Chuẩn bị chu đáo để quá trình hòa nhập xuôi chèo mát mái

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Năm nay và một vài năm tới, nước ta sẽ ký kết một số hiệp định thương mại tự do mới với các nền kinh tế khu vực và thế giới. TS. Phan Minh Ngọc, hiện đang làm việc tại Ngân hàng Sumitomo chi nhánh Singapore cho rằng, trước mỗi hiệp định mới, sự chuẩn bị chặt chẽ và chu đáo về tinh thần, pháp lý và môi trường kinh tế - xã hội (KT - XH) là thiết yếu để quá trình hòa nhập xuôi chèo mát mái, đem đến nhiều tác động tích cực hơn là tiêu cực.

Chuẩn bị chu đáo để quá trình hòa nhập xuôi chèo mát mái
Năm nay và một vài năm tới, nước ta sẽ ký kết một số hiệp định thương mại tự do mới với các nền kinh tế khu vực và thế giới. Nguồn: internet
Các hiệp định vẫn còn xa lạ

Phóng viên: Ông có bình luận gì về chủ đề Từ chương trình tới hành động - chuẩn bị cho các hiệp định thương mại mới của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 hôm 5.6 vừa qua?

TS. Phan Minh Ngọc: Trong năm nay và một vài năm tới, Việt Nam sẽ ký kết hoặc đang đàm phán một số hiệp định thương mại tự do mới với các nền kinh tế khu vực và thế giới. Ví dụ: Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia - New Zealand, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN + 6 (RCEP), Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với liên minh thuế quan Nga, Belarus và Kazakhstan, và Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam.

Bởi vậy, Diễn đàn với chủ đề này là một bước đi cụ thể trong quá trình hiện thực hóa sự hòa nhập hoàn toàn và đầy đủ của Việt Nam vào các sân chơi lớn của khu vực và thế giới như nói trên. Trước mỗi một hiệp định thương mại mới thì sự chuẩn bị chặt chẽ và chu đáo về tinh thần, pháp lý và môi trường kinh tế, xã hội là điều thiết yếu để bảo đảm cho quá trình hòa nhập được xuôi chèo mát mái, đem đến cho Việt Nam nhiều tác động tích cực hơn là tiêu cực.

Được biết, Diễn đàn này tập trung vào một số nội dung chính như những cơ hội và thách thức cho Việt Nam sau ký kết các hiệp định thương mại tự do mới này, cũng như thảo luận các lĩnh vực thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực ngân hàng, thị trường vốn, đầu tư và thương mại, cơ sở hạ tầng, lao động và việc làm v.v... Như vậy, có thể nói rằng, và hy vọng rằng Diễn đàn lần này đã cung cấp cho các thành viên tham gia một cái nhìn sâu sắc và đa chiều hơn về những thuận lợi và khó khăn, những lợi ích và thiệt hại có thể có của từng quốc gia thành viên trong các hiệp định tự do thương mại nói trên.

Đánh giá chung của Ông về sự chuẩn bị của Việt Nam cho các Hiệp định thương mại mới này?

Nhìn chung, có lẽ giống như với nhiều hiệp định thương mại tự do khác trước đây, các hiệp định thương mại tự do mới này vẫn tỏ ra khá xa lạ với nhiều cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức. Có thể một phần là vì thực tế hiện đang có khá nhiều thỏa thuận thương mại song phương và đa phương đã, đang tồn tại, và sẽ ra đời trong thời gian tới. Với số lượng lớn như vậy, không khó hình dung sẽ có sự quá tải thông tin, cũng như lẫn lộn về phạm vi, nội dung... giữa chúng với nhau ở đây. Đó là chưa kể với nhiều cá nhân và tổ chức vốn vẫn quen thụ động, ỷ lại vào nhà nước trong việc cung cấp thông tin cũng như định hướng, một phần do lý do khách quan là sự phổ biến các tài liệu liên quan bằng tiếng Việt chưa có nhiều và được cập nhật thường xuyên.

