Chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Theo TCCS

Những biện pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần tích cực tác động phục hồi nhanh nền kinh tế nước ta.

Là một nước có độ mở nền kinh tế khá cao, lại trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, nên điều hành chính sách tiền tệ trong điều kiện như vậy là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Năm 2009 khép lại với nhiều sự kiện, kinh tế thế giới diễn biến khó lường do tác động phức tạp của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, cũng là năm thứ hai hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong hai mươi lăm năm đổi mới. Với chủ trương, giải pháp đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng góp phần vào thành công chung của nền kinh tế trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế và ứng phó với tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Đồng thời kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng trưởng kinh tế tuy chậm lại (5,32%, giảm so với 6,23% năm 2008) nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế thế giới và nhiều nước lâm vào suy thoái; lạm phát sau khi tăng cao trên 19% trong năm 2008 đã giảm xuống 6,52%.

Bước sang năm 2010, kinh tế thế giới phục hồi ở hầu hết các khu vực nhưng không đồng đều và quá trình phục hồi vẫn khá mong manh, lạm phát tại nhiều nước và giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng. Trong bối cảnh kinh tế phục hồi và áp lực lạm phát tăng, hầu hết các nước chấm dứt hoặc rút dần các biện pháp kích thích kinh tế, trong đó một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại để kiểm soát lạm phát. Thị trường tài chính thế giới biến động phức tạp do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và nguy cơ xảy ra ở một số nước khác ở châu Âu. Do độ mở cửa kinh tế lớn hơn nhiều so với các nước trên thế giới và trong khu vực, nên nền kinh tế Việt Nam khó tránh khỏi những tác động từ môi trường kinh tế thế giới. Để đạt được mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), chính sách tiền tệ đã được điều hành một cách chủ động, linh hoạt, thận trọng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính.

Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm 2010

Bám sát Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15-1-2010 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6-4-2010 về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010 của Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt và thận trọng nhằm kiểm soát gia tăng tiền tệ ở mức hợp lý, lãi suất và tỷ giá biến động phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, bảo đảm khả năng an toàn thanh toán hệ thống và hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp điều hành gồm:

Một là, điều hành linh hoạt công cụ lãi suất phù hợp với quy định của pháp luật, mục tiêu kinh tế vĩ mô và điều kiện của thị trường, kết hợp với các công cụ khác nhằm điều tiết lãi suất thị trường giảm dần, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) mở rộng huy động vốn và cho vay đối với nền kinh tế: Giữ ổn định lãi suất cơ bản 8%/năm, lãi suất tái cấp vốn 8%/năm, lãi suất tái chiết khấu 6%/năm; triển khai cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung, dài hạn từ tháng 2-2010 và các khoản vay ngắn hạn từ tháng 4-2010; quy định mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của tổ chức kinh tế tại TCTD là 1%/năm, bảo đảm chênh lệch lãi suất đồng Việt Nam và ngoại tệ ở mức hợp lý để không gây áp lực lên tỷ giá.

Hai là, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 7% xuống 4% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, từ 3% xuống 2% đối với kỳ hạn trên 12 tháng; điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, chủ yếu là chào mua giấy tờ có giá với kỳ hạn 7, 14 và 28 ngày, thực hiện theo phương thức đấu thầu khối lượng, công bố lãi suất, lãi suất chào mua kỳ hạn 7 ngày được điều chỉnh giảm từ 7,8% - 7,5% - 7%/năm, kỳ hạn 14 ngày được điều chỉnh giảm từ 8% - 7,5%/năm và 28 ngày là 8%/năm; thực hiện cho vay tái cấp vốn và hoán đổi ngoại tệ với các NHTM với kỳ hạn 28 ngày và 90 ngày, lãi suất hoán đổi ngoại tệ kỳ hạn 28 ngày được điều chỉnh giảm từ 8,5% - 8% - 7,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 90 ngày được điều chỉnh giảm từ 8,5% - 8%/năm, bảo đảm khả năng thanh toán, an toàn hệ thống, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và phát tín hiệu giảm lãi suất thị trường ở mức hợp lý.

