Chủ động phòng vệ thương mại

Theo Thanh Lâm/saigondautu.com.vn

Phòng vệ thương mại (PVTM) đang là công cụ phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khi các hàng rào thuế quan bị xóa bỏ. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc sử dụng các biện pháp PVTM vẫn còn rất khiêm tốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Doanh nghiệp còn lơ là
Ông Nguyễn Văn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết ngành đường Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn từ đường Thái Lan. Ngoài nhập lậu, đường Thái Lan vào Việt Nam bằng con đường qua Lào, Campuchia để được hưởng mức thuế 0%.
Đường Thái Lan còn nhận được những hỗ trợ của chính phủ nên giá bán luôn rẻ. Về vấn đề này, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương), cho rằng hiệp hội và các DN nên xem xét, làm đơn lên Cục PVTM, từ đó có cơ sở điều tra, sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước. Chẳng hạn, với việc chính phủ Thái Lan hỗ trợ ngành đường của họ, DN có thể làm hồ sơ đề nghị đánh thuế chống trợ cấp (CTC). Hay việc đường Thái qua ngả Lào có thể sử dụng biện pháp tự vệ, vì tự vệ không phân biệt xuất xứ. 
Tính đến nay, Việt Nam mới có 9 vụ kiện PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước, trong đó 3 vụ chống bán phá giá (CBPG) đều ở ngành thép. Nói về sự chủ động của DN Việt khi sử dụng các biện pháp PVTM, ông Nguyễn Văn Hải, luật sư cao cấp Công ty Luật Y.K.V.N, người đã tham gia từ rất sớm các vụ kiện PVTM, nhìn nhận đến nay chỉ những DN sản xuất quy mô lớn, có năng lực tài chính, có hoạt động thương mại ở nước ngoài mới sẵn sàng sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích của mình.
Ngoài ngành thép, nhiều ngành sản xuất khác cũng bị ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu nhưng chưa có khả năng, chưa quyết tâm hoặc chưa tin tưởng vào các công cụ này nên bỏ qua cơ hội bảo vệ mình. Chẳng hạn, ngành chăn nuôi Việt Nam cách đây hơn 1 năm phải đối mặt với đùi gà giá rẻ nhập từ Hoa Kỳ, nhưng đã không mạnh dạn làm hồ sơ để yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp PVTM, đây thực sự là điều đáng tiếc. 
“Hiện nay chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để tiến hành các vụ kiện PVTM, nhất là khi Chính phủ ban hành Luật Quản lý ngoại thương. Bên cạnh đó, khả năng hiện tại của Cục PVTM hoàn toàn có thể thực hiện 5-7 vụ PVTM trong 1 năm. Về chi phí thực hiện các vụ kiện như vậy, sẽ tùy vào từng trường hợp và độ phức tạp, nhưng dao động khoảng 150.000-200.000USD. Đây được xem là chi phí khá phù hợp, vì 1 vụ kiện thường có sự tham gia của nhiều DN” - Luật sư Hải nhấn mạnh.

Thận trọng khi xuất khẩu
Trong khi Việt Nam mới áp dụng 9 biện pháp PVTM với hàng hóa nhập khẩu, ở mặt xuất khẩu tính đến nay chúng ta đã phải đối mặt với 130 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 78 vụ điều tra CBPG, 12 vụ việc về trợ cấp, 25 vụ việc về tự vệ, 17 vụ việc về lẩn tránh thuế CBPG. 23 năm sau ngày WTO chính thức được thành lập đã có tới 6.000 vụ việc liên quan đến PVTM được áp dụng. Như vậy trung bình mỗi ngày trên thế giới có 1 vụ việc và tần suất ấy không ngừng gia tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến DN xuất khẩu của Việt Nam. 
Không chỉ gia tăng các vụ việc PVTM, xu hướng sử dụng các biện pháp này đang có nhiều thay đổi tại các quốc gia. Các DN, nhất là DN nhỏ, cần lưu ý các sản phẩm xuất khẩu bị điều tra ngày càng mở rộng và đa dạng, không chỉ với mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao, mà cả những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp.
Ngoài ra hiện nay cả 3 biện pháp PVTM (CBPG, CTC, tự vệ) đều được các nước tận dụng tối đa. Trước nay các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU thường áp dụng biện pháp CBPG hay CTC, còn các nước đang phát triển mới sử dụng biện pháp tự vệ, nhưng trong năm qua Hoa Kỳ đã quay lại áp dụng không ít vụ việc tự vệ. 
Cùng với đó, hình thức khởi xướng điều tra cũng có nhiều biến đổi. Hiện nay nhiều nước sử dụng kiện chùm, như kiện một lúc nhiều nước; kiện domino là nước này kiện được, nước khác cũng theo đó đi kiện; kiện kép (kiện đồng thời CBPG và CTC). Một biện pháp nữa cũng đang trở thành thách thức cho DN và cơ quan phòng vệ Việt Nam khi gặp phải là kiện chống lẩn tránh thuế. Hiện nay WTO chưa có quy định về điều tra chống lẩn tránh thuế, vì thế không có khuôn mẫu chung mà mỗi nước sẽ có những quy định riêng nên rất phức tạp.