Từ chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất

Để tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với hộ sản xuất nói riêng và nông nghiệp, nông thôn nói chung, ngày 12/4/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định 41/2010/ NĐ-CP thay thế cho Quyết định 67/1999/QĐ-TTg, là một bước phát triển mới trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (Khóa X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Khác với Quyết định 67/1999/QĐ-TTg, Nghị định 41/2010/NĐ-CP mở rộng phạm vi cho tất cả các tổ chức tín dụng cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay, đầu tư vào lĩnh vực này nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần từng bước nâng cao đời sống người dân.

Tiếp đến, ngày 14/6/2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 14/2010/TT-NHNN, hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định 41/2010/ NĐ-CP. Theo đó, các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trên địa bàn nông thôn, hợp tác xã, chủ trang trại được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản để thực hiện phương án hoặc dự án sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo các mức như sau: (i) Tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; (ii) Tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; (iii) Tối đa đến 500 triệu đồng đối với các hợp tác xã, chủ trang trại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thực tế triển khai tại Agribank

Thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn giữ vai trò đầu tiên trong việc triển khai giải ngân nguồn vốn đến với hộ nông dân. Theo đó, trong thời gian qua Ngân hàng đã triển khai kịp thời các chính sách nói trên và đạt được những kết quả khả quan. Qua Hình 1 có thể thấy, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng đều qua từng năm (từ năm 2009 - 2013).

Thực tế cho thấy, hoạt động cho vay của Agribank gặp rất nhiều khó khăn, do lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay biến động liên tục, cộng thêm việc thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát của NHNN như hạn chế vay USD, khống chế mức cho vay... Điều này khiến Agribank có những lúc phải tạm ngừng cấp tín dụng và chỉ thực hiện cho vay đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp với hạn mức cho vay dưới 30 triệu đồng.

Chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất: những vấn đề đặt ra - Ảnh 1

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu ứng tích cực, việc mở rộng vốn tín dụng của Agribank đối với các hộ sản xuất hiện nay đang gặp phải những khó khăn, hạn chế.

Một là, môi trường cạnh tranh hoạt động tín dụng ngân hàng cũng như mục tiêu nâng cao chất lượng cho vay vốn hộ sản xuất chưa thực sự sôi động. Tại khu vực nông thôn, hoạt động tín dụng diễn ra chủ yếu là Agribank. Nhiều người dân, hộ sản xuất vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay theo nhu cầu, với mức lãi suất hợp lý.

Trong khi đó, hoạt động tín dụng của Ngân hàng chưa thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng, chất lượng tín dụng chưa cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro và tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân có nhiều nhưng cơ bản nhất vẫn là do các doanh nghiệp tồn kho lớn, nhiều mặt hàng khó tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ...

Hai là, những yếu tố tiềm ẩn trong sản xuất của các hộ gia đình như rủi ro thị trường, rủi ro mùa màng, rủi ro sản xuất bởi thời tiết khí hậu, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra với các sản phẩm chủ lực. Trong khi đó, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa tạo nền tảng an toàn mở rộng tín dụng cho hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn một cách có hiệu quả và đáp ứng nhu cầu vốn của hộ sản xuất.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ nông dân phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, ngập lũ, nước mặn dâng cao, dịch bệnh, cơ sở thu mua và chế biến... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như khả năng trả nợ của nông dân. Điều này dẫn đến hiệu quả tín dụng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế hạn chế...

Theo Quyết định 50/2010/QĐ-TTg, thì các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội mới được xem xét xóa nợ. Đối tượng này cũng được hưởng chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm thiên tai, mùa màng... Trong khi đó, nguồn vốn xử lý rủi ro tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn (trong trường hợp do nguyên nhân khách quan) trong thực tế vẫn do các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung, chủ lực là Agribank nói riêng, tự cân đối.

