Chủ trương tạm trữ lúa gạo là đúng đắn

PV

(Tài chính) Cây lúa có vai trò to lớn trước hết là để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Nhà nước cần có chính sách cho người trồng lúa để an dân; tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, đây là cơ sở vững chắc để xây dựng bộ mặt nông thôn mới.

Làm sao để người nông dân làm giàu với cây lúa, không bị tình trạng được mùa mà lo...
Làm sao để người nông dân làm giàu với cây lúa, không bị tình trạng được mùa mà lo...

Chủ trương của Nhà nước

Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 434/2014 về giá mua tối đa đối với lúa dự trữ năm 2014 với mức 6.300 đồng/kg. Đây là giá mua tối đa đã bao gồm VAT đối với lúa rời đủ tiêu chuẩn nhập kho dự trữ nhà nước giao tại kho dự trữ của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Cửu Long, Tây Nam Bộ và TP.Hồ Chí Minh.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Tổng cục Dự trữ Nhà nước quy định giá cụ thể nhưng không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua và không được cao hơn mức giá tối đa quy định tại quyết định trên. Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện việc mua lúa theo quy định hiện hành, đảm bảo chất lượng lúa mua dự trữ, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản nhà nước và chịu trách nhiệm về hồ sơ báo cáo. Dự kiến thời gian mua tạm trữ bắt đầu từ đầu tháng 3 kéo dài đến giữa tháng 4-2014. Đây là thời gian vùng đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch rộ, sản lượng lúa gạo rất lớn, việc mua tạm trữ sẽ tránh được tình trạng giá lúa gạo giảm mạnh, đảm bảo ND có lãi.

Tuy nhiên, còn rất nhiều công tác phải triển khai để chủ trương đúng đắn này mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân (ND). Chúng tôi đã ghi chép những trao đổi của TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) xung quanh vấn đề này.

Sản lượng tăng, đầu ra bí …

Vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn đang là chủ điểm được Nhà nước tập trung quan tâm và hướng mọi chú ý để hỗ trợ phát triển. Với một nước có xấp xỉ 60% dân số làm nông nghiệp, trong đó, chủ yếu là trồng lúa. Vấn đề là làm sao để người ND sống được, sống khỏe và làm giàu bằng cây lúa… trong khi nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn…

Sản lượng lương thực hàng năm tăng cao, trong đó, chúng ta mới chỉ sử dụng khoảng 8 triệu tấn (tương đương 4 triệu tấn gạo sau khi xay xát) cho xuất khẩu, còn lại là tiêu thụ trong nước và bổ sung dự trữ quốc gia… Hiện, xuất khẩu gạo ra thế giới là mục tiêu hướng tới của người ND và nền nông nghiệp nước nhà, chỉ có xuất khẩu được nhiều gạo và xuất với giá cao thì người ND mới hy vọng nâng cao đời sống, cải thiện bộ mặt nông thôn. Hiện nay, có nhiều nước tham gia xuất khẩu, làm lượng gạo mậu dịch tăng mạnh, năm 2014, lượng gạo mậu dịch trên thế giới có thể lên tới 38 triệu tấn. Vì có hiện tượng cung vượt cầu nên xảy ra cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu gạo, các nước nhập khẩu gạo cũng đợi thời cơ để mua gạo giá rẻ. Trong khi khả năng dự trữ lúa gạo của Việt Nam còn yếu, yếu cả về nguồn vốn, kho tàng cũng như khâu kỹ thuật bảo quản lúa gạo. Mùa đông xuân này, khi biết lượng lúa gạo của ta được mùa lớn, các thương vụ nước ngoài lại trần trừ chưa mua ngay, doanh nghiệp (DN) trong nước thì cũng chưa mặn mà mua tàng trữ do biết lượng gạo tàng trữ của Thái Lan còn tồn một lượng rất lớn. Lúc này, khi vụ đông xuân vào thời kì thu hoạch rộ, giá lúa ở ĐBSCL đã giảm từ 200 - 500 đồng/kg, nhiều thương lái chấp nhận bỏ tiền cọc khiến người ND như ngồi trên đống lửa. Trước tình thế này, dù được mùa nhưng ND lại không thể vui mừng, họ đang thực sự gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, thu hồi vốn để duy trì sản xuất và có thu nhập để chi tiêu. Để giảm bớt gnahs nặng cho người nông dân, Chính phủ đã đưa ra chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Đây là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, làm sao để chủ trương này không rơi vào tình trạng kém hiệu quả, thiếu  tính khả thi như một số năm trước, để nó mang lại lợi ích thực sự cho người nông dân, nông nghiệp và nông thôn… thì vẫn đang là bài toán nan giải của nông nghiệp Việt Nam.