Ba là, điều chỉnh tỷ giá, thực hiện các giải pháp nhằm từng bước tạo sự chuyển biến tích cực của thị trường ngoại tệ: Từ ngày 11-02, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng lên là 18.544 VND/USD, theo đó tỷ giá tối đa mua, bán của NHTM là 19.100 VND/USD (tăng 3,36%); đồng thời triển khai các biện pháp nhằm khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, góp phần giải tỏa tâm lý găm giữ ngoại tệ.

Bốn là, tiếp tục triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản cho vay trung, dài hạn để thực hiện đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh và cho vay để mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.

Năm là, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường vàng, chỉ đạo quyết liệt việc đóng các sàn giao dịch vàng, cho phép một số công ty kinh doanh vàng, bạc nhập khẩu vàng chế tác thành vàng miếng để bán ra thị trường, chỉ đạo các TCTD giảm lãi suất huy động tiền gửi bằng vàng tạo tâm lý ổn định trên thị trường.

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm bảo đảm ổn định và an toàn hệ thống. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, đưa thông tin đầy đủ, kịp thời về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng được triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, coi đây là yếu tố quan trọng trong điềuhành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2010, tín dụng ước tăng 11,35%, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 11,5%, phù hợp với tình hình thực tế khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp, ODA, và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đang có sự cải thiện, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt mức 6,16%, tạo tiền đề quan trọng để cả năm đạt 6,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát được kiềm chế ở mức 4,78% so với tháng 12-2009, góp phần khả thi đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 7% - 8% trong năm 2010. Mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động giảm 1%/năm; lãi suất cho vay giảm 1%/năm. Hiện nay lãi suất huy động niêm yết phổ biến 11% - 11,2%/năm, lãi suất huy động vốn bình quân 10,6%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ của các NHTM nhà nước 12% - 12,5%/năm, các NHTM cổ phần 13%/năm; đối với các đối tượng khác, lãi suất cho vay 14% - 16%/năm. Lãi suất cho vay bình quân 6 tháng đầu năm nay là 13,4%/năm, xấp xỉ cùng kỳ năm 2007 (13,04%/năm). Trong thời gian tới, các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện từng bước lộ trình giảm lãi suất huy động VND về mức 10%/năm theo chủ trương của Chính phủ. Hoạt động của các TCTD về cơ bản an toàn, bảo đảm khả năng thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cho phép dưới 3%. Thị trường ngoại hối được cải thiện rõ rệt theo xu hướng ổn định về thanh khoản và tỷ giá; từ cuối tháng 3, NHNN không phải bán ngoại tệ để can thiệp trên thị trường ngoại hối và đã mua được ngoại tệ từ các TCTD, tâm lý của các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và dân cư có biểu hiện tích cực, giảm lo ngại về tình hình kinh tế vĩ mô.

Những biện pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã góp phần tích cực tác động phục hồi nhanh nền kinh tế nước ta. Trong 6 tháng đầu năm 2010, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính về cơ bản ổn định, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đều diễn biến khả quan: tăng trưởng kinh tế đạt 6,16% cao hơn nhiều so với mức tăng 3,87% của cùng kỳ 2009; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 26,7%; xuất khẩu tăng 17%; nhập siêu chiếm 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư phát triển khá nhờ vốn FDI, ODA và đầu tư gián tiếp có sự cải thiện; CPI tăng 4,78% so với cuối năm 2009. Tuy nhiên, nhập siêu và lạm phát vẫn có sức ép tăng khi nền kinh tế hồi phục. Việc giảm lãi suất thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ gặp một số khó khăn do mặt bằng lãi suất hiện nay chịu tác động của cả nhân tố làm tăng và giảm đan xen nhau, lãi suất huy động đang giảm dần phù hợp với điều kiện thực tế của các tổ chức tín dụng.