Thực tế này đòi hỏi nhà nước phải tích cực tuyên truyền sâu rộng hơn nữa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, những hội thảo và diễn đàn, những tổ chức hội nghề nghiệp, những cổng thông tin đầy đủ và dễ tiếp cận v.v... để tăng thêm hiểu biết của cộng đồng đối với các thỏa thuận và hiệp định Việt Nam đang đàm phán và ký kết.

TPP - cuộc chơi dành cho doanh nghiệp nước ngoài

Trong số các hiệp định Ông nhắc tới ở trên, hiệp định nào cần được chú trọng đặc biệt?

Đương nhiên những hiệp định được ký kết với các nhóm nước và khu vực mà Việt Nam có quan hệ đầu tư và thương mại lớn nhất sẽ là quan trọng nhất và cần được chú trọng nhất. Xét theo phương diện này thì những hiệp định thương mại với Mỹ, Nhật, Trung Quốc và châu Âu có tầm quan trọng hàng đầu với Việt Nam. Trong số đó phải kể đến TPP vì bản thân nó sẽ bao gồm những bạn hàng và nhà đầu tư quan trọng nhất đối với Việt Nam là Mỹ và Nhật. Nếu sau này TPP tiếp tục được mở rộng thêm cho cả Đài Loan và Hàn Quốc tham gia, thậm chí là Trung Quốc, thì nó sẽ trở thành một siêu hiệp định với Việt Nam.

Ngoài tầm quan trọng hàng đầu, TPP còn chứa đựng nhiều thử thách với Việt Nam vì nó sẽ buộc Việt Nam phải thực hiện nhiều nhượng bộ lớn về kinh tế, chính trị và xã hội, ví dụ như doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, công đoàn v.v... ngoài những nhượng bộ đầy khó khăn về mở cửa thị trường như thường có trong nhiều hiệp định thương mại khác.

Được biết Ông đã gặp đại diện các cơ quan Việt Nam để tìm hiểu tiến trình của TPP. Ông có suy nghĩ gì sau những cuộc gặp này?

Trước đây, khi gặp gỡ họ thì tôi thấy có một sự chủ quan ở một số người khi cho rằng Mỹ rất muốn và cần lôi kéo Việt Nam tham gia vào TPP bằng mọi giá, ví dụ, để làm một quân cờ chiến lược trong thế cờ với Trung Quốc. Từ nhận thức này, một số người cho rằng Việt Nam có thế hơn nên không muốn, không cần nhân nhượng nhiều với Mỹ trong cuộc mặc cả mang tên TPP. Thực ra thì không hoàn toàn như vậy, vì tôi cũng đã gặp gỡ một số tổ chức của Mỹ tại Việt Nam để có được một cái nhìn đầy đủ và khách quan hơn từ phía Mỹ.  

Nhưng vừa rồi qua một số thông tin trên báo chí về kết quả của các vòng đàm phán TPP trong nửa đầu năm nay, tôi thấy rằng chúng ta đã thực tế hơn nhiều trong vấn đề này, và tập trung vào những điểm đàm phán mà phía Mỹ có thể thỏa hiệp và đánh đổi được. Đó là một dấu hiệu tốt cho thấy cả 2 bên đã tiến đến gần hơn đến một thỏa thuận.

Tất nhiên, TPP không chỉ là cuộc chơi giữa Việt Nam với Mỹ mà còn là cuộc chơi đa chiều giữa 12 thành viên đàm phán, trong đó mỗi một thành viên lại mang đến bàn đàm phán đa phương những vấn đề “rắn” đối với các thành viên khác. Ví dụ như Nhật thì có vấn đề mở cửa thị trường nông sản. Bởi vậy, có lẽ khó có thể nói quốc gia thành viên nào đã chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cho TPP, dù đó là Mỹ, hay Nhật, hay Việt Nam, bởi vì đây là cuộc thương lượng đa phương cực kỳ phức tạp với các lợi ích đan chéo nhau, đòi hỏi mỗi thành viên phải có thành ý, biết nhượng bộ, tự điều chỉnh mình nếu muốn hướng đến việc ký kết thành công TPP. Thêm nữa, việc đàm phán thành công chưa tự nó làm cho TPP chính thức ra đời vì kết quả đàm phán còn phải được phê chuẩn tại Quốc hội một số nước.

