Chủ động phòng, chống xâm nhập mặn trong nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long​

Theo BT/dangcongsan.vn

Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động cập nhật thông tin diễn biến mực nước, mức độ hạn và xâm nhập mặn; tăng cường quan trắc môi trường để kịp thời phổ biến, tuyên truyền đến người dân biết, chủ động có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các tháng mùa khô năm 2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long khả năng thiếu hụt từ 10-15% so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2, 3 và tháng 4; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3,4.

Để ứng phó kịp thời với hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với sản xuất nuôi trồng thuỷ sản trong mùa khô năm 2022, Tổng cục Thuỷ sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, mặn xâm nhập mặn theo Chỉ thị số 8712/CT-BNN-TCTL ngày 22/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chú ý lồng ghép các nhiệm vụ về phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đã được phê duyệt tại Quyết định 3550/QĐ-BNN-TCTS ngày 12/8/2021.

Bên cạnh đó, chủ động theo dõi thời tiết, thủy văn; cập nhật thông tin diễn biến mực nước, mức độ hạn và xâm nhập mặn. Tăng cường quan trắc môi trường để kịp thời phổ biến, tuyên truyền đến người dân biết, chủ động có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi để tăng khả năng chủ động lấy nước, trữ nước, tiêu thoát nước; khoanh vùng khả năng thiếu nước, chuẩn bị vật tư, nhiên liệu bơm, trữ nước ngọt bổ sung cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Nâng cấp hệ thống cống điều tiết nước và có chế độ điều tiết nước chủ động ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đặc biệt là vùng nuôi thủy sản kết hợp với trồng lúa, hạn chế tối đa nhiễm mặn cục bộ.

Tổng cục Thủy sản yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi trồng thủy sản; bám sát dự báo xâm nhập mặn, điều chỉnh mùa vụ thả giống và mật độ nuôi cho từng đối tượng phù hợp với điều kiện, tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương, khuyến cáo người dân không nên nuôi thủy sản tại những nơi không đảm bảo điều kiện sản xuất.

Đáng chú ý, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi ít thay nước phù hợp; chăm sóc và quản lý chặt chẽ môi trường nuôi, đặc biệt là quản lý thức ăn, tăng cường sử dụng vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên, giảm chi phí sản xuất nhằm ứng phó, hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Đối với những vùng không có điều kiện thuận lợi, hạn chế thả giống hoặc thả giống chậm đón mùa mưa.

Trên cơ sở hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản về một số giải pháp kỹ thuật ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, các địa phương điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế để phổ biến và hướng dẫn người nuôi áp dụng.