Những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm 2010

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới 6 tháng cuối năm 2010 tiếp tục xu hướng phục hồi. Trong báo cáo gần đây nhất, IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2010 lên mức 4,6% - cao nhất từ năm 2007 (các dự báo trước đó là 3,9% - 4,2%); các quốc gia mới nổi bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ sẽ dẫn đầu trong sự phục hồi của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới sẽ không đồng đều giữa các khu vực và các lĩnh vực kinh tế. Kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức tiềm ẩn như tỷ lệ nợ công cao chưa từng có, thâm hụt ngân sách, nguy cơ lạm phát, giá nguyên liệu có xu hướng tăng cao, rủi ro bong bóng giá tài sản và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao kỷ lục ở nhiều nước; đồng thời, việc chính phủ nhiều nước thực hiện thắt chặt chi tiêu nhằm giảm thâm hụt ngân sách sẽ gây ra những cản trở nhất định cho quá trình phục hồi kinh tế thế giới.

Bối cảnh kinh tế thế giới nêu trên sẽ tạo ra những áp lực đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô trong nước, đặc biệt là việc kiểm soát lạm phát và cải thiện tình trạng nhập siêu, nhưng đồng thời cũng tạo những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nước ta nhờ sự cải thiện của các dòng vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, cùng với sự phát triển của thị trường nội địa, sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP. Kinh tế trong nước dự kiến sẽ tiếp tục đà phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2010, khả năng đạt mức tăng trưởng như mục tiêu Quốc hội đặt ra (6,5%) cho cả năm 2010. Các tổ chức tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2010 ở mức 6,5% (WB dự báo 6,5%; ADB 6,5%; IMF 6,5%). Lạm phát Việt Nam năm 2010 theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ ở mức 7% - 8%, IMF dự báo ở mức 12,5%, ADB dự báo 10%.

Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06-4-2010 của Chính phủ, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát quay trở lại, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%, theo đó kiểm soát tổng phương tiện thanh toán khoảng 20%, tín dụng khoảng 25%. Chủ động áp dụng các biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng và năng lực tài chính của các TCTD.

Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện thực tế của thị trường tài chính, tiền tệ và nền kinh tế. Sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất để giảm dần mặt bằng lãi suất thị trường.

Chỉ đạo, hướng dẫn các NHTM thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả theo Nghị quyết của Quốc hội.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các TCTD; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đánh giá thực trạng hoạt động của từng TCTD và của toàn bộ hệ thống các TCTD.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thị trường tiền tệ và thị trường vàng để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời.

Để ổn định kinh tế vĩ mô đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ phía các bộ, ngành trong quản lý và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, NHNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành thực hiện các biện pháp kiểm soát nhập siêu, tránh tạo áp lực tới thị trường ngoại hối trong những tháng cuối năm; phát triển thị trường vốn, ban hành các cơ chế để doanh nghiệp có khả năng huy động vốn trung, dài hạn trực tiếp từ thị trường để đầu tư, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng; theo dõi sát diễn biến kinh tế, tài chính quốc tế, đặc biệt là khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán, bất động sản, lao động để có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tài chính, không để tăng trưởng quá nóng, nhất là đầu cơ, lũng đoạn thị trường. Các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện việc thông tin về tiền tệ và hoạt động ngân hàng ở mức độ phù hợp và bảo đảm chính xác về thông tin để công chúng hiểu đúng tình hình và quy định của pháp luật, tránh những hiệu ứng tâm lý không thuận lợi cho hoạt động ngân hàng và áp lực về cân đối nguồn vốn cho vay đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Với những kết quả đã đạt được trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2010, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, có thể tin rằng trong 6 tháng cuối năm, hệ thống Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2010./.

Nguyễn Văn Giàu

Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam