Chống thất thu thuế xuất nhập khẩu: Siết lại quy định ân hạn thuế
Chống thất thu thuế luôn là công việc gian nan đối với cơ quan quản lý, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Khu vực doanh nghiệp (DN) sản xuất xuất khẩu, đang có một thực tế đáng báo động về nợ thuế. Để ngăn ngừa tình trạng nợ thuế phát sinh, hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Quốc hội Luật Quản lý thuế bổ sung, sửa đổi; trong đó có đề xuất điều chỉnh siết quy định DN sản xuất xuất khẩu được phép ân hạn thuế 275 ngày...
Luật Quản lý thuế hiện hành, quy định 2 điều kiện để được ân hạn thuế 275 ngày; thứ nhất phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng; thứ hai là chấp hành tốt pháp luật hải quan và không nợ thuế. Tuy nhiên, quy định này, đang bị không ít DN lợi dụng, có tình chây ỳ nghĩa vụ thuế với nhà nước. Theo Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 9/2012, cả nước còn 5.784 lô hàng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xuất khẩu và 961 hợp đồng gia công xuất khẩu chưa thanh khoản, tương ứng với số nợ thuế quá hạn khoảng 1.497 tỷ đồng. Trong đó, nợ quá hạn (quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế) khoảng 1.100 tỷ đồng; số nợ của DN bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh đã và đang bị điều tra khởi tố mà không có khả năng thu hồi là 500 tỷ đồng. Tỷ lệ DN nợ thuế bỏ trốn hiện nay khá lớn, chiếm khoảng 20% số DN hoạt động trong lĩnh vực.
Thực tế tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (Cục Hải quan Hà Nội) cho thấy, nhiều DN cố tình chây ỳ, trốn thuế. Có trường hợp DN nợ thuế kéo dài, từ năm 2006, đến nay vẫn chưa thể thu hồi nợ đọng và giải quyết dứt điểm vụ việc.
Phó chi cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, hiện tại đơn vị đang rất vất vả với 10 DN sản xuất xuất khẩu nợ thuế lên tới 8,9 tỷ đồng, chưa tính phạt chậm nộp; trong đó, có 2 DN, không thể thu đòi số thuế lớn, lên tới vài tỷ đồng. Điển hình, vụ Công ty TNHH xuất nhập khẩu Gia Long (Hà Nội), từ tháng 8/2004 đã mở 3 tờ khai nhập khẩu cho 3 lô hàng vải để sản xuất quần áo, số thuế phải nộp là 2,371 tỷ đồng (chưa tính tiền phạt chậm nộp). Từ năm 2005 cơ quan hải quan đã thực hiện các biện pháp đốc thu quyết liệt, bỏ ra rất nhiều công sức, phối hợp với công an, thuế, ngân hàng…, nhưng vụ việc đến nay đã bế tắc, DN đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, việc thực hiện các biện pháp đôn đốc thu đòi nợ thuế mất rất nhiều thời gian, nhân lực và tốn kém, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng của công chức hải quan. Đối với trường hợp DN đã giải thể, bỏ trốn có ra quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan cũng không còn ý nghĩa vì DN đã không còn hoạt động, ngân sách nhà nước bị thất thu một khoản lớn.
Siết lại quy định ân hạn thuế
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đang được trình Quốc hội tại kỳ họp đang điễn ra, có quy định: người nộp thuế phải nộp trước thời điểm thông quan và chỉ được áp dụng ân hạn nộp thuế khi có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Đề xuất này được thông qua sẽ tạo tiền đề trong việc chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, “siết chặt” quy định ân hạn thuế sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế; đặc biệt là khắc phục tình trạng chây ỳ của một số DN, giải quyết tình trạng chiếm dụng tiền thuế và bỏ trốn. Đồng thời, việc điều chỉnh này phù hợp với thông lệ quốc tế về chính sách thuế; tạo bình đẳng giữa các nhóm hàng: nhập khẩu kinh doanh với hàng sản xuất xuất khẩu và hàng sản xuất trong nước; phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về khuyến khích ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam, khuyến khích DN sử dụng nguyên liệu trong nước đưa vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất để xuất khẩu…