Ba điểm sáng của chính sách tài khóa 2014
Thứ nhất, chính sách thu ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định và đảm bảo an sinh xã hội. Điều này được thể hiện thông qua việc thực hiện: (i) Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo hướng tăng mức giảm trừ đối với cá nhân và người phụ thuộc (đối với thuế TNCN), giảm thuế suất (đối với thuế TNDN, thuế GTGT trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực nông, lâm, thủy, hải sản)…; (ii) Áp dụng miễn thuế khoán đối với thuế GTGT, thuế TNCN và miễn thuế TNDN năm 2014 đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân cung ứng suất ăn ca cho công nhân.
Cùng với việc áp dụng các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định và đảm bảo an sinh xã hội, chính sách thu NSNN còn được điều chỉnh nhằm thúc đẩy các DN, đặc biệt là các DN trong khu vực kinh tế nhà nước phải nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh và đồng thời để đảm bảo nguồn lực trong cân đối NSNN, tăng cường kỷluật tài khóa và bền vững ngân sách thông qua việc:
(i) Thu vào NSNN đối với cổ tức được chia năm 2013, 2014 phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật của các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Thu sử dụng tiền lãi dầu khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc, sử dụng tài liệu dầu khí năm 2013, 2014 (theo Nghị định 204/2013/NĐ-CP ngày 05/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện NSNN năm 2013, 2014);
(ii) Thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước (của công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước 1 thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn chuyển kê khai theo quý sang theo tháng theo Thông tư 177/2013/ TT-BTC ngày 29/11/2013 và Thông tư 24/2013/ TT-BTC ngày 01/3/2013);
(iii) Thu phạt an toàn giao thông tính vào cân đối NSNN từ 01/7/2013 (Thông tư 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính thuế);
(iv) Thực hiện biểu thuế suất thuế tài nguyên mới (theo Nghị quyết 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013);
(v) Thu thuế TNDN quý III/2013 được gia hạn theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ);…
Ngoài ra, việc rà soát, hoàn thiện chính sách thu NSNN cũng được chú trọng. Trong quý I/2014, nhiều chính sách thuế liên quan tới xuất khẩu, nhập khẩu, quy định về quản lý thu, nộp NSNN đối với một số nội dung, lĩnh vực đã được rà soát và hoàn thiện.
Thứ hai, trong quý I/2014, NSNN tập trung hỗ trợ gạo dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2014, bổ sung kinh phí cho địa phương thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên thực hiện cải cách tiền lương năm 2013. Ngoài ra, ngành Tài chính cũng tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý và sử dụng nguồn NSNN trong một số lĩnh vực, nội dung như hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện.
Thứ ba, chú trọng công tác huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển ngay từ đầu năm do trong năm 2014 hoạt động bù đắp bội chi là 224.000 tỷ đồng và phát hành trái phiếu chính phủ là 100.000 tỷ đồng.
Kết quả thu, chi NSNN quý I/2014
Qua 3 tháng triển khai thực hiện chính sách tài khóa (CSTK) năm 2014 đã cho thấy tác động tích cực đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô cũng như kết quả thu, chi NSNN quý I/2014. Cụ thể, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2014 ước đạt 4,96%, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ của 2 năm gần đây (tăng trưởng GDP quý I/2010 là 5,83%, quý I/2011 tăng 5,43%; quý I/2012 tăng 4,75%; quý I/2013 tăng 4,76%). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%, đóng góp 0,32% vào tăng trưởng quý I/2014; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, đóng góp 1,88%; khu vực dịch vụ tăng 5,95% và đóng góp 2,76%.
Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý I/2014 đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2013. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất lúa đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng 0,9 tạ/ha, sản lượng tăng 126.000 tấn. Trong lâm nghiệp, tổng diện tích rừng trồng tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản quý I/2014 cũng tăng 3% so với cùng kỳ 2013. Trong công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2014 tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2013 tăng 5%), giá trị sản xuất xây dựng tăng 3,4% so với cùng kỳ 2013. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý I/2014 cũng tăng 3,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 14,1%; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tăng 12,4%. Lãi suất tín dụng tiếp tục có xu hướng giảm (Từ ngày 18/3, sau quyết định điều chỉnh lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước ngày 17/3, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt hạ lãi suất huy động với mức giảm từ 0,2-0,45% tùy theo từng kỳ hạn); Lạm phát giảm (Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2014 giảm 0,44% so với tháng 2/2014, tăng 0,8% so tháng 12/2013 và tăng 4,39% so với tháng 3/2013); DN đăng ký thành lập mới tăng 16,9% về số DN và tăng 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013…
Tình hình trên cũng đã tác động tích cực tới kết quả thu, chi NSNN quý I/2014; cụ thể như sau:
Thứ nhất, tổng thu NSNN đạt khá cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ
Tổng thu NSNN trong quý I/2014 ước đạt 195.070 tỷ đồng, bằng 24,9% dự toán, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2013, đạt khá về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2013 đạt 20,6% dự toán, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2012) trên cả ba nguồn thu chính là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể:
Thu nội địa ước đạt 133.680 tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2013 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 16,3%). Một số khoản thu nội địa đạt bằng và cao hơn tiến độ dự toán như khoản thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (27,4%), thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài nhà nước (27,3%), thuế sử dụng đất nông nghiệp (25%), thuế thu nhập cá nhân (29,9%), và thu bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (27,7%)...
