Chứng khoán 2012 không chỉ có gam màu xám

Theo VnEconomy

Bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2012 không chỉ có một gam màu xám mà vẫn xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là điểm nhấn của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong hai tháng cuối năm.

Chứng khoán 2012 không chỉ có gam màu xám
Dòng vốn ngoại tiếp tục tăng trong năm 2012 là điểm nhấn của thị trường chứng khoán 2012
Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán vừa công bố 10 sự kiện chứng khoán tiêu biểu của năm 2012.

1. Hứng chịu nhiều cú sốc 

Ngày 21/8/2012, thị trường phản ứng tiêu cực với sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên, cổ đông lớn của ngân hàng ACB, bị bắt. Chỉ số giá chứng khoán hai sàn giảm liền 6 phiên với mức (-11,8%) trên sàn HOSE và (-15,4%) trên sàn HNX.

Trong 2 tháng sau đó, thị trường lại “chao đảo” khi một loạt các thành viên Hội đồng Quản trị và ban lãnh đạo của ACB bị bắt. Liên quan đến sự kiện ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Sacombank từ chức, thị trường cũng một phen điêu đứng.

Sau những cú sốc đó, chỉ số giá chứng khoán của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thuộc nhóm tăng cao trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động của thị trường chứng khoán lại chưa thực sự khả quan. Tính đến ngày 25/12/2012, chỉ số VN-Index đã tăng 14,16% và HN-Index giảm 6,3% trong năm 2012. Mức vốn hóa khoảng 720 nghìn tỷ đồng (tăng 183 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2011) và ở mức 28% GDP, trong đó sàn HOSE chiếm 87%.

Trên sàn HNX, tổng giá trị vốn hóa thấp hơn tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá do có tới 283/391 cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá. Mặc dù thị trường chứng khoán có khó khăn nhưng thanh khoản thị trường có sự cải thiện, đặc biệt sau khi kéo dài thời gian giao dịch và áp dụng lệnh thị trường. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 1.918 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2011 (riêng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 1.316 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2011).

2. Duyệt đề án tái cấu trúc thị trường

Ngày 6/12/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1826/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó trọng tâm là tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán và các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký.

Để hỗ trợ việc triển khai đề án này, một loạt các nghị định, thông tư mới được ban hành như: Nghị định 58/2012 hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán, Thông tư 52/2012 hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, Thông tư 121/2012 hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, Thông tư số 130 hướng dẫn việc mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng, Thông tư số 212/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ, Thông tư số 213/2012/TT-BTC hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Thông tư số 165 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 226, Thông tư số 147 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15 về chứng chỉ hành nghề, Thông tư thay thế Thông tư 17, 112 hướng dẫn hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, Thông tư 210/2012/TT-BTC thay thế Quyết định 27 về hướng dẫn tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán.

Với một khung pháp lý khá đầy đủ được ban hành cùng lúc, năm 2012 được đánh giá là năm thành công nhất trong xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy trong lĩnh vực chứng khoán. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi mà công cuộc tái cấu trúc toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam đang vào giai đọan quan trọng.

3. Thành công với huy động vốn qua phát hành trái phiếu 

Năm 2012 tiếp tục là năm không thành công trong huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa nhưng lại khá thành công qua kênh phát hành trái phiếu. Tổng giá trị huy động vốn trong năm 2012 ước đạt 152,6 nghìn tỷ đồng, tăng 54%, trong đó cổ phiếu và cổ phần hóa là 18 nghìn tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2011 do mặt bằng lãi suất còn cao, sản xuất kinh doanh khó khăn và hoạt động thị trường không ổn định.

Tuy nhiên, vốn huy động qua trái phiếu Chính phủ tăng cao. Tính đến giữa tháng 12/2012, huy động vốn trái phiếu chính phủ qua hình thức đấu thầu trên HNX đã đạt 156.544 tỷ đồng (bằng 1,9 lần so với cả năm 2011), vượt chỉ tiêu kế hoạch huy động điều chỉnh năm 2012 là 135 ngàn tỷ đồng, trong đó, Kho bạc Nhà nứớc đã huy động được 106.884 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu giảm so với năm 2011 và thấp hơn lãi suất huy động trên thị trường tiền tệ khoảng 1% - 2%.

Trong bối cảnh các nguồn huy động vốn ngân sách khó khăn, việc thành công vượt kế hoạch của huy động vốn trái phiếu Chính phủ được coi là một điểm sáng trong công tác huy động vốn cho ngân sách 2012.

4. Nhiều cải tiến trong cơ chế giao dịch

Trong năm 2012, nhiều cải tiến được áp dụng trong cơ chế giao dịch và thanh toán. Từ 26/3/2012, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội áp dụng cách tính giá tham chiếu mới cho cổ phiếu trên thị trường niêm yết, cho phép giao dịch lô lẻ (chứng khoán có khối lượng từ 1 đến 99 cổ phiếu) trên hệ thống giao dịch chứng khoán niêm yết của HNX thông qua hình thức thỏa thuận.

Sau 3 tháng thử nghiệm, từ ngày 6/6/2012 việc kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều tại hai sở giao dịch chứng khoán. Từ ngày 2/7, lệnh thị trường - một công cụ được xem là khá lợi hại trong việc làm tăng hiệu quả đặt lệnh cho nhà đầu tư và tăng thanh khoản thị trường, sẽ chính thức áp dụng tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.

