Chồi non từ địa ngục Tây Ban Nha
Sau những gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ euro, nhiều người nghĩ hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha thật kém cỏi. Nhưng không, thực tế, dịch vụ ngân hàng lại là “ngành xuất khẩu lớn nhất” của xứ sở bò tót
Giữa những quả đồi khô cằn và và nội đô Madrid là một ốc đảo với hàng trăm cây ô liu cổ thụ nằm rải rác. Trên đó là một tổ hợp các tòa nhà lớn sáng trắng bên cạnh sân gôn xanh thẳm dưới thung lũng.
Nhưng cao hơn tất cả là tòa nhà với mái vòm màu bạc của ngài Chủ tịch Ngân hàng Santander, nơi được ví như tổ hợp công nghệ Googleplex của giới ngân hàng. Hai trung tâm dữ liệu lớn xây cất như hầm tránh bom nguyên tử là nơi đặt hệ thống máy tính trung tâm của đế chế ngân hàng Santander. “Brazil ở bên này, còn Anh ở bên kia,” người hướng dẫn nói.Sản phẩm xuất khẩu chủ lực
Người lãnh đạo Santander cho rằng lợi thế cạnh tranh trong ngành ngân hàng là từ việc tiêu chuẩn hóa thủ tục và hệ thống máy tính trên toàn thế giới, và nhờ thế mà giảm giá thành. “Việc kinh doanh của chúng tôi đâu đâu cũng như nhau,” Chủ tịch Saenz của Santander nói. “Ở đâu cũng cùng một hệ thống. Vâng, đúng cái hệ thống này.”
Hai ngân hàng lớn nhất của Tây Ban Nha, Santander và BBVA, mấy thập kỷ gần đây đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, và dù cho kinh tế chính quốc có sụp đổ thì họ vẫn sinh lời. Gần 90% lợi nhuận của hai ngân hàng này là từ ngoài Tây Ban Nha. Phần lớn trong số 20.000 chi nhánh của họ cũng không nằm ở Tây Ban Nha.
“Ngành xuất khẩu lớn nhất của Tây Ban Nha là quản lý chi nhánh ngân hàng,” một nhân viên ngân hàng nước này nửa đùa nửa thật.
Tây Ban Nha có lẽ là thị trường ngân hàng cạnh tranh nhất toàn cầu. Nhờ các khu tự trị tương đối độc lập, số lượng ngân hàng tại nước này rất lớn. Số chi nhánh còn ấn tượng hơn với tổng số 43.000 chi nhánh, tức là cứ 1.000 dân có 1 chi nhánh, gấp 6 lần con số này ở Anh và hơn gấp đôi tại Pháp và Mỹ.
“Quá nhiều đối thủ, quá nhiều ngân hàng, vì ai cũng muốn mình phải có mặt ở khắp mọi nơi”, ông Pedro Rodeia từ công ty tư vấn McKinsey nói. Sự khốc liệt ấy buộc một số ngân hàng nhỏ cho vay vô tội vạ, gây nên cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay.
Nhưng nó cũng buộc ngân hàng phải cắt giảm chi phí. Ví dụ như tại Santander và BBVA, dù mạng lưới chi nhánh có lớn nhưng cứ kiếm được 1 euro thì chỉ có 50 cent là chi phí. Ngân hàng bán lẻ tại phần lớn các nước khác nếu giảm được con số này xuống dưới 60 cent đã là mừng lắm rồi.
Chỉ mới gần đây các ngân hàng Tây Ban Nha mới hiện đại hóa. Sau những năm bong bóng thời độc tài phát xít, khi được “xổ lồng”, họ ngay lập tức vượt lên so với đối thủ từ các nước phát triển.
Phát kiến quan trọng nhất là áp dụng thống nhất dịch vụ thanh toán hóa đơn điện tử cho hầu hết mọi khách hàng. Lợi thế rất lớn của các ngân hàng Tây Ban Nha là không phải xử lý séc và thực hiện giao dịch tại chi nhánh. Họ kiên trì đầu tư vào những hệ thống máy tính mới nhất và có hiệu năng cao nhất, nên các ngân hàng Tây Ban Nha hiệu quả một cách đáng ghen tỵ.