Nhiều năm qua, khi sản xuất lúa gạo của ta vào mùa thu hoạch rộ thì Thái Lan lại bán tháo gạo với khối lượng lớn với giá rẻ, kéo giá thu mua lúa gạo của Việt Nam chững lại và giảm sâu. Việc chúng ta thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo là giúp người ND vượt qua giai đoạn khó khăn mùa vụ này. Vấn đề là làm sao để công tác thu mua (Nhà nước cho DN vay vốn này với lãi suất bằng 0%) không chỉ mang lại lợi ích cho DN, giúp họ nhanh chóng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với giá thấp, miễn là sinh lời… như mấy năm qua. Để cải thiện vấn đề này, vốn thu mua phải được giao đúng đối tượng, giao chỉ tiêu và cơ chế xử lý cụ thể các đơn vị không làm đúng, có kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, ... thì mới có thể mang lại hiệu quả thực sự cho người nông dân.

Hiện giá gạo ngon (5% tấm) của Việt Nam xuất khẩu chỉ có giá dưới 400USD/tấn, khoảng 8.000đ/kg, trong khi giá gạo trong nước vào khoảng 11-15.000đ/kg, do vậy các DN trong nước càng không mặn mà thu mua tạm trữ, khiến giá có thể còn giảm thêm nữa. Hiện, Thái Lan muốn xuất khẩu lượng lớn gạo ngay để trả nợ (họ không  trợ giá cho ND của họ nữa) đây cũng là yếu tố khiến giá gạo của Việt Nam còn gặp khó khăn hơn. Có ý kiến cho rằng, với sản lượng vụ đông - xuân ở ĐBSCL lên tới 10-11 triệu tấn, việc thu mua 1 triệu tấn cũng chỉ như muối bỏ biển, không tác động mạnh đến giá cả cũng như nguồn cung lúa gạo… Ông Bảnh cho hay: Hiện Bộ Công thương và Hiệp hội lương thực (VFA) cũng đã lường trước khó khăn này và đã có chiến lược rồi, việc thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trước mắt (tương đương 2 triệu tấn thóc) là không nhiều, nhưng trong quá trình triển khai Chính phủ có thể bổ sung thêm. Nếu trong 1 tháng các DN mua hết chỉ tiêu, giá còn thấp, sản lượng còn nhiều thì Chính phủ có thể bổ sung lượng thu mua thêm (có thể thu mua thêm 500 ngàn tấn  hay 1 triệu tấn nữa).

