Trong năm 2013, năng suất suy giảm và chi phí gia tăng tiếp tục đeo bám doanh nghiệp (DN) cùng với đó là sức ép cạnh tranh cao và môi trường kinh doanh không nhiều cải thiện. Bên cạnh đó, tiêu dùng và đầu tư tư nhân không chỉ bị kìm hãm bởi sức mua yếu và tâm lý thận trọng mà còn có dấu hiệu bị lấn át bởi khu vực công.
Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng đạt 5,42% trong năm 2013 là cột mốc chấm dứt giai đoạn suy giảm kinh tế trong 3 năm trở lại đây. Hầu hết các nhóm ngành ghi nhận mức tăng trưởng từ5-9%, ngoại trừ nông nghiệp (2,21%) và khai khoáng (-0,2%). Các nhóm ngành cấp 1 đều ghi nhận tăng trưởng dương nhưng chỉ cao hơn mức thấp nhất trong giai đoạn 2005-2013.
Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,67% (chỉ hơn mức 1,91% năm 2009); Công nghiệp - xây dựng tăng 5,43% (chỉ hơn mức 4,13% của năm 2008); Dịch vụ tăng 6,56% (cao hơn mức 5,9% của năm ngoái và 6,55% vào năm 2009). Điều này cho thấy sự phục hồi chỉ manh nha và chưa thực sự thuyết phục.
Mức đóng góp vào tăng trưởng nhiều nhất là dịch vụ với 2,85 điểm, công nghiệp - xây dựng với 2,09 điểm, nông, lâm nghiệp, thủy sản với 0,48 điểm %. Tỷ lệ đóng góp vào tốc độ tăng trưởng lần lượt là 50%, 40% và 10% đã duy trì tương đối ổn định từ 2005 đến nay.
Nền kinh tế hồi phục nhẹ trong năm 2013 sau khi lạm phát chạm đỉnh (năm 2011 với 18,58%) và tăng trưởng chạm đáy (năm 2012 với 5,03%). Tỷ lệ lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt mức bình quân 6,04% tính theo năm, mức thấp nhất trong 4 năm gần đây và chỉ cao hơn năm 2009 (5,9%) trong 8 năm gần nhất. Tỷ lệ lạm phát theo tháng thậm chí giảm về âm trong tháng 3/2013 (-0,19%) và tháng 5/2013 (-0,06%) và nhờ viện phí điều chỉnh trong tháng 4/2013 (3,62%) mà lạm phát tháng 4 không âm (0,02%).
Mức tăng giá các dịch vụ công gồm thuốc, dịch vụ y tế (45,63%) và giáo dục (14,17%) đã đóng góp một nửa mức lạm phát cả năm. Ngoài ra, mức tăng giá hàng hóa cơ bản như điện, xăng dầu, gas cũng góp khoảng 1 điểm %, bên cạnh nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 2,68%, đóng góp 1,07 điểm %). Ảnh hưởng tăng giá của các nhóm khác không lớn. Ngoài các nhóm tăng vừa phải, bưu chính viễn thông có mức giảm 0,48%.
Tỷ lệ lạm phát tính theo chỉ số điều chỉnh GDP ở mức 4,76%, thấp hơn mức tăng theo CPI. Do CPI không nắm bắt toàn bộ biến động giá cả trong nền kinh tế cho nên có xu hướng đánh giá thấp khi lạm phát cao và đánh giá cao khi có lạm phát thấp.
Như vậy, nền kinh tế đang có lạm phát thấp và người tiêu dùng có thể đang chịu gánh nặng chi phí cao hơn bình diện chung. Chỉ số giá bán sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản tăng nhẹ 0,57%, chủ yếu do mức giảm của sản phẩm ngành chăn nuôi (2,38%); chỉ số giá bán sản phẩm công nghiệp tăng 5,25%, do mức tăng tương đối thấp của ngành chế biến chế tạo (3,4%).
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng lần lượt 2,47%, 6,04% và 4,22% so với năm 2012. Nếu thước đo này có tương quan nhất định với GDP thì nhóm ngành này đang trì trệ so với các năm trước. Nguyên nhân được xác định là điều kiện thời tiết bất lợi, tình trạng ngập mặn ở phía Nam và chất lượng giống không cao. Quy mô ngành chăn nuôi cải thiện không nhiều, đàn bò sữa tăng mạnh (11,6%) trong khi gia súc lấy thịt giảm cả số lượng đàn và sản lượng (1-2%).
