Thực trạng chính sách tài chính cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Trước đòi hỏi của thực tiễn phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở nước ta, những năm qua, Nhà nước đã ban hành một số văn bản nhằm đẩy mạnh phát triển CNHT. Từ năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Tiếp đến năm 2011, tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành thêm chính sách phát triển một số ngành CNHT. Đây là những chính sách góp phần tạo động lực thúc đẩy ngành CNHT ở Việt Nam phát triển cũng như khuyến khích cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.
Riêng đối với Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg - văn bản cao nhất liên quan đến CNHT, tại Điều 3 về chính sách khuyến khích phát triển CNHT nêu rõ: Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển CNHT. Theo đó, các dự án sản xuất sản phẩm CNHT được hỗ trợ về phát triển thị trường; khuyến khích về hạ tầng cơ sở, hỗ trợ kinh phí cho phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ về cung cấp thông tin. Liên quan đến tài chính, tại khoản 6 Điều 3 của Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg quy định: dự án sản xuất sản phẩm CNHT được hưởng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; dự án sản xuất sản phẩm CNHT được xem xét vay một phần vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định hiện hành; chủ đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm CNHT là DN nhỏ và vừa (DNNVV) được hưởng các chính sách trợ giúp tài chính theo quy định tại Nghị định số 56/2009/ NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV…
Nhằm hướng dẫn chi tiết Quyết định số 12/2011/ QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 96/2011/TT-BTC quy định chi tiết về các chính sách ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; về vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; về các chính sách trợ giúp tài chính theo quy định về trợ giúp phát triển DNNVV; chính sách đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho phát triển công nghiệp công nghệ cao. Cụ thể là:
Một là, về chính sách ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:
- Đối với các dự án thuộc danh mục lĩnh vực được ưu đãi về thuế nhập khẩu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc đầu tư vào địa bàn được ưu đãi về thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 18 Điều 12 của Nghị định số 87/2010/NĐ-CP thì được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm mà trong nước chưa sản xuất được; hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào thị trường trong nước.
Đối với trường hợp có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài thì khi nhập khẩu vào thị trường trong nước chỉ phải nộp thuế nhập khẩu trên phần nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu cấu thành trong hàng hóa đó…
Hai là, về chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm CNHT là DNNVV quy định cho phép được hưởng các chính sách trợ giúp tài chính theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV và các văn bản hướng dẫn Nghị định số 56/2009/NĐ-CP.
Ba là, về ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho phát triển công nghiệp công nghệ cao được quy định: Dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho phát triển công nghiệp công nghệ cao được hưởng các chính sách về thuế theo quy định của pháp luật về công nghệ cao…
Mặc dù thời gian qua, nước ta đã thu được một số kết quả nhất định trong quá trình phát triển CNHT, như: nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp lắp ráp; giảm bớt tỷ lệ linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế, hiệu quả của các văn bản chính sách vẫn còn ở mức hạn chế, chưa “chạm” đến DN sản xuất CNHT. Cụ thể, trong Quyết định 12/2011/QĐ-TTg chưa quy định rõ danh mục sản phẩm nào được ưu tiên mà chủ yếu chỉ là cơ chế “xin-cho”, DN thiếu gì thì đề xuất. Cùng với đó là hạn chế của khung chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN hiện nay được thực hiện theo địa bàn và theo lĩnh vực (chỉ mới tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao)…
Cần xây dựng một hệ thống các chỉ tiêu để kiểm soát được tình trạng nhập khẩu thiết bị mà không dựa vào các thông số do doanh nghiệp nhập khẩu báo cáo. Đồng thời, giảm mức thuế suất nhập khẩu linh kiện rời rạc của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ (hiện nay đang chịu thuế nhập khẩu 20%), để các doanh nghiệp có điều kiện hoạt động, sản xuất tốt hơn.