Ước tính có trên 60% địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 25%), so với cùng kỳ năm 2013, có 51/63 địa phương thu cao hơn, 12 địa phương thu thấp hơn. Thu từ dầu thô cũng đạt cao hơn so với tiến độ dự toán và so với cùng kỳ năm 2013 (thu từ dầu thô ước đạt 26.090 tỷ đồng, bằng 30,6% dự toán, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2013). Riêng thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu mặc dù đạt thấp so với tiến độ dự toán (ước đạt 34.550 tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán) nhưng so với cùng kỳ năm 2013 đã tăng 29%. Kết quả này đạt được chủ yếu do kim ngạch một số mặt hàng chịu thuế suất cao, trị giá lớn tăng mạnh so với cùng kỳ.
Thứ hai, trong quý I/2014 nguồn lực từ NSNN đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán đã được duyệt; chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ
Tổng chi NSNN quý I/2014 ước đạt 232.160 tỷ đồng, bằng 23,1% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 20,4% dự toán; chi trả nợ, viện trợ ước đạt 24,3% dự toán; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 24,1% dự toán. Nhìn chung, các nhiệm vụ chi ngân sách đã được đảm bảo nguồn để thực hiện theo đúng dự toán, đáp ứng các nhu cầu, nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội.
Trong quý I/2014, KBNN đã thực hiện kiểm soát chi đầu tư và chi thường xuyên thuộc dự toán năm 2014. Thông qua kiểm soát chi NSNN, KBNN đã phát hiện hơn 9.000 khoản chi thường xuyên chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; Kết quả chi trả nợ, viện trợ so với dự toán năm đạt cao hơn so với tổng chi là 1,2 điểm phần trăm và so với cùng kỳ 2013 cao hơn 1,92 điểm phần trăm.
Thứ ba, so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ và tốc độ tăng tổng thu cao hơn tổng chi nên bội chi NSNN cũng giảm mạnh cả về quy mô và tốc độ tăng
Nhờ có kết quả thu NSNN quý I/2014 đạt khá, chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm nên tỷlệ thu NSNN so GDP quý I/2014 đạt cao hơn so với cùng kỳ 2013 là 1,25 điểm phần trăm và tỷlệ chi NSNN so GDP quý I/2014 thấp hơn 1,26 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tốc độ tăng thu NSNN cũng đạt cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chi NSNN. Đặc biệt là kể từ năm 2011 đến 2013, tốc độ tăng thu NSNN và tốc độ tăng chi NSNN quý I có xu hướng giảm nhưng đến quý I/2014, tốc độ tăng thu NSNN đã cao hơn so với cùng kỳ 2013 trong khi tốc độ tăng chi NSNN tiếp tục xu hướng giảm.
Kết quả thu NSNN đạt khá đã làm cho quy mô bội chi NSNN thấp so với cùng kỳ 2013. Bội chi NSNN quý I/2014 so với dự toán đạt 16,5%, thấp hơn so với cùng kỳ 2013 là 14,7 điểm phần trăm (so với dự toán chưa điều chỉnh) và 9,3 điểm phần trăm (so với dự toán đã điều chỉnh). Tốc độ tăng bội chi NSNN quý I/2014 cũng đạt thấp hơn nhiều so với cùng kỳ của 2 năm trước đó.
Một số nhận xét
Thứ nhất, trong quý I/2014, những điều chỉnh trong CSTK mà đặc biệt là chính sách thu, chi NSNN một mặt đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định và đảm bảo an sinh xã hội. Mặt khác, một số điều chỉnh trong quản lý điều hành ngân sách cũng tác động làm tăng thu NSNN, đặc biệt là thu nội địa nhờ vào thực hiện các chính sách mới đã làm tăng thu NSNN hơn 6.000 tỷ đồng.
Những điều chỉnh trong điều hành CSTK làm tăng thu ngân sách quý I/2014 nêu trên sẽ đòi hỏi khu vực kinh tế nhà nước phải nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, các DN khai thác và sử dụng tài nguyên vào sản xuất kinh doanh sẽ phải sử dụng nguồn lực tài nguyên hiệu quả hơn, tăng cường việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật nói chung và kỷ luật tài khóa nói riêng… Điều này cho thấy xét về dài hạn, các quy định trong CSTK những tháng đầu năm 2014 có vai trò hỗ trợ và thúc đẩy các DN nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa, nhưng xét về ngắn hạn thì một số chính sách chỉ mang tính chất điều hành trong điều kiện ngân sách khó khăn. Do đó, kết quả thu ngân sách quý I/2014, nếu loại trừ những yếu tố làm tăng thu NSNN so với cùng kỳ các năm trước thì thu nội địa trong thu NSNN chỉ đạt khoảng 23,2% dự toán, đây là mức đạt thấp so với tiến độ dự toán và so với cùng kỳ 2013.
