Cho phá sản ngân hàng: "Đèn xanh" đã bật
(Tài chính) Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2014 về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: "Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu ngân hàng vì an toàn của hệ thống, vì lợi ích của người dân. Dứt khoát các ngân hàng yếu kém phải kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật" cho thấy triển vọng trong tương lai sẽ có ngân hàng bị cho phá sản nếu không thể vực dậy dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Thông điệp này được cho là mạnh mẽ bởi tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đã thông qua Luật Phá sản, trong đó có dành riêng một chương cho tổ chức tín dụng. Điều đó đã thể hiện thông điệp mạnh mẽ từ Chính phủ về việc sẽ không có ngoại lệ cho bất cứ ngành nghề nào, kể cả ngân hàng, nếu kinh doanh không hiệu quả, yếu kém thì sẽ buộc phải phá sản.
Sẽ có tiền lệ
Bình luận về thông điệp này của Thủ tướng, một chuyên gia ngân hàng cho rằng việc chấp nhận các ngân hàng yếu kém phá sản sẽ gửi một thông điệp rất mạnh đến các ông chủ ngân hàng. Nếu ngân hàng hoạt động không lành mạnh, các cổ đông sẽ phải chấp nhận phần thiệt thòi do mất vốn.
"Thông điệp được đưa ra thời điểm này còn nhằm mục đích chấn chỉnh hoạt động tái cơ cấu của các ngân hàng. Các ngân hàng cần phải nghiêm túc với nhiệm vụ này, vì đây không phải việc làm cho có lệ mà là vì một hệ thống ngân hàng lành mạnh trong tương lai. Vì vậy, nếu bất cứ cá nhân hay tổ chức nào có ý định, hành động trục lợi từ hoạt động này sẽ bị trừng phạt thích đáng trước pháp luật và ngân hàng đó sẽ buộc phải bị phá sản", vị chuyên gia này bình luận.
Theo vị này, thông điệp này đưa ra sẽ nhận được sự ủng hộ của thị trường, bởi qua rồi cái thời bao cấp và ngân hàng nào bị đào thải bởi thị trường thì cứ để cho nó theo quy luật của thị trường.
"Trước đây, NHNN đã làm rất tốt việc hỗ trợ các ngân hàng yếu kém trong việc giữ ổn định hệ thống thông qua hỗ trợ thanh khoản. Tuy nhiên, tới một thời điểm không thể bao cấp mãi một cơ thể yếu kém đã bị mục ruỗng", vị này bình luận.
Trước đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng nói sẽ không cho ngân hàng phá sản và thông điệp ấy đã bị thị trường, những người làm ngân hàng, kể cả chuyên gia, hiểu lầm rằng ngành ngân hàng được "bảo kê". Tuy nhiên, ý nghĩa của câu nói trên không mang hàm ý ấy mà là với mục đích nhằm tránh hiện tượng domino trong hệ thống ngân hàng, bởi khi đó "sức khỏe" của hệ thống quá yếu.
Nhưng sau một thời gian củng cố, sức khỏe của hệ thống có nhiều cải thiện, có nhiều thành viên sẽ chống đỡ lại được tác động của sự phá sản của một ngân hàng nên NHNN cũng đã có những văn bản, quyết định có nhắc đến việc cho ngân hàng phá sản.
Cụ thể, Thông tư 07/2013 được NHNN ban hành hồi tháng 3/2013 cũng có nhắc đến từ "phá sản". Đến nay, điều này được thể hiện rõ trong một chương của Dự thảo Luật Phá sản vừa được Quốc hội thông qua.
Mặc dù, từ đó cho đến nay vẫn chưa có một ngân hàng nào bị cho phá sản, nhưng thông điệp phát đi của Thủ tướng với những tiền đề đã được xác định thì việc một ngân hàng phá sản cũng sẽ có tiền lệ.
Ngân hàng hưởng ứng
Thực tế, hầu hết các ngân hàng đều đang quyết tâm cao trong việc tái cơ cấu. Bởi theo họ, đây không còn là nhiệm vụ mà là cơ hội để tồn tại, phát triển trong tương lai.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cho biết việc cho một ngân hàng phá sản trong điều kiện hành lang pháp lý đầy đủ cũng là việc làm hợp với cách hành xử của các nước trên thế giới.
"Thực tế, cho phá sản một ngân hàng không phải là việc làm xấu mà như một sự răn đe với những ngân hàng chưa thật sự nghiêm túc trong việc cơ cấu lại chính mình. Với những thành phần đấy, hệ thống ngân hàng cũng muốn loại đi vì sự ì ạch của họ chính là rào cản cho quá trình phát triển của cả một hệ thống", vị này bình luận.
Vị này còn cho biết thêm, những ông chủ ngân hàng giờ đây đã nhận thức được giá trị thực của một ngân hàng không phải là những khoản lợi nhuận ảo, những món vay mạo hiểm, những hợp đồng không tưởng… mà là một ngân hàng hoạt động lành mạnh, với lợi ích cổ đông, lợi ích khách hàng mới là thật.
Một ý kiến của lãnh đạo ngân hàng thương mại tại Hà Nội cũng cho rằng thông điệp của Thủ tướng đưa ra thời điểm này có thể xem là hàn thử biểu cho một sự việc sắp xảy ra. "Đây là một điều báo trước cho một sự việc sẽ xảy ra trong tương lai gần", vị này nói.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng đang rất nghiêm túc thực hiện tái cơ cấu bằng những hành động cụ thể như cơ cấu lại bộ phận tín dụng, nhận diện thương hiệu, đẩy mạnh dịch vụ trên Internet, sản phẩm tín dụng, chiến lược phát triển ngân hàng… những hoạt động này cũng cho thấy hiệu quả bước đầu ví như TienPhongBank, ABBank, SeABank…