Chưa như kỳ vọng!

Theo daibieunhandan.vn

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước đang triển khai khoảng 340 dự án nhà ở xã hội với gần 372.000 căn hộ. Tính riêng từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã khởi công 7 dự án với khoảng 23.965 căn hộ, trong đó, nhà ở xã hội là 5 dự án, quy mô 20.765 căn. Dù vậy, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, việc phát triển nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa như kỳ vọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp..., dù việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người nghèo ở đô thị, công nhân khu công nghiệp là một trong những vấn đề quan trọng, thường xuyên được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Thực tế để phát triển quỹ nhà ở xã hội, những năm qua, hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ được ban hành như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp... Tuy vậy, hiện cả nước mới có 275 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô khoảng 147.000 căn hộ; 339 dự án đang triển khai với quy mô khoảng 371.500 căn hộ.

Phân tích thêm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một chuyên gia cho rằng, trước hết là do cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ. Cụ thể, quy hoạch nhà ở trong khu công nghiệp cũng như ngoài khu công nghiệp chưa rõ ràng, khiến chủ đầu tư lúng túng khi triển khai dự án. Tiếp đó là thiếu vốn ưu đãi để phát triển nhà ở và vốn cho người dân vay để mua nhà; nhiều địa phương chưa tạo điều kiện về quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội và cuối cùng là các cơ chế ưu đãi chưa hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, người dân.

Ý kiến khác thì cho rằng, cách thức triển khai làm nhà ở xã hội trong 10 năm qua với tư duy cũ, cách tiếp cận cũ nên đã thất bại. Ví dụ như về quỹ đất, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội phải quy hoạch ở xa trung tâm hơn để tạo thành những đại đô thị lớn, do quỹ đất trong nội đô đã cạn kiệt.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó quy định cụ thể, chi tiết quy mô dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội; hướng dẫn chi tiết việc lựa chọn chủ đầu tư; sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về hồ sơ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Trình tự, thủ tục đăng ký mua, thuê, thuê mua; xét duyệt đối tượng... cũng bảo đảm dễ dàng, rút ngắn thủ tục hành chính nhưng chính xác và công bằng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xây dựng 22,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn cần tháo gỡ, trong đó có vấn đề cơ chế, chính sách về vốn và quỹ đất...