Chủ động trong điều hành giá, kiểm soát lạm phát


Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu cho Chính phủ nhiều chủ trương, định hướng lớn về quản lý điều hành giá trong từng thời kỳ; dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá; triển khai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ chính sách về giá, các biện pháp bình ổn giá và đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý nhà nước về giá phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ. Theo đó, chú trọng công tác tính toán, dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát chung dưới 4%.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã tích cực chủ động, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai các giải pháp tăng cường bình ổn giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Trong đó, một trong những mặt hàng thiết yếu được bình ổn giá là thịt lợn. Trong tháng 9, 10/2020, giá thịt lợn hơi đã giảm mạnh do nguồn cung tăng từ việc khẩn trương tái đàn và nguồn thịt lợn nhập khẩu, giá lợn hơi hiện dao động từ 60.000-75.000 đồng/kg, giảm 10.000-19.000 đồng so với giá lúc cao điểm.

Đồng thời, các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và các mặt hàng là đầu vào cho hoạt động sản xuất - kinh doanh do Nhà nước định giá cũng được tăng cường các biện pháp bình ổn giá. Công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá trong các hoạt động kê khai, tham vấn giá, xử lý các sai phạm trong quản lý, điều hành giá cũng được tăng cường.

Bộ Tài chính cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình giá xăng dầu trong nước và thế giới để chủ động báo cáo Bộ tham gia cùng Bộ Công Thương trong việc điều hành, quản lý các mặt hàng xăng dầu trong nước; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương ban hành công văn điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 (trong tháng 10/2020 đã có 02 văn bản gửi Bộ Công Thương về điều hành giá xăng dầu)...

Công tác điều hành giá của Bộ Tài chính thời gian qua đã đóng góp vào thành công kép của cả nước khi vừa đưa giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo lộ trình giá thị trường, vừa kiểm soát được lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, như giá xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh.

Trong thời gian còn lại của năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý giá tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước để báo cáo Bộ về phương án điều hành giá xăng dầu vào kỳ điều hành hàng tháng; phối hợp với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định hiện hành; trình Bộ tham gia ý kiến về cơ chế chính sách về giá và thẩm định giá theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương về phương án giá một sản phẩm, dịch vụ công ích nhà nước đặt hàng; thẩm định phương án giá mua, bán; chi phí nhập, chi xuất, bảo quản hàng hóa nông nghiệp thuộc danh mục hàng Dự trữ quốc gia và hàng hóa Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch.

Đồng thời, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, thông báo giá một số mặt hàng như: sách giáo khoa, than, khí hoá lỏng, đường, phân bón, dịch vụ cảng biển, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vắc xin dùng cho gia súc gia cầm... và điều hành hiệu quả giá cả các mặt hàng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.