Chống buôn lậu phải là "chiến dịch" từ trung ương tới địa phương
(Tài chính) Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 Trung ương đã nhấn mạnh như vậy trong chuyến thị sát, chỉ đạo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại 4 tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa bốn ngày từ 13-16/7.
Đây là tuyến các tỉnh miền Trung có nhiều địa bàn phức tạp về đường biển, đường sông, đường rừng và cửa khẩu quốc tế. Tại các địa phương này, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... ngày càng diễn ra tinh vi, gây ra những hệ lụy nhức nhối, bức xúc trong toàn xã hội.
Nhức nhối với hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các loại pháo nổ, đồ chơi kích động bạo lực, ma tuý, động vật hoang dã, khoáng sản, gỗ, hàng điện tử, điện lạnh, rượu ngoại, hàng may mặc sẵn... ngày càng “nóng” hơn bao giờ hết.
Bên cạnh các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép ngày càng gia tăng và phức tạp, tại Hà Tĩnh còn có tình trạng ghi hóa đơn thấp hơn giá trị thực tế của hàng hóa diễn ra khá phổ biến. Trước thực trạng đó, tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo 389 Trung ương chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết triệt để, góp phần chống thất thu ngân sách và bình đẳng trong sản xuất kinh doanh.
Ở Nghệ An, trên địa bàn các huyện giáp biên giới Việt- Lào, hoạt động buôn bán các chất ma túy, bán người ra nước ngoài; sử dụng, vận chuyển tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ, tiền Kíp Lào… vẫn liên tục xảy ra.
Cũng tại địa phương này, hoạt động buôn lậu các mặt hàng quặng, gỗ các loại, nhựa đường, xăng dầu... thường lợi dụng danh nghĩa các công ty được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc, nên vận chuyển nhiều hơn số lượng cho phép. Khi bị phát hiện kiểm tra thì DN tìm các cách hợp thức hóa nguồn gốc hàng hóa, quay vòng hóa đơn chứng từ.
Thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An, đã kiểm tra phát hiện 87 vụ xuất khẩu khoáng sản, xăng dầu, xử lý 52 vụ, tổng giá trị thu phạt trên 1,2 tỷ đồng.
Điều đáng nói, tại Nghệ An tình hình gian lận thuế vẫn cao. Trong số 509 đơn vị được thanh tra, kiểm tra thì có 84 trường hợp bị xử lý, truy thu, truy hoàn 93,1 tỷ đồng; phạt vi phạm hành chính 5,4 tỷ đồng.
Còn tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thuốc tân dược, mũ bảo hiểm... trở nên vô cùng nhức nhối.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra 12.638 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Chuyển khởi tố hình sự 37 vụ (chủ yếu pháo nổ và ma túy); xử lý 5.305 vụ (trong đó có 799 vụ hàng lậu, hàng cấm; 111 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; 4.395 vụ gian lận thương mại, vi phạm khác trong kinh doanh); Xử phạt vi phạm hành chính hơn 20,6 tỷ đồng; tịch thu hàng hóa trị giá 26,7 tỷ đồng; truy thu thuế ẩn lậu 10,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, các ngành chức năng tại địa phương đã phối hợp kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện 54 vụ sản xuất, kinh doanh phân bón giả, xử lý 40 vụ. Kiểm tra sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi 15 vụ, xử lý 15 vụ; kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật 24 vụ, xử lý 21 vụ; kiểm tra thuốc tân dược 201 vụ, xử lý 188 vụ.
Điển hình là vụ bắt giữ trên 1.196 kg thuốc tân dược các loại tại thành phố Thanh Hóa; tịch thu tiêu hủy 6.000 kg phân bón Hà Bắc tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa.
Cần thể chế rõ ràng
Theo nhận định của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh, thời gian qua, các cơ quan Chính phủ đã có sự chỉ đạo sâu sát trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Để phòng chống, cơ quan Trung ương đã ban hành nhiều thể chế và chỉ đạo địa phương vào cuộc. Tuy nhiên, ông Ninh cho rằng, nhiều qui định hiện nay vẫn còn chồng chéo, phức tạp. Vẫn còn nhiều nghị định, thông tư, văn bản chưa rõ ràng, cụ thể...
