Chọn ngành chọn nghề khi kinh doanh
Doanh nghiệp thường được hình thành từ những ý tưởng lựa chọn cơ hội kinh doanh của doanh nhân trong một lĩnh vực ngành nghề kinh doanh cụ thể.
Kinh doanh có phải đăng ký ngành nghề không?
Câu hỏi này mới đây được nhiều doanh nhân đặt ra. Sở dĩ như vậy, bởi từ ngày Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi thông tin về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Trước đây, để nhận biết thông tin cơ bản của một doanh nghiệp, người ta chỉ cần nhìn vào thông tin ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ở đó, sẽ có thông tin về vốn điều lệ, người đại diện và đặc biệt là những ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đăng ký. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 trở đi, thông tin này không còn nữa trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thông tin về ngành nghề kinh doanh không có trên giấy chứng nhận hoàn toàn không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không cần đăng ký ngành nghề kinh doanh. Tại khoản 3, Điều 24, luật Doanh nghiệp, một trong những nội dung bắt buộc phải có khi đăng ký thành lập mới một doanh nghiệp chính là ngành nghề kinh doanh. Do vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký ngành nghề kinh doanh.
Có được hoàn toàn tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh không?
Mười năm trước, một người muốn triển khai khởi sự ý tưởng kinh doanh trong lĩnh vực đào tạo về ngân hàng. Doanh nhân này muốn ghi nhận rõ về ngành nghề kinh doanh mà anh chọn trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là “đào tạo về nghiệp vụ ngân hàng”. Tuy nhiên, tại cơ quan đăng ký kinh doanh, ý tưởng lựa chọn ngành nghề kinh doanh của anh đã bị từ chối. Cơ quan đăng ký kinh doanh giới thiệu cho anh một danh mục hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam. Họ yêu cầu anh chỉ được lựa chọn những ngành nghề đã được ghi nhận trong danh mục này.
Sau một hồi nghiên cứu kỹ lưỡng 21 ngành kinh tế chính và hơn 600 nhánh ngành kinh tế được ghi nhận trong danh mục, anh không tìm được nội dung nào về “đào tạo về nghiệp vụ ngân hàng”. Đã định từ bỏ việc thành lập doanh nghiệp, nhưng sau cùng anh đành chọn bừa một ngành nghề kinh doanh. Cuối cùng ý tưởng ngành nghề kinh doanh của anh đã được ghi nhận vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từng chữ rõ ràng: “Giáo dục khác chưa được phân vào đâu”.
Câu chuyện trên cho thấy, các doanh nhân chỉ được lựa chọn ngành nghề kinh doanh trong giới hạn danh mục hệ thống ngành kinh tế mà pháp luật quy định. Hiện nay theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng, danh mục hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được chia làm 21 ngành chính, sau đó phân chia thành nhiều cấp chi tiết với 734 ngành ở cấp chi tiết thứ 5. Có ý tưởng kinh doanh gì, thì doanh nhân cũng chỉ có thể lựa chọn trong danh mục nêu trên.
Có cần thay đổi cách quản lý về ngành nghề kinh doanh không?
Nếu như chúng ta đã bỏ thông tin ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thì cũng cần quản lý theo hướng doanh nghiệp đăng ký ngành nghề ra sao cũng không ảnh hưởng tới quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có quyền kinh doanh, tham gia bất cứ giao dịch kinh doanh nào, miễn là giao dịch đó, lĩnh vực đó không thuộc đối tượng cấm, hạn chế kinh doanh bằng giấy phép.
Tuy nhiên, thực tiễn trong quản lý, các cơ quan nhà nước thường rất nặng nề trong quan điểm đối chiếu ngành nghề kinh doanh với hoạt động của doanh nghiệp. Cơ quan thuế vụ có thể từ chối những chi phí, thu nhập doanh nghiệp kê khai vì lý do giao dịch không phù hợp với ngành nghề của doanh nghiệp. Cơ quan cảnh sát điều tra từng xử lý hình sự một doanh nhân trong một vụ án về tội kinh doanh trái phép, mà lý do vì trong giấy chứng nhận doanh nghiệp không có ngành nghề “kinh doanh tài chính”…
Sự tự do đăng ký ngành nghề kinh doanh trong khuôn khổ một danh mục đã dẫn đến rất nhiều hệ lụy nảy sinh. Trong khi đó, trên thế giới mỗi năm lại xuất hiện nhiều thuật ngữ mới về kinh doanh, đến từ yếu tố tự do phát triển ý tưởng kinh doanh. Trong khi chờ đợi sự thay đổi quan điểm nhận thức quản lý cứng nhắc về ngành nghề kinh doanh của từng khâu, từng ngành, từng cơ quan Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể xem xét thay đổi cách quản lý về ngành nghề kinh doanh.
Chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiên phong thay đổi trong quan điểm quản lý, doanh nghiệp có quyền tự do đăng ký bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào theo ý tưởng kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp có toàn quyền kinh doanh tự do không lệ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh. Suy cho cùng, việc tạo lập hành lang pháp lý sao cho doanh nghiệp tự do phát triển kinh doanh chính là chức năng vai trò kinh tế chính của Nhà nước.