trọng được đầu tư, đến nay tổng năng lực tưới tiêu của các hệ thống thủy lợi đạt khoảng 3,45 triệu ha đất canh tác; Hạ tầng giao thông nông thôn được phân bổ tương đối hợp lý; Hệ thống y tế ở nông thôn cũng được quan tâm đầu tư mở rộng và nâng cấp về chất lượng: năm 2011 có 40% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, 94,2% số thôn có cán bộ y tế thôn (năm 2006 có 89,2%)…
Chương trình xây dựng nông thôn mới sau hơn một năm triển khai đã có nhiều kết quả tích cực, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều đã hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng nông thôn mới theo 19 tiêu chí, đến hết năm 2011 có khoảng 52% số xã đang tiến hành lập đề án xây dựng nông thôn mới… Chương trình bảo hiểm nông nghiệp sau hơn một năm thực hiện đã triển khai ở tất cả 20 tỉnh, thành phố với 98.294 hộ dân đã tham gia ký hợp đồng bảo hiểm (trong đó 88% hộ nghèo) với giá trị bảo hiểm cây trồng, vật nuôi là 959,4 tỷ đồng, phí bảo hiểm là 48,7 tỷ đồng…
Những tồn tại và hạn chế
Bên cạnh những thành tựu trên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục. Cụ thể là, nông nghiệp phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh một số lĩnh vực còn thấp, tỷ lệ hàng hoá tiêu dùng dưới dạng thô còn cao nên giá trị gia tăng thấp. Công tác quản lý chất lượng vật tư đầu vào cho sản suất về vệ sinh an toàn thực phẩm đang còn nhiều bất cập. Nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, môi trường sống ở nông thôn ngày càng bị ô nhiễm. Đời sống của một bộ phận nông dân còn nhiều khó khăn, khả năng tái nghèo cao, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi…
Một trong những nguyên nhân là do chính sách tài chính hỗ trợ “tam nông” còn một số tồn tại là:
2010. Tính chung cả thời kỳ 1999 - 2010, ngành nông nghiệp mới thu hút được 738 dự án với tổng vốn đăng ký là 4,3 tỷ USD, chiếm 2,3% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
- Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là chính sách tích cực, nhưng ở khía cạnh nào đó, chính sách này chưa gắn chặt trách nhiệm của nông dân với xã hội về chất lượng sản phẩm hàng hóa; Chính sách miễn, giảm thủy lợi phí, còn thiếu chế tài trong quản lý, tạo ra tâm lý ỷ lại trong nông dân, không tiết kiệm, chưa phù hợp với nhu cầu nước của cây trồng.
- Quy định đối tượng muốn vay vốn ngân hàng phải chứng minh năng lực tài chính, phải có hiệu quả sản xuất năm sau cao hơn năm trước; hoặc việc quy định nông dân vay vốn không phải thế chấp tài sản nhưng lại phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất cho ngân hàng... khiến nhiều người không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay.
- Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cụ thể là, Nghị định số 61/2010/ NĐ-CP ngày 04/6/2010 nhiều quy định còn chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể nguồn đầu tư; thủ tục để nhận các khoản hỗ trợ còn rườm rà và phức tạp; một số nội dung hỗ trợ (vận tải, tư vấn, phát triển thị trường…) còn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của DN; thiết kế còn phức tạp, khó tính toán các khoản hỗ trợ dẫn đến chưa tạo đột phá thu hút DN đầu tư vào “tam nông”...
Giải pháp tài chính thúc đẩy phát triển “tam nông”
Để tiếp tục phát triển “tam nông” trong tình hình mới, chúng tôi đề xuất một số chính sách, giải pháp tài chính sau:
Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến khu vực “tam nông”, cụ thể là: đổi mới phân cấp quản lý đầu tư công; sửa đổi hoàn thiện quy chế thẩm định dự án, thẩm định vốn, quyết định đầu tư; chính sách phát triển thị trường; chính sách tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp; chính sách đặc thù phù hợp phát triển vùng miền núi, dân tộc thiểu số; chính sách huy động nhiều nguồn lực khác từ các thành phần kinh tế, từ nhân dân cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, tăng cường nguồn vốn NSNN, vốn TPCP và huy động tối đa vốn ODA, FDI để đầu tư phát triển “tam nông”: ưu tiên bố trí thông qua các chương trình, dự án, các công trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; điều tiết phân bổ NSNN đảm bảo lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp, địa phương thuần nông; tập trung nguồn vốn TPCP cho các dự án phát triển giao thông nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kiên cố hoá trường học, lớp học, cơ sở chữa bệnh, công trình thủy lợi trọng điểm... Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đầu tư cho “tam nông”. Định kỳ đánh giá tổng mức đầu tư và các tiêu chí thực hiện chỉ tiêu về kinh tế xã hội giữa các vùng để có sự so sánh, đánh giá và kịp thời sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật đầu tư công vào lĩnh vực “tam nông” cho phù hợp.
Thứ ba, cần có sự phối hợp chặt chẽ, ăn khớp giữa các bộ, ngành với các cấp chính quyền địa phương trong triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình...; giữa vốn NSNN với nhà tài trợ nước ngoài, DN trong nước. Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính cụ thể, rõ ràng để các địa phương chủ động bố trí cân đối ngân sách địa phương, vốn đối ứng khi địa phương được tài trợ vốn nước ngoài hay của DN cho phát triển nông nghiệp, nông thôn...
Thứ tư, đổi mới chính sách tín dụng theo nguyên tắc thương mại, thị trường, coi trọng hiệu quả bền vững trên cơ sở lợi nhuận có điều chỉnh rủi ro. Hoàn thiện hệ thống chính sách tín dụng đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, đơn giản hóa về thủ tục, nâng cao tỷ lệ cho vay trên tài sản thế chấp.
Thứ năm, đổi mới cơ chế, phương pháp đào tạo lao động nông thôn. Theo đề án, giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn tập trung đào tạo 5,2 triệu nông dân; phải gắn đào tạo nghề với quy hoạch vùng sản xuất, đào tạo chuyên sâu, đồng thời nên xã hội hóa việc đào tạo nghề cho nông dân; có sự phối kết với DN trong việc xây dựng giáo trình đào tạo, giới thiệu việc làm sau khi hoàn thành chương trình đạo tạo.
Thứ sáu, kịp thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập của Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Nghị định số 61/2010/ NĐ-CP ngày 04/6/2010 về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn... tạo tính thống nhất, minh bạch, thuận tiện, hiệu quả đối với sự nghiệp phát triển “tam nông” trong thời gian tới.
Chính sách hỗ trợ tài chính phát triển "tam nông" ở Việt Nam: Thành tựu và thách thức
(Tài chính) Ở nước ta hiện nay, dân số sống ở nông thôn chiếm gần 70% và có gần 60% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, việc định hướng chính sách và giải quyết các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa quan trọng và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị - xã hội; trong đó, chính sách tài chính luôn giữ vai trò là động lực cho “tam nông” phát triển..
Xem thêm