Ba là, quy hoạch tại nhiều địa phương nói chung và phát triển các khu công nghiệp nói riêng thiếu hiệu quả, tỷ lệ cho thuê đất, thuê mặt bằng trong nhiều khu công nghiệp đạt tỷ lệ thấp. Nhìn chung các địa phương chưa có những quy hoạch ổn định, khoa học, chưa có những biện pháp cụ thể tạo tiền để để mở rộng vốn tín dụng ngân hàng đến các thành phần kinh tế, trong đó có hộ sản xuất ở nông thôn.

Bốn là, mối liên kết giữa 5 nhà (người sản xuất; ngân hàng cho vay vốn; DN thu mua, chế biến và xuất khẩu hay tiêu thụ nông sản, thủy sản; DN cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y hay thuốc bảo vệ thực vật; nhà khoa học) chưa chặt chẽ. Đồng thời, vấn đề mấu chốt khác là tiêu thụ, đầu ra của người sản xuất thiếu ổn định, do không có sự tham gia của người thu mua, chế biến...

Năm là, sự phối hợp giữa ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội còn chưa chặt chẽ. Việc tuyên truyền, phổ biến nội dung hoạt động thông qua sinh hoạt của các tổ vay vốn của các tổ chức còn đơn điệu, chưa gắn kết công tác đầu tư vốn với công tác phổ biến kinh nghiệm sản xuất; Hỗ trợ công nghệ kỹ thuật, công tác khuyến nông, khuyến ngư và tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ.

Sáu là, cấp tín dụng bao gồm các nghiệp vụ cho vay, bảo lãnh ngân hàng, cho thuê tài chính, chiết khấu và các nghiệp vụ khác do Thống đốc NHNN quy định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có nghiệp vụ quy định còn sơ lược như: Nghiệp vụ chiết khấu, nghiệp vụ cho thuê tài chính. Mở rộng các nghiệp vụ này cũng đồng nghĩa với việc tạo thêm các nguồn vốn trung, dài hạn và kênh dẫn vốn để đầu tư cho phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho các TCTD tham gia vào thị trường mở, đẩy nhanh sự hình thành và phát triển của thị trường vốn.

Bảy là, những bất cập về thực hiện cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP. Theo quy định của Nghị định này, nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm: Vốn của ngân hàng huy động, vốn ngân sách nhà nước, vốn vay của các tổ chức tài chính quốc tế và nước ngoài, nguồn vốn bổ sung hàng năm giao cho Agribank... Tuy nhiên, vốn bổ sung hàng năm giao cho Agribank không nhiều, gây khó khăn cho đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Nhiều địa phương hiện vẫn thu lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với khoản vay có đảm bảo bằng tài sản khi NHTM cho vay vốn các đối tượng trong khi theo quy định của Nghị định 41/2010/ NĐ-CP thì không được thu phí.

Quy định này không phù hợp với thực tiễn vùng nông thôn, nhất là trong điều kiện nhiều nơi chuyển lên đô thị nhưng trong các phường vẫn có đất nông nghiệp, vẫn có nhiều hộ sản xuất nông nghiệp.

- Về cơ chế xử lý rủi ro: Theo Nghị định 41/2010/ NĐ-CP quy định Nhà nước có chính sách xử lý nợ vay cho người vay và cho ngân hàng khi gặp rủi ro. Trong thực tế, rủi ro vốn tín dụng đầu tư cho kinh tế hộ gia đình không chỉ từ thiên tai, dịch bệnh mà còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác như giá bán sản phẩm, việc tổ chức tiêu thụ… Do đó, cần có cơ chế thực hiện bảo hiểm nông nghiệp để bảo đảm khả năng trả nợ của người vay với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Những bất cập khác trong phối hợp thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ (Điều 10); bảo hiểm (Điều 13); quy hoạch (Điều 18)... cũng là những vướng mắc trong việc chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng cho hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Theo quy định của Nghị định 41/2010/NĐ-CP thì TCTD thực hiện cho vay không cần đảm bảo tiền vay bằng tài sản đối với một số hạn mức vay cụ thể đối với hộ nông dân, hợp tác xã... Tuy nhiên, các hộ nông dân, chủ trang trại có nhu cầu vay vốn lớn trên mức theo quy định của Nghị định 41/2010/NĐ-CP, do chưa được cấp giấy chứng nhận trang trại, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất canh tác, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở.

