Chống thuốc lá lậu, cuộc chiến không hồi kết trên toàn cầu

Theo congthuong.vn

Thuốc lá điếu gây hại và là một trong những gánh nặng của y tế trên toàn cầu. Theo đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chính phủ các nước trên thế giới cần thực thi các biện pháp mạnh để kiềm chế buôn lậu thuốc lá, vì nó đang làm trầm trọng thêm nạn dịch thuốc lá toàn cầu cùng với những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và kinh tế xã hội do sử dụng thuốc lá gây ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thống kê của WHO, thị trường toàn cầu của các sản phẩm thuốc lá điện tử có nicotin và thuốc lá điện tử không có nicotin năm 2015 ước tính đạt gần 10 tỉ USD. Theo dữ liệu từ kỳ báo cáo vào năm 2018 của Công ước Khung FCTC của WHO, có 102 trong số 181 bên tham gia báo cáo rằng các sản phẩm ENDS hiện diện trên thị trường của các nước này nhưng chỉ 63 quốc gia trong số đó đã có khung quản lý các sản phẩm này.

Vì vậy WHO nhấn mạnh, việc cho phép các sản phẩm trên thâm nhập vào thị trường của các quốc gia mà không quản lý có thể đe dọa việc thực hiện các chiến lược kiểm soát thuốc lá, cũng như có thể làm suy yếu nỗ lực của Công ước Khung trong việc chống bình thường hóa hành vi sử dụng thuốc lá.

Việt Nam là quốc gia có biên giới giáp với nhiều nước, do vậy việc kiểm soát buôn lậu thuốc lá gây ra nhiều khó khăn. WHO cũng đã đề xuất các biện pháp để giúp Việt Nam kiểm soát buôn lậu thuốc lá điếu trong đó kêu gọi Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư nhằm loại bỏ buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá, củng cố kiểm soát buôn lậu tại các cửa khẩu và các điểm bán lẻ thuốc lá. Đồng thời đề xuất Việt Nam nên hợp tác với các nước láng giềng, những quốc gia làm nơi trung chuyển để đưa thuốc lá bất hợp pháp vào Việt Nam.

Công cuộc phòng chống buôn lậu thuốc lá không thể là trách nhiệm đơn lẻ của cơ quan hay bộ ngành chức năng. Bởi việc phòng chống buôn lậu, theo các chuyên gia ngoài ngăn chặn, chế tài xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, còn cần thay đổi ý thức của người hút thuốc lá để chính họ là người chủ động không tiếp cận các sản phẩm buôn lậu.

Theo bà Nguyễn Thị Thuỳ Dương - Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, khi thuốc lá nhập lậu chưa được đẩy lùi, người dân vẫn còn thói quen hút thuốc thì việc dùng những loại sản phẩm mới để thay thế thuốc lá nhập lậu được kiểm soát chất lượng của các cơ quan chức năng sẽ giảm thiểu rủi ro cho người dùng.

Ngành y tế tuyệt đối không khuyến khích việc sử dụng thuốc lá, nhưng cần nhìn nhận rõ thực trạng cai bỏ thuốc lá hiện nay trong bối cảnh buôn lậu đang gia tăng thì cần phải có chính sách phù hợp. Bảo vệ sức khỏe cộng đồng bao gồm việc hỗ trợ và tư vấn cả những người không chấp nhận hoặc chưa cai thuốc lá thành công, và nhóm này chiếm tỉ lệ cao. Đồng thời, tất cả các ngành các cấp cần triển khai những chính sách tuyên truyền giáo dục sức khỏe, và sớm đưa vào Luật, nghiêm cấm việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới dưới mọi hình thức đối với trẻ em dưới 18 tuổi.