Cũng cùng quan điểm này, một số ý kiến của các lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã đề nghị sửa đổi một số văn bản pháp luật, tránh để các đối tượng lợi dụng chính sách “luồn lách” buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Văn Hằng nêu ý kiến rằng: "Một số văn bản pháp luật mới ban hành quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số lực lượng chức năng chưa đầy đủ, còn phân định theo ngành và lĩnh vực quản lý của các bộ, nên việc áp dụng trong thực tiễn có nhiều lúng túng".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đề nghị, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cần nghiên cứu, kiến nghị với Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp theo hướng giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng quản lý thị trường.
Sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn theo hướng bổ sung quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp, đảm bảo phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính.
Trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng không quy định tổng các chất mà quy định từng chất để tránh việc lợi dụng sản xuất hàng giả...
Ông Xứng cũng đề nghị sửa đổi Thông tư liên tịch số 60 về hướng dẫn, chế độ hóa đơn, chứng từ, tránh tình trạng lợi dụng xuất hóa đơn bán hàng để hợp thức hóa hàng nhập lậu.
Ngoài ra, 4 địa phương đều có chung một đề xuất về bổ sung lực lượng chống buôn lậu, bởi theo lý giải của các địa phương, hầu hết là địa hình phức tạp nhưng lực lượng này trên các địa bàn còn rất mỏng.
Đơn cử như Nghệ An, lực lượng quản lý thị trường chỉ có 10 đội trên 21 huyện, thành phố, thị xã với 109 biên chế công chức; Tỉnh Thanh Hóa có 189 biên chế và 18 hợp đồng, 22 đội/28 huyện...
Ban Chỉ đạo không phải đi làm thay các đơn vị, địa phương
Ghi nhận và tiếp thu những kiến nghị của các địa phương, thay mặt Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, với những kiến nghị trên, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét sửa đổi.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thành lập Ban Chỉ đạo 389 trung ương là cần thiết, làm cơ sở “đốc thúc” chỉ đạo các địa phương cùng vào cuộc, thành lập và triển khai ngay hoạt động Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh. Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải là "chiến dịch" từ trung ương tới địa phương.
Các Phó trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Công thương; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thứ trưởng Bộ Công an.
“Nếu một ngành thực hiện chống thì khó, nhưng nhiều ngành cùng phối hợp thì chắc chắn sẽ hiệu quả”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng lưu ý, mặc dù các đơn vị chức năng các tỉnh đã nỗ lực phối hợp, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến nay đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, các địa phương không thể chủ quan, mà phải quản lý xác định địa bàn, nhóm mặt hàng để quản lý sâu sát, ngăn chặn kịp thời, nhất là các nhóm hàng thường xuyên buôn lậu như: xăng dầu, khoáng sản; hoặc các mặt hàng “nóng” như: ma túy, vũ khí, động vật hoang dã…
Bộ trưởng khẳng định, Ban chỉ đạo không có nghĩa là đi làm thay cho các đơn vị, địa phương, mà các ngành, địa phương phải trực tiếp vào cuộc. Do đó, các tỉnh phải có chủ trương sát sao để làm sao huy động sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, tạo sự đồng thuận từ trên xuống dưới mới có thể giảm được thực trạng này.
Qua làm việc của Đoàn công tác Bộ Tài chính với 4 địa phương cho thấy, đến nay cơ bản các địa phương đã nắm rõ được tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo 389 trung ương, rốt ráo vào cuộc thành lập Ban Chỉ đạo 389 tại địa phương. Mỗi địa phương đều có một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo 389.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài Chính, Sở Công Thương và các ngành, đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng giao cho Chi cục Quản lý thị trường là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 của tỉnh.
Tương tự như Thanh Hóa, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng đang triển khai kế hoạch, công tác 6 tháng cuối năm 2014 của Ban Chỉ đạo 389 trên địa bàn từng tỉnh.