Dù tốc độ phát triển nhanh và những khó khăn kinh tế tại chính quốc có làm người ta nghi ngại, nhưng mô hình ngân hàng tiên tiến của xứ sở bò tót đang được xuất khẩu ra toàn thế giới. Nhìn vào đó, người ta sẽ thấy được tương lai của ngành ngân hàng sẽ như thế nào.
Phát kiến độc đáo
Tại một chi nhánh ở ngoại ô Madrid của Banesto, một ngân hàng thuộc sở hữu của Santander, vị giám đốc chi nhánh đang nhìn vào một loạt các màn hình máy tính. Một màn hình hiển thị số dư của một khách hàng tại chi nhánh. Chỉ liếc qua bà giám đốc đã biết khách hàng có đem lại lợi nhuận hay không, nhân viên nào phụ trách khách hàng này và anh ta có thể cần dịch vụ gì nữa.
Với dân ngoại đạo, thật khó hiểu tại sao ngân hàng không thể tổng hợp được mình đang thực hiện những dịch vụ gì cho một khách hàng. Nhưng sự thực là chỉ một nhóm nhỏ các ngân hàng lớn nhất thế giới là có thể ngay lập tức biết ông khách đang làm thẻ tín dụng có một tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng mình.
Các ngân hàng Tây Ban Nha còn tiến xa hơn. Chỉ vài cái nhấp chuột, bà giám đốc chi nhánh có thể biết liệu chi nhánh mình làm ăn có lãi không. Hàng sáng bà họp với nhân viên và thảo luận xem nên liên hệ với khách hàng nào, có lẽ là vì họ “quên” chưa thanh toán nợ vay hay vừa mới nhận được khoản tiền gửi lớn bất thường.
Mô hình Tây Ban Nha không chỉ đồng nghĩa với dùng công nghệ để giảm chi phí và tăng năng suất nhân viên. Nó còn giúp các chi nhánh nhỏ có thể đưa ra các tư vấn và dịch vụ khách hàng phức tạp.
Ở bên kia thành phố, Bankinter, một ngân hàng nhỏ nhưng hiện đại, còn có ý tưởng táo bạo hơn. Ngay lối vào ngân hàng là một màn hình máy tính lớn có camera và điện thoại. Nếu khách cần chuyên gia tư vấn về vay thế chấp mua nhà, họ sẽ được kết nối với tư vấn viên miễn phí tại một chi nhánh khác.
“Khách hàng tiếp cận được bằng nhiều kênh hơn nên họ cũng trung thành hơn, mua nhiều sản phẩm hơn và thỏa mãn hơn, thế là việc kinh doanh thành công rồi,” công ty tư vấn Accenture chia sẻ. “Với tỷ lệ bán hàng chéo (cross-sell, tức bán thêm sản phẩm dịch vụ cho khách hàng hiện có-ND) dẫn đầu trong số các ngân hàng tại Tây Ban Nha, quan hệ khách hàng của Bankinter cũng có khả năng sinh lời lớn hơn”.
Yếu tố cuối cùng trong công thức thành công của ngân hàng Tây ban Nha là tập trung vào các thị trường có thể có thị phần đáng kể. Họ thà chăm chú vào một vài thị trường còn hơn chạy đua mở rộng khắp mọi nơi.
Ví dụ như BBVA đã thử thâm nhập vào thị trường Brazil nhưng rồi phát hiện mình không thể chiếm được thị phần đủ lớn. Santander đã bán khoản đầu tư đầu tiên vào Mỹ để huy động vốn cho thị trường Brazil.
Dù vậy, công nghệ đang làm thay đổi tính kinh tế theo quy mô của mỗi ngân hàng, đặc biệt là khi ngân hàng đang tìm kiếm lợi nhuận từ lượng dữ liệu khổng lồ họ thu thập được từ khách hàng.