Chính sách tài chính luôn hướng tới mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu
Trước tình hình kinh tế khó khăn, không tránh khỏi áp lực về thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp vẫn khẳng định: “Trên tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu; thu, chi NSNN vẫn luôn đảm bảo theo chỉ tiêu đề ra”. Thứ trưởng thường trực Nguyễn Công Nghiệp đã dành cho báo giới cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa Thứ trưởng, theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, thu NSNN hiện đang đứng trước nguy cơ thâm hụt trầm trọng. Nhiều yếu tố giảm thu đang xuất hiện, làm cho khả năng mất cân đối thu chi NSNN cả năm trở thành thách thức lớn đối với nền kinh tế. Quan điểm của Thứ trưởng như thế nào về tình hình này?
Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp: Nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012 được thực hiện trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động bất lợi từ bên ngoài, cùng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn, tồn kho lớn, tín dụng tăng trưởng thấp… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động NSNN.
Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích đánh giá và dự báo các yếu tố tác động đến thu NS, Bộ Tài chính quyết tâm phấn đấu bằng mọi biện pháp thu NSNN đạt dự toán. Qua đó, đảm bảo cân đối chi và giữ mức bội chi không quá 4,8% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội.
Hiện Bộ Tài chính vẫn đang tích cực bám sát tình hình, chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN những tháng cuối năm 2012. Mặc dù vậy, để đạt mục tiêu thu NSNN như nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Tài chính, rất cần sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở cả trung ương và địa phương, sự đồng thuận của DN, người dân và đặc biệt là sự hỗ trợ đắc lực từ các cơ quan truyền thông.
PV: Có ý kiến cho rằng, chúng ta mới xây dựng chính sách thu, nhưng trong công tác quản lý thu, có phần thực hiện chưa nghiêm. Đánh giá này có đúng hay không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp: Thu NSNN chủ yếu phụ thuộc vào 3 yếu tố chính, gồm: tốc độ tăng trưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh, chính sách thu và hiệu quả hoạt động quản lý thu. Những năm qua, cùng với sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự phát triển tiềm lực tài chính của DN, dân cư, qua đó đã mở rộng cơ sở thu và tăng thu NS. Đồng thời, khi kinh tế khó khăn thì thu NS cũng chậm lại. Chính sách thu là một công cụ quan trọng của Nhà nước để duy trì ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, trong thời gian qua, Nhà nước đã điều chỉnh chính sách thu theo hướng giảm dần thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân... để khuyến khích đầu tư, sản xuất- kinh doanh và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, những tồn tại yếu kém của nền kinh tế trong nước cũng có phần ảnh hưởng tới việc thực thi hoạt động thu NS. Việc chấp hành pháp luật và thực hiện nghĩa vụ thuế nhà nước của một số DN và người dân chưa cao. Trên thực tế, tình trạng thất thu, nhất là các khoản thu từ tài nguyên, đất đai; tình trạng gian lận thương mại, trốn lậu thuế vẫn còn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Tài chính đã thông qua nhiều kênh lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của DN và người dân để có những điều chỉnh chính sách và công tác quản lý thu cho phù hợp; tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình thi hành pháp luật về thuế, phí; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt công tác thanh tra, giám sát hoạt động chấp hành pháp luật về thu NS; kiên quyết xử lý kịp thời, đúng pháp luật các trường hợp cố tình vi phạm nhằm đảm bảo trật tự và công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.
PV: Thưa Thứ trưởng, để đảm bảo nguồn thu bền vững, cần có kế hoạch nuôi dưỡng nguồn thu một cách hợp lý. Vậy, xin Thứ trưởng cho biết, ngành Tài chính đã thực hiện việc này như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp: Trong thời gian qua, chính sách động viên thu NSNN đã bám sát định hướng Chiến lược Tài chính giai đoạn 2001-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các chính sách thuế, phí, lệ phí đã từng bước điều chỉnh giảm về mặt thuế suất, công bằng hơn về đối tượng thực hiện, thể hiện rõ hơn chính sách khuyến khích đầu tư và ưu đãi. Trong những thời điểm kinh tế khó khăn, đặc biệt là giai đoạn từ 2008 đến nay, chính sách về miễn, giảm, giãn các khoản thu NSNN luôn được chọn là giải pháp hàng đầu của chính sách tài khoá, nhằm hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, thông qua đó nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu trong tương lai.
Trong năm 2012, ước tính có khoảng 260.580 lượt DN được hưởng các ưu đãi về chính sách thuế, trong đó: khoảng 190.280 lượt doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế GTGT; khoảng 70.300 DN được gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN. Tổng số tiền thuế và thuê đất được miễn, giảm, giãn trong năm 2012 ước khoảng 26.000 tỷ đồng; trong đó, số giãn thu chuyển nộp sang năm 2013 khoảng 4.500 tỷ đồng. Việc thực hiện các ưu đãi thuế đã tạo điều kiện giúp nhiều DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất - kinh doanh. Trong hai tháng 6 và tháng 7 đã có gần 2.000 DN quay trở lại hoạt động, cho thấy dấu hiệu đáng mừng về tác động từ những điều chỉnh chính sách của Chính phủ trong thời gian qua.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Tài chính đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Cải cách hệ thống thuế, làm cơ sở để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thuế theo hướng:
Một là, xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết, hợp lý của NSNN.
Hai là, hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí được sửa đổi bổ sung phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; góp phần chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia; khuyến khích thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; bảo hộ hợp lý, có chọn lọc, có thời hạn các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế.
Ba là, hệ thống chính sách thuế được xây dựng, hoàn thiện bảo đảm minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa (không kể thu từ dầu thô), đến năm 2015 đạt trên 70% tổng thu NSNN và đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu NSNN.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!