Ngành thủy sản cũng chứng kiến hiện tượng tương tự với cá tra: giảm nuôi thả khu vực hộ gia đình, tăng nuôi ở khu vực DN. Nhu cầu cao với sản phẩm gỗ trong năm đã thúc đẩy sản lượng khai thác (tăng 6,8%) và hoạt động trồng rừng, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung.
Ngành công nghiệp năm 2013 tăng khá nhờ sức bật của ngành chế biến, chế tạo, đặc biệt trong nửa cuối năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) toàn ngành tăng 5,9% theo năm, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 7,4%, đóng góp 90% mức tăng IPI toàn ngành. IPI tăng nhanh dần sau mỗi quý, từ 5,3% trong quý I/2013 lên 10,1% trong quý IV/2013. Sản xuất - phân phối điện tăng 8,5%, đóng góp 0,6 điểm %. Cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 9,1%, đóng góp 0,1 điểm %; trong khi mức giảm 0,2% của ngành khai khoáng làm giảm 0,1 điểm %.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của HSBC cho thấy điều kiện sản xuất năm 2013 tiếp tục suy yếu so với năm 2012 đối với các DN được khảo sát. Những tháng suy giảm có mức độ lớn hơn những tháng có cải thiện nhưng điểm tích cực là thời gian suy giảm không kéo dài (chỉ tối đa 3 tháng) như năm 2012 (7 tháng). Chỉ số đơn hàng, sản lượng đơn hàng mới (kể cả xuất khẩu) đều tăng khiêm tốn và kém bền bỉ, trong khi việc làm tăng lên và mạnh hơn làm giảm công việc tồn đọng.
Biên lợi nhuận giảm dần khi giá cả đầu vào tăng liên tục với biên độ lớn từ đầu năm, trong khi giá đầu ra còn giảm liên tục và đáng kể vào 2 quý giữa năm (đúng giai đoạn PMI xuống đáy). Chỉ số giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy giá đầu vào tăng 3,05% so với năm 2012. Như vậy, giảm giá bán là xu hướng chủ đạo của DN nhằm tăng tiêu thụ và giảm tồn kho trong môi trường cạnh tranh gay gắt.
Ngành dịch vụ tuy tăng trưởng cao nhất trong số các ngành kinh tế, nhưng thách thức chưa qua đi. Tiêu dùng dân cư cải thiện khiêm tốn trong bối cảnh thu nhập ít cải thiện và giá cả biến động. Sau khi loại trừ ảnh hưởng tăng giá, doanh thu bán lẻ tăng thực tế 5,6%, thấp hơn năm 2012 (6,5%) và cao hơn năm 2011 (4,7%). Trong số các ngành dịch vụ, thương nghiệp, khách sạn - nhà hàng và dịch vụ tăng 12-13%, trong khi du lịch tăng 3,5% (tức là giảm so với 2012 theo giá cố định) – một biểu hiện của thu nhập giảm hoặc không cải thiện đáng kể.
Tiêu dùng cá nhân có xu hướng cải thiện trong 3 năm kể từ năm 2011, dù còn tương đối chậm. Xét về góc độ sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,36% so với năm 2012, tăng nhẹ so với 4,9% năm 2012 và 4,1% năm 2011. Tốc độ tăng chậm có nguyên nhân từ xu hướng ưu tiên tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng, cho dù về tổng thể, niềm tin có dấu hiệu cải thiện. Theo số liệu của Nielsen (công ty hàng đầu về đo lường và phân tích thông tin của người tiêu dùng), chỉ số niềm tin người tiêu dùng cải thiện dần từ 87 điểm tại quý III/2012 lên 97 điểm trong quý III/2013 và là mức cao nhất kể từ quý IV/2011.
Tổng chi ngân sách năm 2013 ước tăng 8,9% so với cùng kỳ, với tỷ trọng lớn nhất thuộc về chi thường xuyên (gần 70%). So với cùng kỳ năm 2012, khoản mục gia tăng nhanh nhất là chi quốc phòng, an ninh (trên 13%), chi đặc biệt, giáo dục đào tạo và sự nghiệp kinh tế (trên 8%). Tuy tăng nhanh nhất, chi thường xuyên (11%) lại khó kiềm chế nhất do động thái điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm và khu vực công đang mở rộng. Chi đầu tư phát triển tăng 3,3% gợi ý đang có sự điều chỉnh trong đầu tư công.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang dẫn dắt mức mở rộng đầu tư của nền kinh tế. Vốn FDI thực hiện 12 tháng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 11,5 tỷUSD, mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,0%, đạt 30,4% GDP theo giá hiện hành; Trong đó DN FDI gia tăng đầu tư nhanh nhất 9,9% so với 8,6% của khu vực nhà nước và 6,6% của khu vực ngoài nhà nước. Đầu tư của DN mới thành lập giảm 15% so với năm trước do tâm lý thận trọng và khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế.
Tốc độ tăng vốn đăng ký và cấp mới FDI đạt tới 55% cho thấy Việt Nam đang đón một làn sóng đầu tư mới, chủ yếu từ các nước phát triển ở châu Á, hướng vào ngành công nghiệp chế biến. Dù chưa rõ mức độ ảnh hưởng từ hiệp định TPP ra sao nhưng đây là dấu hiệu khích lệ Chính phủ đẩy mạnh các cải cách mang tính thị trường. Chỉ số Thuận lợi kinh doanh do Ngân hàng Thế giới thực hiện phản ánh các điều kiện môi trường kinh doanh của Việt Nam không thay đổi đáng kể và Việt Nam vẫn đứng thứ 99 trong bảng xếp hạng năm 2013.
Thương mại năm 2013 tiếp tục khởi sắc, xuất khẩu đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4%; Nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4%. Ưu thế của DN có vốn FDI kéo dài trong 2 năm qua với kim ngạch chiếm 2/3 trong xuất khẩu và gần 3/5 trong nhập khẩu. Khối này đạt tăng trưởng kim ngạch 2 chiều thương mại trên 25% do sản phẩm xuất khẩu (chủ yếu sang Mỹ và EU) phụ thuộc nhiều vào nguồn linh kiện nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc) như bông, vải, nguyên liệu giày dép, linh kiện điện tử và điện thoại.
Mức độ phụ thuộc vào hàng công nghiệp phụ trợ phản ánh khả năng cung cấp rất hạn chế từ trong nước. Kim ngạch xuất khẩu than đá, dầu thô giảm mạnh; hàng nông sản như cà phê, gạo,̀ sắn đều mất giá và lượng. Điều này góp phần giải thích tốc độ tăng khiêm tốn 3,5% của khu vực kinh tế trong nước. Nhập khẩu xăng dầu giảm hơn 20% cho thấy nền kinh tế còn tương đối yếu và xăng dầu nhập khẩu có thể đang bị thay thế bởi nguồn cung trong nước.
Cán cân thương mại cả năm thặng dư 863 triệu USD. Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,1 tỷ USD (tính cả nhập xăng dầu), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 14 tỷ USD. Ngoài ra, dòng kiều hối ổn định cũng giúp cải thiện cán cân vãng lai. Cán cân vốn và tài chính được hỗ trợ nhờ vốn FDI tăng mạnh, song có thể thặng dư thấp hơn năm ngoái do dòng tiền gửi đã chuyển ra nước ngoài khi sự cân bằng giữa VND và USD bị phá vỡ.
Trong năm 2013, thâm hụt cán cân ngân sách ở mức 196.000 tỷ đồng (bằng 5,3% GDP) do hụt thu, một phần do hoạt động kinh tế suy yếu, kinh doanh không có lãi, một phần do biện pháp hỗ trợ giãn thuế, giảm thuế của Chính phủ từ đầu năm, còn lại do trốn và nợ thuế. Trong bối cảnh đó, thu từ phí và lệ phí tăng mạnh (bằng 146,5% dự toán).
Trên thị trường vốn, lãi suất huy động và cho vay giảm 2 - 3% so với đầu năm, huy động vốn kỳ hạn dưới 12 tháng tối đa đạt 7,5%, trên 12 tháng tối đa đạt 8,5%; cho vay nông thôn ở mức 7-9%, vay sản xuất kinh doanh tối đa đạt 10,5%. Tiền gửi tăng tới 15,6% cho thấy đây vẫn là kênh đầu tư được tin cậy dù lãi suất giảm, tuy nhiên, lượng tiền gửi khối DN gia tăng là dấu hiệu đáng lo ngại với hoạt động sản xuất và gây sức ép thừa thanh khoản lên ngân hàng. Ngoài ra, tốc độ tăng tiền gửi USD tới cuối tháng 10 là 12,35% cho thấy lãi suất gửi VND thấp và kỳ vọng mất giá đang dịch chuyển một phần dòng tiền gửi sang ngoại tệ.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng có phần chậm lại từ quý III/2013, đạt 8,83% tính đến 12/12/2013 so với 6,44% cuối tháng 8/2013, chịu ảnh hưởng một phần từ tốc độ mở rộng phát hành trái phiếu từ tháng 8. Trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm (chiếm 80%) được ưa thích bởi rủi ro thấp và giúp ngân hàng thương mại (NHTM) giải phóng vốn do dư thừa thanh khoản. Dường như sau khi nhận thấy việc tạm dừng phát hành tín phiếu chỉ đạt được những kích thích tín dụng hạn chế (dù có cao hơn trong năm 2012), trong khi thanh khoản bộc lộ dấu hiệu dư thừa thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nối lại hoạt động này từ giữa năm.
Nợ xấu tiếp tục buộc các NHTM duy trì thận trọng trong cho vay kinh doanh và hướng sang các đối tượng cá nhân. Nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 10/2013 là hơn 146,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,73% tổng dư nợ; nợ xấu qua xử lý và theo dõi ngoại bảng là 105,9 nghìn tỷ đồng, tổng cộng là 252,4 nghìn.
Cho tới nay, đã có 8/9 ngân hàng thực hiện đề án tái cơ cấu, Công ty quản lý nợ và tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được thành lập vàtiến hành thu mua nợxấu với giá trị tích luỹ khoảng 30.000 tỷ đồng. Tuy Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại nợ bị trì hoãn, đồng thời hệ thống xuất hiện thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém cần xử lý, tốc độ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được cho là nhanh và có kết quả rõ ràng.
Với việc áp dụng quy chế điều hành thị trường mở hợp lý (không giới hạn quy mô can thiệp, hạ lãi suất OMO còn 5,5% từ tháng 7/2013) cùng với quy định chặt chẽ hơn (yêu cầu trích lập dự phòng), thị trường liên ngân hàng có một năm tương đối trật tự. Tình trạng chung là dồi dào thanh khoản, căng thẳng không kéo dài lâu và không lan sang các thị trường khác như một số năm trước. Giao dịch tập trung ở kỳ hạn qua đêm và 1 tuần. Tỷ giá được điều chỉnh tăng 1% vào cuối tháng 6/2013 sau khi chạm trần trên thị trường chính thức trong suốt hơn 1 tháng. VND cũng giảm giá nhẹ so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính, trừ Nhật Bản.
Chịu ảnh hưởng từ hu cầu yếu hơn ởtrong nước vàgiávàng lao dốc trên thị trường thế giới, giá vàng SJC đã giảm hơn 24% từ đầu năm. Lượng cung vàng của NHNN đến giữa tháng 12/2013 tương đương 67,5 tấn.
Chỉ số chứng khoán 2 sàn tăng điểm khánhờdòng tiền của nhà đầu tư trong nước. Kết thúc năm 2013, VN-Index tăng khoảng 22% so với đầu năm. HNX-Index tăng gần 14% so với đầu năm. Mức mua ròng của nhà đầu tư ngoại tăng lên mức cao nhất từtrước đến nay (9.900 tỷ đồng), phản ánh triển vọng tích cực của các công ty niêm yết trong bối cảnh nền kinh tế còn tương đối yếu.
Thị trường bất động sản trong năm 2013 đang cho thấy những nỗ lực tự cứu mình với việc lôi kéo người mua khi gói hỗ trợ tín dụng không có tác động đáng kể. Theo Savills, tỷ lệ hấp thụ căn hộ quý III/2013, ở Hà Nội tăng 9%, ở TP. Hồ Chí Minh quý IV/2013 là 11%, so với quý trước nhưng tăng 3,2% trong cả năm, phương thức trả tiền linh hoạt, hỗ trợ tín dụng từ ngân hàng và uy tín của chủ đầu tư. Tốc độ bán hàng và giao dịch mạnh (nhiều dự án ở phân khúc bình dân có tỷ lệ bán đến 80%) trong quý IV/2013 cho thấy tín hiệu tốt đối với thị trường bất động sản. Ngoài ra, lượng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản 11 tháng đầu năm 2013 lên tới 884 triệu USD từ 20 dự án đầu tư mới cho thấy tiềm năng của thị trường này vẫn còn dồi dào.
Dự báo năm 2014
Năm 2014 được kỳ vọng là một năm có thêm những thuận lợi cho kinh tế Việt Nam khi nhu cầu từ bên ngoài đang dần dần phục hồi. Các đầu tàu kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và Nhật đang chứng kiến những dấu hiệu cải thiện, dù còn chậm và chưa vững chắc. Vốn FDI từ châu Á sẽ tiếp tục hướng nhiều hơn vào ngành chế biến chế, tạo tại Việt Nam, đòi hỏi nhiều hơn những nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, bên cạnh đó là việc cân nhắc và thiết kế các chính sách ngành cho phù hợp với tầm nhìn dài hạn.
Ở trong nước, điều kiện vĩ mô dần ổn định trong 2 năm vừa qua (lạm phát và lãi suất) là bệ đỡ cho sản xuất phục hồi, cho dù vẫn còn nhiều quan ngại về sức cạnh tranh của khu vực DN nội địa. Các ngành kinh tế sẽ chứng kiến những thay đổi trong cơ cấu khi quá trình tự điều chỉnh tiếp tục diễn ra, có thể với tốc độ nhanh hơn năm 2013. Tăng trưởng năm 2014 được dự báo một cách sơ bộ khoảng 5,6%, lạm phát ở mức 7,2%. Tỷ giá có thể được điều chỉnh tăng một cách chủ động từ 2-3% tuỳ vào mức độ ưu tiên giữa các lựa chọn chính sách, đi liền với trạng thái tiếp tục thặng dư của cán cân thanh toán tổng thể .
Chính phủ sẽ phải vay nợ nhiều hơn nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách, tạo ra những ảnh hưởng đến thị trường vốn. Tuy không tác động trực tiếp ngay đến nền kinh tế, điều này tạo ra những bất ổn tiềm tàng xói mòn kỳ vọng kinh tế của khu vực tư nhân. Nợ xấu có thực sự được giải quyết hay không phụ thuộc vào những chính sách cụ thể của NHNN trong năm 2014. Nếu không có một dòng tiền thật sự chảy vào xử lý các khoản nợ xấu thì vấn đề vẫn chưa ngã ngũ và sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính vẫn là một mối hoài nghi lớn.
Các rào cản về tư duy quản lý, ý chí cải cách và xử lý các vấn đề cốt lõi thuộc cấu trúc và mô hình kinh tế đòi hỏi các động thái mạnh mẽ hơn từ phía các nhà hoạch định chính sách. Khi các cân bằng vĩ mô đã bước đầu tạo thuận lợi hơn cho công tác điều hành, chính sách cần chuyển hướng ưu tiên sang các vấn đề nền tảng của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt những cải cách mạnh mẽ trong khu vực DNNN.
Chuẩn bị cho quá trình phục hồi
(Tài chính) Trong năm 2013, nền kinh tế Việt Nam đã gắng gượng vượt qua các thách thức và khó khăn từ các năm trước để lại. Năm 2014, dự báo sẽ là một năm thuận lợi hơn cho nền kinh tế nước nhà khi nhu cầu từ bên ngoài đang có nhiều chuyển biến tích cực và ở trong nước, các điều kiện vĩ mô dần ổn định, kỳ vọng sẽ là bệ đỡ cho sản xuất phục hồi.
Xem thêm