Mặt khác, vấn đề cần lưu ý là hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn thấp. Tỷ lệ thực hiện dự toán năm của một số khoản thu, chi còn thấp hơn tỷ lệ thực hiện chung (như thu thuế bảo vệ môi trường; thu từ kinh tế nhà nước; thu phí, lệ phí; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu…). Tỷ trọng trong tổng thu NSNN của thu xuất, nhập khẩu, thu từ dầu thô còn cao (chiếm trên 30%, trong đó thu từ dầu thô chiếm trên 13%, thu từ xuất nhập khẩu chiếm trên 17%), mà đây là những khoản thu không trực tiếp phản ánh hiệu quả của nền kinh tế.
Thứ hai, áp lực chi NSNN để hỗ trợ tổng cầu trong bối cảnh tổng cầu tăng thấp, cải thiện chậm, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) trong quý I/2014 tăng 5,1%, không cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm 2013 (+4,5%) và năm 2012 (+5,1%). Đầu tư tư nhân chưa cải thiện nhiều nếu căn cứ vào mức tăng vốn đầu tư khu vực tư nhân và mức tăng trưởng tín dụng trong quý I/2014 (tăng trưởng tín dụng quý I/2014 là 0,01% so với quý I/2013 là 1,17%). Trong khi đó, vốn đầu tư thuộc NSNN, vốn trái phiếu chính phủ quý I/2014 đạt thấp so với cùng kỳ 2013 lần lượt là 2,3% và 14,8%. Tiến độ thực hiện chi NSNN, đặc biệt là chi đầu tư phát triển so với dự toán đạt thấp và giảm 4,9% so với cùng kỳ 2013. Ngoài ra, tỷ lệ chi trả nợ, viện trợ hiện đã chiếm 12,8% tổng chi NSNN và chiếm 14,8% tổng thu NSNN, cho thấy việc vay mới đã phải dành một phần quan trọng để trả nợ cũ. Do đó, để tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thì cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư đối với nguồn NSNN, và nguồn trái phiếu chính phủ.
Thứ ba, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm thường khó khăn, chưa thể đầu tư trực tiếp thông qua tăng trưởng tín dụng và thực tế tăng trưởng tín dụng quý I/2014 đạt thấp, thì về tài khoá đã đẩy mạnh huy động trái phiếu chính phủ với khối lượng khá lớn để đầu tư (Tính đến 25/3/2014, đã thực hiện phát hành được 83.014 tỷ đồng trái phiếu chính phủ bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, bằng 28% nhiệm vụ huy động vốn trong nước năm 2014), việc huy động tương đối thuận lợi, khối lượng đặt thầu cao (tỷ lệ trúng thầu trong tháng 3/2014 đạt 100%); lãi suất trúng thầu có xu hướng giảm (nguyên nhân chủ yếu do thanh khoản của các nhà đầu tư, đặc biệt là các NHTM nên nguồn đầu tư cho trái phiếu chính phủ tăng) đã phần nào thể hiện sự phối hợp giữa CSTK và chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, do nguồn vốn huy động tập trung chủ yếu ở các ngân hàng thương mại nên cần có sự đánh giá và kế hoạch huy động hợp lý để tránh hiện tượng hệ thống ngân hàng không đẩy vốn tín dụng ra nền kinh tế thông qua kênh cho vay sản xuất kinh doanh. Tức là quá trình huy động cũng cần cân nhắc và điều chỉnh phù hợp trong từng thời kỳ nhằm tránh nguy cơ tạo ra hiệu ứng lấn át với việc vay vốn của khu vực tư nhân.
Thứ tư, mặc dù bội chi NSNN quý I/2014 ở mức thấp so với dự toán và cùng kỳ 2013, việc huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển thuận lợi nhưng cũng cần kiểm soát mức dư nợ công trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Đặc biệt là sử dụng hợp lý nguồn tăng thu ngân sách 2013 để giảm bội chi 2013 và phấn đấu tăng thu 2014 để giảm bội chi 2014. Chú trọng hiệu quả sử dụng vốn vay đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sớm hoàn thành các công trình và đưa vào hoạt động, vừa đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, vừa nhanh chóng thu hồi vốn.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2014). Báo cáo ngân sách hàng tháng;
2. Bộ Tài chính (2014). Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 trong lĩnh vực tài chính – NSNN quý I/2014;
3. Tổng cục Thống kê (2014). Báo cáo kinh tế - xã hội hàng tháng;
4. http://www.mof.gov.vn;
5. http://www.gso.gov.vn.
Chính sách tài khóa trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014
(Tài chính) Năm 2014 là năm thứ 4 của kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 5 năm (2011-2015). Do đó, kết quả thực hiện chính sách tài khóa năm 2014 có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 5 năm nói riêng và mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm nói chung.
Xem thêm