Còn sự chuẩn bị của doanh nghiệp thì sao, thưa Ông?

Sự chuẩn bị của doanh nghiệp trong TPP thực ra cũng chỉ mới bắt đầu sôi động từ năm ngoái khi TPP tưởng chừng sẽ được ký kết ngay trong tháng 10 năm ngoái. Trước đó, một phần do tính đàm phán kín nên TPP không được mấy người biết đến ở Việt Nam. Sôi động nhất, và cũng rất dễ hiểu, là các doanh nghiệp trong ngành dệt may vì ngành này được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ TPP.

Thế nhưng, khi tiếp xúc với các doanh nghiệp dệt may thì cảm nhận của tôi là các doanh nghiệp này, đặc biệt là các doanh nghiệp may, nghĩ rằng không cần cố gắng nhiều, chuẩn bị gì hơn, cũng vẫn sống tốt, sống khỏe. Họ vẫn nhận được nhiều đơn đặt hàng gia công thậm chí làm không xuể. Trước hay sau TPP thì họ vẫn quen, vẫn thích làm gia công hơn, với nguyên vật liệu được chỉ định nhà cung cấp và đầu ra đã có doanh nghiệp nước ngoài bao tiêu. Đơn giá tiền công gia công thì đã có công thức tính toán.

Có một số nhà đầu tư trong nước đã tính đến đầu tư vào phân khúc thượng nguồn của ngành, như kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn thiện. Thực tế thì đã có một số ít hiện thực hóa được dự án của mình. Đa phần còn lại là vẫn đang nghiên cứu, xem xét, thu xếp, hoặc đang dậm chân tại chỗ trong việc triển khai dự án vì những trở ngại này kia, như vốn, giấy phép đầu tư, đáp ứng yêu cầu về môi trường v.v...

Chỉ có các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Hong Kong là nhanh chân nhất, vào Việt Nam trong thế đón đầu TPP, và tiến hành ngay một số dự án đầu tư thượng nguồn. Không hiểu lý do tại sao họ lại xúc tiến ngay được các dự án này, mặc dù trong các cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp trong nước, tôi được biết là xin giấy phép cho các ngành có xu hướng gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường thế này tại các địa phương là rất khó khăn.

Như vậy có thể tạm thời kết luận rằng cuộc chơi TPP vẫn là cuộc chơi dành phần nhiều cho các doanh nghiệp nước ngoài, xét về mặt đầu tư nắm bắt cơ hội.

Theo Ông, bối cảnh Biển Đông hiện nay có tác động đến sự chuẩn bị của Việt Nam cho TPP hay không?

Tôi cho rằng xung đột ở Biển Đông không ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình đàm phán TPP. Nếu nói về mối lo giữa một số thành viên đàm phán TPP với Trung Quốc thì không phải chỉ bây giờ mới có mối lo này. Ví dụ giữa Nhật với Trung Quốc vẫn đã và đang có tranh chấp chủ quyền đảo, còn Mỹ thì tuy có quan ngại với Trung Quốc nhưng vẫn cứ phải chấp nhận thực tế Trung Quốc là một bạn hàng thương mại và đầu tư quan trọng. Nói cách khác, yếu tố Trung Quốc không có mấy ảnh hưởng trong việc đàm phán TPP, nhất là so với những yêu cầu bảo hộ và nhượng bộ thị trường từ các thành viên đàm phán TPP.

Xin cám ơn Ông!