Tuy nhiên, việc thu mua này chưa có tác dụng lâu dài, giá vẫn có thể tiếp tục giảm, chưa đảm bảo lợi nhuận 30% cho ND hay giải quyết hàng tồn đọng khi vào mùa thu hoạch. Do đó, về lâu dài, chúng ta phải xem xét trên tổng thể. Chúng ta đều biết giá cả là do cung cầu, lúa gạo dư thừa thì giá đương nhiên bị kéo thấp xuống. Giá lúa tùy lượng lúa tồn đọng, như ở ĐBSCL, sản xuất theo mùa vụ thì với vụ đông – xuân diện tích là 1,6 ha và sản lượng là 11-12 triệu tấn; vụ hè – thu với diện tích 1,7 triệu ha và sản lượng là  7-8 triệu tấn; vụ thu - đông với diện tích 800 ngàn ha và có sản lượng là 4 - 5 tiệu tấn; vụ lúa mùa với diện tích 200 ngàn ha và sản lượng là 1 triệu tấn… như vậy chúng ta cũng có thể dự trù trước về sản lượng. Năm 2013, theo số liệu Bộ NN&PTNT cho biết thì ĐBSCL có sản lượng là 25 triệu tấn lúa, nếu các nhà chiến lược và hoạch định có chiến lược ngay từ đầu năm, thì việc thu mua ổn định giá lúa đảm bảo 30% lợi nhuận cho ND là khả thi, nếu đợi đến khi thu hoạch rộ, giá lúa thấp dưới giá thành rồi mới ra chủ trương thu mua thì sẽ trễ quá, hiệu quả sẽ thấp.

Để giải quyết vấn đề này, VFA có đề xuất Chính phủ cần triển khai tạm trữ dài hơi hơn, thay vì tạm trữ ngắn hạn như hiện nay và nâng thời hạn hỗ trợ lãi suất từ 3 tháng lên 5 tháng. Ông Bảnh cũng cho biết, các nước thường có kế hoạch tạm trữ nông sản (không giêng gì gạo) cả năm, giúp các DN có nguồn nguyên liệu để chủ động xuất khẩu sau khi cân đối giá thị trường vào thời điểm thích hợp, khi thấy giá cao có hiệu quả nhất thì xuất bán. Nếu DN chỉ mua lúa tươi và bán tươi như hiện nay sẽ bị động, dễ bị ép giá. Nguồn vốn và hỗ trợ từ đâu, lãi suất bao nhiêu thì do Nhà nước quyết định, nhưng phải có kế hoạch cụ thể ngay từ đầu năm.

Mặt khác, lượng xuất khẩu gạo chỉ mới chiếm đến 1/3 tổng sản lượng, các DN cũng cần quan tâm đến thị trường nội địa, nhiều nơi trong nước vẫn còn hiện tượng thiếu đói trong khi lượng gạo sản xuất lại dư thừa. Nhà nước cũng cần quan tâm đến vấn đề lương thực trong nước, làm sao có lượng trữ đủ để giải quyết cho các vùng thiếu đói.

Tăng diện thu mua tạm trữ lúa gạo

Năm 2014 không chỉ DN tham gia mua tạm trữ lúa mà còn có cả các DN trực tiếp hỗ trợ cho ND trên các cánh đồng mẫu lớn.  Người ND không có điều kiện trữ gạo, không có kho, họ đều bán lúa tươi ngay trên cánh đồng, khâu phơi xấy đều do DN lo, điều này, gây khó khăn cho các DN xuất khẩu  nhỏ, thiếu cơ sở vật chất, chưa có đủ kho bãi với các điều kiện sân phơi xấy, nhà máy sơ chế tàng trữ đủ tiêu chuẩn. Trong khi các DN tham gia đầu tư cánh đồng mẫu lớn, sản phẩm họ bao tiêu tất cả nên họ đã chuẩn bị tốt cả về vốn và các điều kiện khác như: cơ sở hạn tầng xử lý sau thu hoạch (kho chứa, nhà máy xấy…), điển hình như công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, các DN tham gia thu mua đã kinh doanh rất hiệu quả.

Nhiều chuyên gia góp ý: Tạm trữ mục đích là giảm áp lực nguồn cung, nên mở nhiều dạng tạm trữ, chứ không dừng lại chỉ cho các DN xuất khẩu thu mua tạm trữ như hiện nay? Cần có sự phối hợp tốt, hiệp đồng với các  đơn vị tham gia ngành hàng này. Các đơn vị thuộc VFA thì VFA nên chủ trì, cần phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các tỉnh để địa phương tham gia điều phối cho phù hợp (mỗi tỉnh có vùng sinh thái khác nhau có thời gian thu hoạch và  sản lượng lúa khác nhau, địa phương đó biết rõ nhất lượng lúa dư thừa của mình, từ đó có thể kiểm tra đôn đóc DN thu mua kịp. Địa phương có điều kiện quản lý tốt nhất). Đặc biệt là các DN đầu tư cánh đầu mẫu lớn, nông trang, tổ hợp tác xã cũng cần được có chính sách hỗ trợ để họ cùng tham gia tạm trữ.

