Chính sách thuế, phí, lệ phí được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao

Thùy Linh

Trong năm 2024, chính sách thuế, phí, lệ phí do Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) trình cấp có thẩm quyền ban hành được đánh giá kịp thời, chất lượng, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao. Nhiều chính sách tài chính như việc giảm, miễn, giãn thuế phí, lệ phí đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.

Đề xuất, xây dựng nhiều chính sách quan trọng

Chiều ngày 25/12, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trương Bá Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết, trong năm 2024, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển, Cục đã kịp thời đề xuất và trình các chính sách thuế, phí và lệ phí theo đúng kế hoạch. Những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng phải kể đến như: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, Quyết định số 88/QĐ-BTC ngày 16/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Quyết định số 2856/QĐ-BTC ngày 28/12/2023... Tổng cộng, trong năm 2024, Cục đã hoàn thành 13 đề án văn bản quy phạm pháp luật thuộc chương trình công tác của Chính phủ và Bộ Tài chính, cùng 32 đề án ngoài chương trình công tác nhằm xử lý các vấn đề phát sinh.

Về cơ chế chính sách về thuế, phí và lệ phí phát sinh trong quá trình điều hành của Bộ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tính đến hết ngày 24/12/2024, Cục đã hoàn thành 72 văn bản giao nhiệm vụ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; hơn 166 công văn báo cáo và đề xuất chính sách, cũng như 225 văn bản trao đổi ý kiến với các bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, Cục đã xử lý hơn 3.350 văn bản tham gia ý kiến liên quan đến các dự án luật và chính sách thuế, phí, lệ phí trên nhiều lĩnh vực.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, Cục đã được bổ sung thêm chức năng thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính trong thực hiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về chính sách thuế, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật. Cục đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho 141 công chức, trong đó có 34 công chức của Cục tham gia và được cấp chứng chỉ.

Đáng chú ý, trong năm 2024, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí đã hoàn thành tốt, kịp thời việc chuẩn bị các nội dung, báo cáo phục vụ Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ tại các cuộc họp với các tổ chức quốc tế, với hiệp hội doanh nghiệp tại các diễn đàn, đối thoại chính sách; qua đó đóng góp tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng phát biểu tại Hội nghị.
Cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hưng - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết, năm 2024, Cục đã tham mưu đầy đủ với Lãnh đạo Bộ Tài chính, đề xuất giải quyết công việc đảm bảo yêu cầu về thời gian cũng như chất lượng đặt ra nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính sách thuế, phí, lệ phí trình cấp có thẩm quyền ban hành trong năm 2024 được đánh giá kịp thời, chất lượng, hiệu quả; được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.

Các cơ chế, chính sách do Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí chủ trì soạn thảo trình các cấp có thẩm quyền ban hành đã đảm bảo góp phần ổn định thu ngân sách nhà nước, đáp ứng các cam kết hội nhập quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển, khích lệ tinh thần và tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời tạo ra tác động lan tỏa lớn đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Tham gia xây dựng nhiều chính sách quan trọng

Năm 2025, trong bối cảnh kinh tế và xu hướng điều chỉnh chính sách của các nước trong khu vực và trên thế giới, việc tiếp tục bám sát các mục tiêu và giải pháp đã đặt ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, Văn kiện Đại hội Đảng 13 về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, cũng như Phương hướng, nhiệm vụ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 là điều cần thiết.

Chính vì vậy, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí xác định rõ nhiệm vụ phải vừa sẵn sàng cho các yêu cầu phát sinh, vừa tiếp tục tập trung đánh giá quá trình thực hiện các luật thuế, phí và lệ phí. Đồng thời, Cục sẽ tiếp tục đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Việc đánh giá các giải pháp thuế, phí và lệ phí đã ban hành thời gian qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi kinh tế - xã hội sẽ được theo sát, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp để các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong năm 2025, các đề án văn bản quy phạm pháp luật cần được triển khai bao gồm các dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội như: Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật thuế Thu nhập cá nhân (thay thế). Ngoài ra, Cục sẽ lập đề án đề nghị xây dựng Luật thuế Bảo vệ môi trường (sửa đổi); xây dựnh dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng cho năm 2026; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo Hội nghị.  
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo Hội nghị.  

Bên cạnh đó, các đề án thuộc thẩm quyền Chính phủ bao gồm việc sửa đổi, bổ sung Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; các nghị định quy định chi tiết về thuế giá trị gia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp… sẽ được Cục tập trung thực hiện.

Đối với các đề án thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính, các thông tư hướng dẫn thi hành về thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được xây dựng, cùng với 10 thông tư quy định về phí và lệ phí.

Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chính sách thuế, phí và lệ phí cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025. Theo đó, các kế hoạch kiểm tra sẽ tập trung vào việc thực hiện chính sách thuế suất nhập khẩu ưu đãi, hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các dự án đầu tư, chính sách ưu đãi thuế cho hoạt động chế biến nông sản và thủy sản, cũng như tình hình thực hiện các chính sách phí và lệ phí.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2024, dù là một năm đầy biến động, song ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều công việc triển khai đã đạt được kết quả vượt mong đợi, đặc biệt là nhiệm vụ đảm bảo thu ngân sách và duy trì các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng với đó, dưới sự tham mưu tích cực của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, các chính sách tài chính như việc giảm, miễn, giãn thuế phí, lệ phí đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Trong năm qua, Cục đã đảm nhiệm khối lượng công việc lớn liên quan đến việc xây dựng các dự án luật; các nghị định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các thông tư hướng dẫn. Cục đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Bước sang năm 2025, trong bối cảnh Bộ Tài chính đang rà soát, tinh gọn bộ máy và thực hiện hợp nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiệm vụ của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí càng trở nên nặng nề hơn.

Để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan để xây dựng các cơ chế, chính sách; rà soát chức năng nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, thực hiện phân cấp, phân quyền cụ thể và áp dụng chuyển đổi số trong triển khai nhiệm vụ.

Thứ trưởng cũng yêu cầu, với việc xây dựng và thực hiện lộ trình các dự án Luật, Cục cần chủ động đề xuất, xây dựng trình tự công việc một cách khoa học; gắn với tư duy dám đột phá, đổi mới để phù hợp với bối cảnh mới.