Chứng chỉ tiền gửi, cạnh tranh lãi suất
Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) với mức lãi suất cạnh tranh không chỉ giúp khách hàng tĩnh lũy các khoản tiền nhàn rỗi mà còn là một hướng đầu tư hiệu quả dành cho các khách hàng cá nhân hay khách hàng tổ chức muốn sinh lời từ nguồn tiền.
CCTG giống như ngân hàng huy động vốn từ dân cư. Theo đó, các doanh nghiệp có thêm kênh đầu tư nguồn tiền nhàn rỗi vừa an toàn, vừa hấp dẫn. Chủ sở hữu CCTG được quyền chuyển nhượng quyền sở hữu CCTG dưới nhiều hình thức như mua bán, trao đổi, cho, tặng, thừa kế… theo quy định và thể lệ. Phía ngân hàng và các đơn vị tín dụng có thêm nguồn vốn trung dài hạn.
Để thu hút khách hàng, các ngân hàng, tổ chức tài chính liên tục cạnh tranh lãi suất. Đơn cử, từ nay đến hết ngày 31/12/2019, Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) phát hành CCTG với mức lãi suất hấp dẫn lên tới 10%/năm cho kỳ hạn 12 tháng với số tiền đầu tư chỉ từ 100 triệu đồng. Đặc biệt, người mua chứng chỉ có thể linh hoạt tùy chọn kỳ hạn cho mình dao động từ 6 đến 36 tháng. Cũng trong tháng 5, VietABank phát hành CCTG lên tới 9,1%/năm, dành cho khách hàng cá nhân với kỳ hạn gửi 24 tháng với số tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng.
Không chỉ cạnh tranh về lãi suất, thời gian vay cũng được kéo dài hơn. Ngân hàng Sacombank tham gia CCTG với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng kỳ hạn lên đến 5 năm +1 ngày sẽ nhận lãi suất lên đến 8,48%/năm, còn kỳ hạn 7 năm thì sẽ hưởng lãi 8,88%/năm cho năm đầu tiên.Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), chỉ yêu cầu khách hàng mua chứng chỉ với mệnh giá từ 1 triệu đồng và bội số của 100.000 đồng, với mức lãi suất lên đến 8,8%/năm, thời gian từ 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng.
Tương tự, Ngân hàng Bản Việt không chỉ tăng lãi suất CCTG lên đến 10,2%/năm mà thời gian cũng kéo dài đến tối đa 60 tháng. Theo đó, CCTG dành cho khách hàng cá nhân có mệnh giá từ 10 triệu đồng, dành cho khách hàng tổ chức mệnh giá từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng. Tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10,0%/năm và 10,2%/năm.
Đặc biệt, lãi suất được cố định trong suốt thời hạn gửi và tiền lãi được trả định kỳ 6 tháng, 12 tháng hoặc cuối kỳ. Sau khi kết thúc kỳ hạn , nếu khách hàng không đến thanh toán ngày đáo hạn, Bản Việt sẽ hỗ trợ chuyển khoản tiền vốn ban đầu và lãi phát sinh vào tài khoản thanh toán mở tại Bản Việt.
Một số chuyên gia cho rằng, việc các ngân hàng đua nhau phát hành CCTG là nhằm mục đích hút nguồn vốn dài hạn để vừa đảm bảo thanh khoản vừa cơ cấu lại dòng vốn của mình. Thay vì việc không được thanh toán trước hạn, để thu hút người mua, các ngân hàng đã linh hoạt hơn khi cho phép khách hàng có thể tự do chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi với ngân hàng bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, việc một số ngân hàng phát hành CCTG với mức lãi suất cao khiến nhiều người lo ngại một cuộc đua lãi suất huy động đã bắt đầu. Khảo sát thị trường cho thấy, từ đầu năm tới nay, các ngân hàng nhóm cổ phần Nhà nước huy động vốn với lãi suất cao nhất là 6,5-6,8%/năm với các kỳ hạn dài, còn nhóm cổ phần lớn, có thanh khoản tốt cũng chỉ huy động ở quanh vùng 7-7,5%/năm, nhiều ngân hàng nhỏ huy động vốn cao nhất quanh 8-8,2%/năm.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50%, nhiều ngân hàng tại TP.HCM đang gần chạm trần trong tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, vì thế việc phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng là một cách để tăng nguồn vốn trung và dài hạn.