- Việc nhận thế chấp tài sản là vườn cây lâu năm (vườn cà phê, cây ăn quả…), ao hồ nuôi trồng thủy sản, đồng muối, giá trị rất cao nhưng do các địa phương chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nên nếu đưa vào thế chấp thì cơ quan công chứng không chứng nhận...

Tám là, những bất cập đối với cho vay các hộ gia đình đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ theo Quyết định 1787/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề lớn nhất hiện nay khiến ngư dân khó tiếp cận vốn vay theo chương trình này liên quan đến tài sản thế chấp. NHNN hướng dẫn Agribank về nguyên tắc thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại, nên để bảo đảm tiền vay, ngoài việc thế chấp con tàu là tài sản hình thành từ vốn vay chủ tàu còn phải bổ sung thêm các tài sản khác.

Chín là, một số nguyên nhân khác:

- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất canh tác, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở khu vực nông thôn đạt thấp chưa đáp ứng được thủ tục và điều kiện vay vốn, ảnh hưởng tới việc vay vốn có tài sản bảo đảm tiền vay.

- Việc đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thường xuyên gặp những rủi ro bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn. Khoản vay nhỏ không có tài sản thế chấp, do vậy khi xảy ra rủi ro việc xử lý, thu hồi nợ khó khăn.

- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với đất nuôi trồng thủy sản, mặt nước ở nhiều địa phương chưa được tiến hành và cũng không có cơ sở tính toán giá trị quyền sử dụng nên đối với các hộ sản xuất trong vùng nuôi trồng thủy sản tập trung không có cơ sở để vay vốn, dù hiệu quả sản xuất tương đối cao.

- Vốn ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thấp và giảm dần, lại phân tán, không tập trung cho các vùng trọng điểm và các công trình trọng điểm sản xuất hàng hóa. Tỷ lệ vốn đầu tư cho khoa học, kỹ thuật phục vụ nông nghiệp còn thấp. Vốn đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp và nông thôn chiếm tỷ lệ thấp, lại không tập trung vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn do chưa có cơ chế thu hút, ưu đãi đầu tư hợp lý.

Trong khi đó, vẫn còn những rào cản từ chính sách kinh tế vĩ mô đối với kinh tế hộ nông nghiệp. Thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định đối với các mặt hàng nông sản là một trong những nguyên nhân khiến cho các chủ thể sản xuất không mạnh dạn mở rộng đầu tư kể cả về quy mô và cả việc chuyển đổi cơ cấu.

Mười là, những nguyên nhân từ phía khách hàng hộ sản xuất:

Trình độ văn hóa, nhận thức pháp luật, khả năng sản xuất, quản lý, nắm bắt thông tin thị trường của hộ sản xuất còn nhiều hạn chế. Trình độ văn hóa của người dân nông thôn còn ở mức thấp.

Người dân chưa có thói quen giao dịch với ngân hàng. Tập quán tích lũy bằng vàng và thói quen sử dụng tiền mặt làm hoạt động ngân hàng ở khu vực nông thôn chênh lệch rất lớn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Việc triển khai các dịch vụ ngân hàng ở khu vực nông thôn rất ít hiệu quả do yêu cầu thấp, chi phí triển khai cao.

Hộ nông dân thường không có tài sản lớn, hoặc nếu có thì cũng không đủ cơ sở pháp lý để nhận tài sản bảo đảm. Việc xử lý quyền sử dụng đất nhất là đất nông nghiệp để thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật, có giá trị thấp, lại không được sự ủng hộ tích cực của chính quyền địa phương và các ngành chức năng.

Chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất: những vấn đề đặt ra

ThS. NGUYỄN VĂN THANH - Vụ Ngân sách Nhà nước - Bộ Tài chính

(Tài chính) Thời gian qua, những chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất nói riêng và nông nghiệp, nông thôn nói chung đã phần nào đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các hộ sản xuất ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trong hoạt động cho vay tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức, cần có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng tín dụng đối với hộ sản xuất trong thời gian tới.

Xem thêm

Video nổi bật