Giải pháp tài chính phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên và khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực này, thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung chính sách hiện hành:
- Về chính sách ưu đãi thuế xuất, nhập khẩu: cần có thêm các chính sách ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cho các đối tượng nhập khẩu với các mức như quy định trong Nghị định 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (theo Khoản 14 Điều 12, trong đó mở rộng thêm đối tượng được ưu đãi là dự án thuộc ngành Công nghiệp hạ nguồn) được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 3 - 5 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất; hoặc đầu tư vào địa bàn ưu đãi về thuế nhập khẩu (theo Khoản 18 Điều 12)… Song song với đó, cần xây dựng một hệ thống các chỉ tiêu để kiểm soát được tình trạng nhập khẩu thiết bị (nhập linh kiện rời rạc hoặc nhập nguyên bộ) mà không dựa vào các thông số do DN nhập khẩu báo cáo. Đồng thời, giảm mức thuế suất nhập khẩu linh kiện rời rạc của các DN trong ngành CNHT (hiện nay đang chịu thuế nhập khẩu 20%), để các DN có điều kiện hoạt động, sản xuất tốt hơn.
- Về chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng (GTGT): Đối với sản phẩm linh kiện sản xuất được các DN trong ngành Công nghiệp hạ nguồn chấp nhận và đặt hàng, Chính phủ nên hỗ trợ về thuế GTGT thấp hơn so với các DN sản xuất thông thường và có cơ chế miễn, giãn nộp thuế GTGT khi điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp khó khăn.
- Về tiền thuê đất, sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho phát triển công nghệ cao được hưởng các chính sách về thuế theo quy định của pháp luật về công nghệ cao (miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định tại Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện). Đồng thời, cần có sự phân biệt cụ thể hơn giữa DN CNHT với các đối tượng DN khác.
- Về chính sách ưu đãi tín dụng và bảo lãnh tín dụng:
+ Đối với tín dụng ngắn hạn: Áp dụng lãi suất ưu đãi cho các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong từng giai đoạn với mức cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa bằng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên do NHNN quy định cộng 2%/ năm cho các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực CNHT, cộng 3%/năm đối với DN lớn hoạt động trong lĩnh vực CNHT.
+ Đối với tín dụng trung và dài hạn: Được áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất trong khung lãi suất cho vay trung và dài hạn của ngân hàng áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ cho từng lĩnh vực cụ thể trong cùng thời kỳ. Khoản vay được hỗ trợ 50% hoặc 100% lãi suất vay trong thời gian từ 1 hoặc 2 năm đầu, được áp dụng theo thời gian vay thực tế của DN và chỉ áp dụng đối với các khoản vay trả nợ trước hạn hoặc đúng hạn tại thời điểm hỗ trợ lãi suất.
- Đẩy mạnh triển khai và thực hiện tốt chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước cho các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) (theo Nghị định số 75/2011/ NĐ-CP) và Quỹ Đầu tư phát triển địa phương (Quyết định số 03/QĐ-TTg). Đồng thời, tăng cường tính chủ động cho VDB trong việc quyết định thời hạn cho vay và thời hạn ân hạn khoản vay trong một số trường hợp. Khuyến khích các Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện bảo lãnh tín dụng cho các DN CNHT để DN này có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay thực hiện đổi mới công nghệ.
Thứ hai, đề xuất ưu đãi tài chính cho phát triển CNHT:
- Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Trên cơ sở Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển lựa chọn một số sản phẩm mà Việt Nam có ưu thế trong đầu tư phát triển để áp dụng ưu đãi như: Bổ sung thêm ưu đãi thuế TNDN về thuế suất, thời gian miễn, giảm thuế, dự án đầu tư mở rộng với các chính sách ưu đãi tương tự như đầu tư cho lĩnh vực công nghệ cao. Đây là chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT, đồng thời tạo sự gắn kết giữa các DN nội với các DN nước ngoài.
- Bổ sung ưu đãi vào các khu CNHT và Khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu: Cho phép các DN sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục CNHT nằm trong KCN tiếp tục được hưởng các ưu đãi như các DN trong khu kinh tế đang được hưởng (cao hơn mức của KCN theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN năm 2013)…
Thứ ba, hỗ trợ tài chính từ NSNN cho phát triển nguồn nhân lực trong ngành CNHT:
Nhà nước cần xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các DN, địa phương có kế hoạch đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao tay nghề, chất lượng lao động thông qua các ưu đãi về thuế TNDN (mức thuế suất thấp hơn trong thời gian thực hiện đào tạo) hoặc hỗ trợ ngân sách cho địa phương trong thực hiện đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của DN.
Thứ tư, ưu đãi tiền thuê đất và tiền sử dụng đất:
Nhà nước cần hỗ trợ các DN xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng thông qua miễn tiền thuê đất có thời hạn; hoặc khuyến khích các DN vào khu kinh tế để hưởng các ưu đãi; Nghiên cứu cơ chế tạo quỹ đất giao cho các dự án làm CNHT theo nhu cầu và chỉ thu tiền thuê đất khi DN có lãi; Áp dụng chính sách ưu đãi đối với tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với CNHT tương tự tại Khoản 1, Khoản 3 của Điều 19, Nghị định số 46/2014/ NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Thứ năm, ban hành chính sách thí điểm hỗ trợ cho ngành CNHT:
Chính phủ cần sớm ban hành Dự thảo Nghị định về phát triển CNHT thay thế cho Quyết định số 12/2001/ QĐ-TTg về thực hiện thí điểm chính sách tài chính ưu tiên phát triển CNHT, trong đó bao gồm các nội dung như:
(i) xác định rõ CNHT ưu tiên phát triển vào 4 ngành (công nghệ cao, điện tử, ô tô và cơ khí chế tạo).
(ii) thời gian thí điểm: nên thực hiện từ 2 - 3 năm do đặc điểm của ngành CNHT, chủ yếu là DNNVV, quy trình công nghệ hiện đại nhưng dễ lắp ráp, vận hành, không cần nhiều thời gian trong giai đoạn đầu tư ban đầu.
(iii) ưu đãi thuế: Thực hiện ưu đãi thuế TNDN cho DN CNHT như lĩnh vực khuyến khích đầu tư hoặc lĩnh vực công nghệ, đồng thời cho phép các DN CNHT được hưởng ưu đãi đầu tư mở rộng như các DN khác; Đối với chính sách thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu: trên cơ sở rà soát xác định các danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, Chính phủ cần có chính sách bảo hộ trên cơ sở phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, áp dụng mức thuế suất thấp nhất có thể đối với nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển mà Chính phủ lựa chọn.
(iv) ưu đãi tín dụng: Thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng cho lĩnh vực CNHT theo kênh của VDB và Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho các dự án trọng điểm của CNHT; Bổ sung vốn nhằm tăng quy mô bảo lãnh tín dụng cho các dự án CNHT thông qua VDB và các Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương…
Tóm lại, các chính sách ưu đãi về kinh tế nói chung và chính sách tài chính nói riêng là công cụ không thể thiếu nhằm hỗ trợ phát triển CNHT. Tuy nhiên, việc lựa chọn các chính sách tài chính cần phải được vận dụng linh hoạt tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội, nguồn lực tài chính của quốc gia; cần phải định hướng phát triển ngành CNHT một cách rõ ràng…
Tài liệu tham khảo:
1. TS. Vũ Nhữ Thăng, 2012, “Chính sách tài chính phát triển CNHT”, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ;
2. Tulus Tambunan, (2009), Development of small and medium enterprises in ASEAN countries;
3. TS. Hoàng Văn Châu, Chính sách phát triển CNHT của Việt Nam, NXB Thông tin và Truyền thông, 2010;
4. Nguyễn Thị Thu Huyền, 2010, “Liên kết giữa các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN nội địa trong phát triển CNHT Việt Nam - Một số vấn đề chính sách”, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ;
5. Tài liệu Hội thảo “Chính sách tài chính phát triển ngành CNHT”, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, 2011.
Chính sách tài chính cho ngành công nghiệp hỗ trợ
(Tài chính) Phát triển công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta, nhằm tạo ra sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển thì chính sách tài chính đòi hỏi phải thông thoáng, đặc biệt là ưu đãi về thuế.
Xem thêm