Chưa phải thời điểm bỏ trần lãi suất

Theo baodautu.vn

Hiện tại, có đủ điều kiện để bỏ trần lãi suất, song Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định, chưa thực hiện việc dỡ bỏ trần lãi suất, vì mục đích chính của trần lãi suất vẫn mang tính định hướng cho các ngân hàng thương mại.

Chưa phải thời điểm bỏ trần lãi suất
Trần lãi suất tồn tại để không "đánh đồng" các ngân hàng với nhau. Nguồn: Internet

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng 6 tháng cuối năm 2013 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 19/6, Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, với tình hình thanh khoản của các ngân hàng hiện nay có đủ điều kiện để bỏ trần đối với lãi suất huy động.

Bởi các ngân hàng thương mại, nhất là với các ngân hàng thương mại Nhà nước đã giảm lãi suất huy động dưới mức trần cho phép. Vì thế, nếu bỏ trần lãi suất huy động trong bối cảnh hiện nay cũng không ngoại việc các nhà băng cạnh tranh đua lãi suất tiền gửi như trước đây.

Tuy nhiên, NHNN vẫn chưa thực hiện việc dỡ bỏ trần lãi suất. Bởi theo Thống đốc Bình, những cái đạt được của hệ thống ngân hàng chưa phải vững chắc. Do đó, trong giai đoạn này trần lãi suất mang nặng tính định hướng để tạo ra tính ổn định lâu dài.

Khi duy trì trần lãi suất, ở các ngân hàng có uy tín, dù hạ lãi suất người dân vẫn gửi tiền. Ngược lại, với những ngân hàng thương mại có tình hình tài chính chưa lành mạnh thì cần phải huy động lãi suất cao hơn.

“Trần lãi suất tồn tại để không đánh đồng ngân hàng với nhau. Trước đây khẳng định trần là tác dụng công cụ hành chính, nhưng nay chỉ mang tính định hướng. Theo tôi, các ngân hàng thương mại cũng đồng tình với chính sách duy trì trần lãi suất huy động hiện nay của NHNN”, Thống đốc nói.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho biết, có thể với trần huy động sẽ không còn nhiều dư địa để giảm thêm so với 7,5%/năm hiện nay. Nhưng theo Thống đốc Bình, nếu ngân hàng nào có điều kiện thì tiếp tục hạ lãi suất để có thể giảm tiếp mặt bằng chung của lãi suất cho vay.

Hiện một số ngân hàng huy động vốn trung dài hạn chỉ 8-8,5%/năm được cho là quá thấp. Trước đây, các ngân hàng chỉ tập trung huy động vốn ngắn hạn, nên lãi suất thường không có đường cong, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, điều quan trọng là ngân hàng phải tạo được niềm tin cho người gửi tiền để tạo ra đường cong lãi suất theo xu hướng giảm dần trong thời gian tới đây.

Về lãi suất cho vay, Thống đốc cho biết, mục tiêu NHNN sắp tới vẫn là hạ lãi suất đồng loạt xuống dưới 13%/năm để doanh nghiệp có thể vay và nên đưa lãi suất cho vay dài hạn về dưới 12% còn ngắn hạn 10% là hợp lý cho năm nay. Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng, mọi chính sách đều phải có lộ trình và độ trễ nhất định của nó.

Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm nay thì với mức lãi suất cho vay ở mức dưới 10% hiện chiếm khoảng 14% trên tổng dư nợ của ngành; mức lãi suất cho vay từ 10 – 13%/năm chiếm xấp xỉ trên 50% trên tổng dư nợ; lãi suất cho vay 13 – 15% chiếm khoảng 24% trên tổng dư nợ và lãi suất cho vay trên 15% chiếm khoảng 12% trên tổng dư nợ của ngành ngân hàng. Mục tiêu là giảm thêm lãi suất để kích tín dụng.

Tổng Giám đốc Eximbank, ông Trương Văn Phước cũng cho hay, hiện lãi suất cho vay bình quân của các tổ chức tín dụng cũng đang dần được điều chỉnh xuống mức thấp. Riêng với, Eximbank mức lãi suất cho vay bình quân hiện nay khoảng 11,02%/năm. Điều này thể hiện qua lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong những tháng đầu năm nay ở mức tương đối thấp. Thế nhưng, theo ông Phước, với mức lãi suất cho vay thấp nhất đang được Eximbank áp dụng 7,5%/năm hiện cũng chưa hẳn thu hút được khách hàng tốt vay vốn. Tăng trưởng tín dụng của Eximbank đến nay mới đạt 0,9%.

“Chúng tôi vẫn biết cho vay ra 7-7,5%/năm chắc chắn sẽ không có lãi khi mà vốn huy động vào cao hơn mức lãi suất cho vay. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng hiện nay chỉ có 1,5%/năm. Như vậy, không cho vay 7%/năm là chết”, ông Phước nói.

Giám đốc NHNN TP. Hồ Chí Minh, ông Tô Duy Lâm cho biết, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn, ước 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 3,1%, trong khi vốn huy động tăng 5%. Nhưng nợ xấu khó có thể giảm xuống, ở mức 5,91%. Điều đáng quan tâm là có một số ngân hàng tỷ lệ nợ xấu cao lên đến hơn 10% tính đến tháng 6.