Biện pháp lâu dài

Để thực hiện tạm trữ dài hơi, Nhà nước cần có chính sách giúp DN đầu tư kho chứa, khu vực xấy lúa để giúp ND trữ lúa gạo hiệu quả, đảm bảo cho công tác xuất khẩu chất lượng hơn. Nhều DN cũng muốn có cơ sở phơi xấy ngay tại nơi sản xuất nông nghiệp, nhưng việc chuyển đổi đất từ trồng lúa sang làm kho vẫn rất vướng về cơ chế, chính sách, Nhà nước cần hỗ trợ cho vốn  với lãi suất thấp cũng như các điều kiện để hợp tác xã cũng như công ty CP cùng được tham gia. Theo VFA, họ đã thực hiện chuẩn bị được kho tàng trữ 4 triệu tấn lúa nhưng theo An Giang thực tế mới chỉ đạt 40 % chuẩn về kỹ thuật, còn lại, kho mới chỉ là mái che tránh mưa nắng nên chưa đạt.

Trong tương lai gần, chỉ có trương trình thu mua tạm trữ là tối ưu nhất, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần tập trung vào vấn đề đưa ngành nông nghiệp sản xuất theo chuỗi ngành hàng. Hiện nông nghiệp đang sản xuất theo công đoạn nhỏ, ND chủ yếu là hộ sản xuất nhỏ lẻ, lúa gạo sản xuất chưa theo chuẩn mực, chưa nắm bắt thị trường, chưa định đoạt được giá cả, đầu ra hoàn toàn phụ thuộc vào DN; DN thu mua thì chưa có thị trường ổn định, đến mùa thì đến ND thu gom nên chưa thỏa mãn được về chất lượng, chưa xây dựng được thương hiệu để cạnh tranh trên trường quốc tế. ND và DN chưa hoàn toàn gặp nhau, ai làm khâu nào hưởng khâu đó nên lợi ích là trái chiều nhau… Để giải quyết tận gốc vấn đề này, nâng thu nhập cho ND, tránh bị động về giá, cần tổ chức sản xuất  theo liên kết vùng và 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà kinh doanh và nhà khoa học), trong đó, ND và DN cần gắn kết, cùng làm, cùng lo, cùng chia sẻ lợi ích, ND cần liên kết tham gia các tổ sản xuất, HTX, công ty CP nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo hợp đồng của DN (như chuẩn giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất theo tiêu chuẩn)… DN đầu tư vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, xử lý sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Qua đó, đời sống người nông dân được đảm bảo và lợi nhuận của DN cũng bền vững. Tham gia vào chuỗi sản xuất đó, các nhà khoa học phải nghiên cứu giống mới, quy trình canh tác thích hợp để tăng năng suất, chất lượng, cơ cấu giống cho từng mùa vụ để giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng lúa gạo lên. Ngoài ra, khi cây lúa có năng suất cao, sản lượng dư thừa, chúng ta có thể cơ cấu diện tích trồng cây nông nghiệp theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng các cây nông nghiệp có giá trị cao hơn như: lạc, đậu, cà phê… (hiện, có hơn 112 ngàn ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả, cần được chuyển đổi sang trồng các loại hoa mầu khác). Đồng thời, tăng cường công đoạn chế biến sản phẩm đa dạng từ lúa gạo, tăng cường chế phẩm từ lúa gạo trên thị trường trong nước và quốc tế. Tái cơ cấu nông nghiệp đang là chủ trương hướng tới, không phải trong tương lai mà ngay từ bây giờ, chúng ta phải xúc tiến các kế hoạch và biện pháp để triển khai hiệu quả.