Du lịch, hàng không sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế chung
Theo các chuyên gia, thời điểm hiện tại là lúc du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi. Từ đó, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế nói chung.
Chiều ngày 24/2, Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, hãng hàng không Bamboo Airways tổ chức tọa đàm “Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới”.
Chớp lấy cơ hội để phục hồi
Thông tin về thị trường du lịch ở thời điểm hiện tại, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 du lịch Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi đầy tích cực với từng bước triển khai vững chắc.
Tổng cục Du lịch và các địa phương đã hết sức khẩn trương, có trách nhiệm trong triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi du lịch nội địa và quốc tế trong bối cảnh mới với tiêu chí “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Năm 2021, ngành Du lịch đón 40 triệu lượt khách nội địa, 3.800 khách du lịch quốc tế. Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế được triển khai từ tháng 11/2021 đến nay đã đón được gần 9.000 khách. Chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán 2022, ngành Du lịch phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách nội địa.
Mới đây, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho phép mở cửa lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới kể từ ngày 15/3/2022.
Ông Siêu cho biết, đối với thị trường quốc tế, Tổng cục Du lịch sẽ sớm công bố các nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch và hướng dẫn chi tiết để các địa phương, doanh nghiệp chủ động tổ chức thực hiện.
Trong phương án mở cửa đang được xin ý kiến các bộ ngành liên quan, Tổng cục Du lịch đề xuất nhiều quy định linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho hàng không, doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở lưu trú khi mở cửa du lịch từ ngày 15/3 như: thay đổi về quy định xét nghiệm COVID-19 đối với du khách, giảm mức trách nhiệm tối thiểu đối với bảo hiểm du lịch chi trả điều trị COVID-19, chính sách thị thực cho khách nhập cảnh…
Đối với thị trường nội địa, hoạt động du lịch được mở cửa hoàn toàn bình thường theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Các địa phương công bố mở cửa lại hoạt động du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tương ứng.
Trong những năm qua, ngành Hàng không đã luôn gắn bó, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của ngành Du lịch. Hoạt động vận chuyển của hàng không Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam và bùng nổ của khách nội địa giai đoạn năm 2015-2019.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng là động lực để các hãng hàng không tăng cường hợp tác, mở các đường bay trực tiếp tới các quốc gia, thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Hoạt động du lịch hàng không thông qua hình thức thuê bao chuyến máy bay từ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc... đã được khai thác hiệu quả, tạo ra sự tăng trưởng đột phá về khách từ các thị trường này đến Việt Nam. Nhiều chương trình kích cầu du lịch của các doanh nghiệp kết hợp với hàng không được triển khai với chất lượng dịch vụ cao, chính sách ưu đãi hấp dẫn đã thúc đẩy hoạt động du lịch rất sôi động.
"Tổng cục Du lịch đánh giá hàng không là một trong những kênh giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam đến thế giới một cách hiệu quả. Chúng tôi đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam với các hãng hàng không và phối hợp tổ chức hàng loạt các chương trình xúc tiến điểm đến Việt Nam ở nước ngoài, tham dự các hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức phát động thị trường tại Đông Bắc Á, Châu Âu... Có thể nói, du lịch và hàng không đã có truyền thống nắm tay rất chặt và thực sự đem lại lợi ích cho cả đôi bên", ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, việc Chính phủ cho phép mở cửa lại hoàn toàn các chặng bay quốc tế là điều kiện thuận lợi để khách du lịch tin tưởng và có kế hoạch đi du lịch Việt Nam. Đây đồng thời là điều kiện tiên quyết để các hãng lữ hành bắt đầu quảng bá các chương trình du lịch Việt Nam tại các thị trường nguồn trọng điểm.
Để du lịch và hàng không đạt được những kết quả cao nhất trong quá trình phục hồi, ông Siêu cho rằng cần phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, liên minh bền vững, sẵn sàng đón làn sóng khách du lịch quốc tế quay trở lại và lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam”, mang lại những hoạt động du lịch - hàng không an toàn và trải nghiệm trọn vẹn tới du khách.
"Giờ là lúc du lịch và hàng không cần nhanh chóng chớp lấy cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Chúng ta tin tưởng vào sự hồi sinh của ngành hàng không và du lịch sau đại dịch COVID-19 sẽ góp phần phục hồi nền kinh tế của đất nước nói chung, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08-NQ/TW", ông Hà Văn Siêu nói.
Gỡ bỏ rào cản hạ tầng
Cũng nói về vấn đề này, TS. Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Du lịch Gotadi cho rằng nếu nói về thời điểm mở, và cách mở, tôi cho rằng, chúng ta đã bị chậm, thí điểm quá chậm, mở cửa càng chậm. Từ tháng 3/2021, tôi đã có đề xuất nên thí điểm mở cửa du lịch với "hộ chiếu vaccine".
“Đến tháng 20/11, chúng ta mới quyết định thí điểm mở cửa du lịch Phú Quốc, nhưng trước đó, ngay từ đầu tháng 7/2021, Thái Lan đã bắt đầu thí điểm mở cửa, đến tháng 11 là họ mở cửa chính thức luôn. Trong khi đó, Campuchia không cần thí điểm, họ mở cửa luôn trong tháng 11, sang tháng 12, Lào mở cửa cho hơn 30 nước, trong đó có Việt Nam.
Chúng ta đã chậm, quá thận trọng khi các điều kiện thí điểm mở cửa thì quá khó cho các hãng hàng không, cho các doanh nghiệp du lịch, cho du khách”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, trong 3 tháng 5 địa phương thí điểm chỉ thu hút được 9.000 khách, một con số quá khiêm tốn. Tại sao? Vì điều kiện được du lịch quá khó. Từ góc độ thực tiễn, tôi cho rằng, chúng ta cần cố gắng mở càng sớm càng tốt, mở càng rộng càng tốt, các điều kiện càng thoáng càng tốt.
Chúng ta hình dung trước thời COVID, cứ mỗi 2 tuần Việt Nam thu 1 tỷ USD doanh thu từ du khách quốc tế, đó là một con số cực lớn. Trong khi đó, 2 năm qua ngành du lịch quốc tế bị đóng băng, thiệt hại là rất lớn.
Tôi cho rằng, chúng ta cần mở thoáng điều kiện, trong đó, cần phục hồi lại hoàn toàn chính sách visa như trước COVID, ngay lập tức và công bố luôn. Ngoài 13 nước được miễn visa cũ, chúng ta cần mở rộng diện miễn visa cho toàn bộ khối EU, Úc, Newzeland,…
Với Mỹ, Trung Quốc, nếu không miễn được thì đề nghị xem xét visa dài hạn 5 năm, 10 năm,… thì mới mong cạnh tranh được du lịch quốc tế.
Về quảng bá du lịch, thời trước COVID-19, các nước như Singapore hay Thái Lan chi 70-80 triệu USD mỗi năm để quảng bá du lịch, chúng ta chưa được một phần chỗ đó. Do đó, chúng ta cần tăng nguồn lực, đẩy mạnh quảng bá du lịch.
Một điều cuối cùng, COVID-19 làm chúng ta quên mất một vấn đề cực kỳ quan trọng từ thời trước COVID-19, đó là quá tải hạ tầng sân bay. Với việc phục hồi du lịch, vấn đề này sẽ cần phải được nghiêm túc nghiên cứu, tháo gỡ trở lại, bởi, nếu không được khắc phục, đây sẽ là một rào cản rất lớn khi ngành du lịch phục hồi trở lại.