Chính sách tỷ giá và những tác động
Chính sách tỷ giá bao gồm 2 nội dung chính là chế độ tỷ giá và điều hành chính sách tỷ giá.
Thứ nhất, về chế độ tỷ giá: Với chế độ tỷ giá thả nổi có sự điều tiết của Nhà nước, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt theo quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường dưới sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Chế độ tỷ giá này được đa số quốc gia lựa chọn trong đó có Việt Nam. Theo cơ chế này, hàng ngày Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng ngày hôm trước làm cơ sở để các ngân hàng thương mại (NHTM) xác định tỷ giá giao dịch trong ngày xoay quanh biên độ do NHNN công bố trong từng thời kỳ.
Như vậy, chế độ tỷ giá này sẽ có sự can thiệp của NHNN nhằm hạn chế những biến động mạnh của tỷ giá hối đoái như quy định biên độ giao dịch giữa đồng Việt Nam và USD, duy trì tỷ giá USD ở mức mục tiêu nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra đối với các hoạt động kinh doanh quốc tế. Chế độ tỷ giá này vừa đảm bảo ổn định tỷ giá, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, đảm bảo được tính linh hoạt và tiên liệu được.
Thứ hai, về điều hành chính sách tỷ giá: Chính sách tỷ giá là một trong những chính sách kinh tế có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ xuất khẩu - một cấu thành quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian qua, tăng trưởng xuất khẩu ở các DN Việt Nam liên tục tăng trưởng tốt, đạt 114,6 tỷ USD năm 2012, tăng 18,3% so với năm 2011, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, giúp tạo công ăn việc làm, mở rộng sản xuất, tăng thu ngoại tệ, giúp cải thiện cán cân thanh toán, đồng thời khai thác được lợi thế so sánh, sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, cơ chế truyền dẫn của chính sách tỷ giá tác động ngược chiều giữa các DN xuất khẩu và DN nhập khẩu. Trường hợp tỷ giá tăng sẽ có tích cực đối với tăng năng lực cạnh tranh cho DN xuất khẩu do lợi thế cạnh tranh về giá và bảo hộ mặt hàng tiêu dùng sản xuất trong nước thì ngược lại làm tăng chi phí đối với các DN phải nhập khẩu các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thậm chí, gây bất lợi cho ngay cả các DN xuất khẩu nếu các DN này phải nhập khẩu các nguyên vật liệu sản xuất cho hàng xuất khẩu của mình.
Ngoài ra, tỷ giá cao còn làm gia tăng giá trị các khoản nợ đối với các DN có khoản vay nợ nước ngoài, kể cả các khoản nợ công của Chính phủ hiện đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây (chiếm 42,2% trong tổng nợ công năm 2012). Như vậy, với nền kinh tế Việt Nam phát triển theo mô hình định hướng xuất khẩu trong khi nhập siêu các yếu tố đầu vào có xu hướng tăng như năm năm 2011 là 105,8 tỷ USD tăng 24,7% so với năm 2010, năm 2012 là 114,3 tỷ USD tăng 7,1% so với năm 2011 thì việc lựa chọn chính sách tỷ giá đảm bảo tính đa mục tiêu là khó có thể thực hiện được. Do vậy, yêu cầu trong chính sách tỷ giá buộc phải có lựa chọn.
Trên thực tế, mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân khoảng 18%/năm đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng cũng như đảm bảo các cân đối lớn trong nền kinh tế đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Do đó, chính sách tỷ giá hiện tại vẫn cần hướng tới mục tiêu khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước có thể sản xuất được nhằm cải thiện cán cân thương mại và cán cân thanh toán góp phần tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu từ NHNN thì giai đoạn từ năm 2008 đến nay, NHNN đã điều hành chính sách tỷ giá theo hướng giảm giá đồng Việt Nam ở mức vừa phải đã có tác động làm giá bán hàng xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới cạnh tranh hơn.
Một số vấn đề đặt ra
Việc giảm giá VND nếu tiếp tục diễn ra cũng nên tính đến những rủi ro do chính biện pháp này mang lại, đó là:
Giảm giá đồng Việt Nam sẽ đẩy lạm phát trong nước lên cao. Theo các tính toán, nếu đồng VND bị mất giá 1% so với USD sẽ làm giảm giá xuất khẩu khoảng 0,21% nhưng lại tăng giá nhập khẩu 0,49%.
Tỷ giá biến động tác động đến tình trạng đô la hóa của Việt Nam, dẫn tới chức năng phương tiện thanh toán và bảo toàn giá trị của VND bị xói mòn.
Gây áp lực trả nợ đối với các khoản nợ nước ngoài của cả khu vực DN và khu vực công vì hiện nay vay nợ với 3 đồng tiền chủ chốt là USD, EUR và JPY trong đó nợ nước ngoài Chính phủ là 42,2% năm 2010 so với GDP; 41,5 % năm 2011; 41,1% năm 2012.
Như vậy, điều hành chính sách tỷ giá hiện tại với mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện tại cần chú ý một số giải pháp sau:
Về mục tiêu dài hạn: Cần kiên trì các giải pháp thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, mà trước hết là duy trì mức lạm phát thấp. Việc kiểm soát chỉ số tăng giá tiêu dùng sẽ góp phần đưa tỷ lệ lạm phát xuống thấp, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, cần hoàn chỉnh thị trường ngoại tệ liên ngân hàng nhằm giúp Nhà nước có biện pháp can thiệp khi cần thiết.
Về cơ chế điều hành tỷ giá: NHNN cần tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, trong đó tỷ giá VND cần được xác định theo một rổ tiền tệ chủ chốt, không nên neo VND theo USD. Cơ chế tỷ giá neo chặt vào USD có thể phát huy tác dụng trong giai đoạn chịu sự tác động của khủng hoảng tài chính thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay, có thể tạm thời khẳng định Việt Nam đã thoát khỏi “bóng đen” của cuộc khủng hoảng nên cơ chế neo tỷ giá USD có thể gây tác động tiêu cực. Để điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, trong những năm tiếp theo, NHNN cần nghiên cứu kỹ về việc lựa chọn những đồng tiền trong rổ tiền tệ và tỷ trọng của chúng trong rổ tiền tệ là bao nhiêu.
Bên cạnh đó, công tác dự báo có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ, vì vậy tăng cường chất lượng công tác dự báo tỷ giá cũng là điều cần thiết.
Tài liệu tham khảo:
1. Tạp chí Nghiên cứu kinh tế các số 380, 386, 390;
2. ThS. Hoàng Thị Lan Hương - “Lựa chọn chế độ tỷ giá ở Việt Nam – Nhìn nhận từ kinh nghiệm Trung Quốc”;
3. Tạp chí Tài chính tiền tệ số 303;
4. ThS. Lê Trang – “Điều hành chính sách tỷ giá của NHNN Việt Nam nhằm kiềm chế lạm phát thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Chính sách tỷ giá đối với phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn hiện nay
(Tài chính) Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế gắn với tự do hóa thương mại, chính sách tỷ giá có vai trò quan trọng như một công cụ điều tiết các quan hệ kinh tế quốc tế và có tác động tới tăng trưởng kinh tế thông qua tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN), cải thiện cán cân thanh toán cũng như các cân đối lớn trong nền kinh tế. Do vậy, chính sách tỷ giá cần được hoàn thiện, kết hợp cùng các công cụ tài chính, kinh tế tiền tệ nhằm góp phần ổn định vĩ mô nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ DN phát triển...
Xem thêm