Bên cạnh đó, một cải tiến được xem là mạnh mẽ nhất trong cơ chế giao dịch của năm 2012 đã được triển khai từ ngày 4/9. Kể từ thời điểm này, quy trình thanh toán chứng khoán được rút ngắn từ 15h chiều ngày T+3 xuống 9h sáng ngày T+3, giúp nhà đầu tư đã được bán chứng khoán vào ngày T+3, thay vì T+4 như 12 năm trước đó.

5. Lần đầu tiên hành vi bán khống bị xử phạt

Sau rất nhiều nghi ngờ và đồn đoán, hành vi bán khống trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức bị xử phạt. Cuối tháng 10 vừa qua, theo kết luận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Nguyễn Viết Xuân và bà Phạm Thị Sương đã cho khách hàng mượn chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khác để bán. Cả hai nhân viên HSC trên đều bị phạt mỗi người 85 triệu đồng, riêng ông Nguyễn Viết Xuân bị rút chứng chỉ hành nghề.

Liên quan đến HSC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng xử phạt HSC 105 triệu đồng do những sai phạm căn cứ điều 62 và 71 Luật Chứng khoán. Ngoài trường hợp phạt hai nhân viên HSC, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã xử phạt Công ty Chứng khoán Đại Nam 150 triệu đồng vì cho khách hàng vay chứng khoán để bán.

Trong năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành hơn 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền phạt gần 11 tỷ đồng.

6. Xây dựng các chỉ số cơ sở cho các sản phẩm mới trong tương lai
 
Chỉ số VN30 được công bố vào ngày 3/2 và chính thức triển khai ngày 6/2. Chỉ số HNX30 được công bố ngày 5/7 và bắt đầu triển khai từ ngày 9/7. Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình xây dựng và chuẩn hóa các chỉ số cơ sở, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm mới trong tương lai. 

7. Nhiều công ty chứng khoán tồn tại vì còn cái “tên”

Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa 11 công ty chứng khoán và 3 công ty quản lý quỹ vào diện kiểm soát đặc biệt và 3 công ty chứng khoán vào diện kiểm soát. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu hội đồng quản trị, tổng giám đốc các công ty chứng khoán thuộc diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án, kế hoạch khắc phục.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã triển khai các biện pháp mạnh trong việc tái cơ cấu như rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của 4 công ty chứng khoán (Công ty Chứng khoán Hà Nội, Trường Sơn, SME, Đông Dương).

Việc rút nghiệp vụ môi giới trên thực tế là rút giấy phép hoạt động, chỉ còn tồn tại pháp nhân để xử lý các khoản nợ. Rút nghiệp vụ tự doanh của 2 công ty (công ty chứng khoán Hà Thành, Việt Tín); rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của 1 công ty (Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam); đình chỉ hoạt động 3 công ty chứng khoán (Công ty Chứng khoán Trường Sơn, Hà Nội, Cao Su); đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán của 4 công ty chứng khoán (Đông Dương, Cao Su, Tràng An, SME).

8. Doanh nghiệp niêm yết biến mất bởi sáp nhập, giải thể

Năm 2012 số công ty niêm yết mới tăng khoảng 25 công ty - ít hơn số lượng niêm yết mới năm 2011 là 52 công ty. Trong khi đó có 21 công ty bị hủy niêm yết. Đặc biệt là có những doanh nghiệp niêm yết từng “nổi đám” một thời như HBB và SCG bị biến mất trên thị trường.

Ngày 7/8, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định chấp thuận việc sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (HBB) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Cùng với đó, HNX thông báo hủy niêm yết mã cổ phiếu HBB từ ngày 17/8.

Bên cạnh đó, ngày 28/6, Đại hội cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Cáp sài Gòn (CSG) đã thông qua nghị quyết về việc giải thể công ty và chia tiền cổ đông. Đây là trường hợp doanh nghiệp niêm yết đầu tiên tuyên bố giải thể, trả lại tiền cho cổ đông.

Cùng với sự kiện này, một cuộc thâu tóm khác cũng diễn ra trong ngành ngân hàng là việc nhóm nhà đầu tư lớn trong đó có Eximbank (EIB) từng tuyên bố nắm quyền biểu quyết tới 51% tại Sacombank (STB). Hệ quả là, năm 2012, sau 18 năm Sacombank liên tục phát triển, hầu hết các thành viên Hội đồng Quản trị cũ của Sacombank đã bị thay thế, nhường ghế cho những nhân vật mới cũng trong ngành ngân hàng. Liệu Sacombank có bị sáp nhập vào EIB hay một ông lớn khác ngành ngân hàng hay không? Câu trả lời đang là một dấu hỏi của năm mới, 2013 này.

9. Lần đầu tiên tín phiếu kho bạc vào sàn chứng khoán

Sau hơn 17 năm phát hành sơ cấp, từ ngày 24/8/2012 lần đầu tiên tín phiếu kho bạc phát hành theo phương thức đầu thầu qua Ngân hàng Nhà nước sẽ được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và niêm yết giao dịch trên thị trường trái phiếu chuyên biệt tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Đưa tín phiếu kho bạc vào giao dịch trên thị trường thứ cấp cùng với trái phiếu sẽ tập trung thông tin giao dịch trái phiếu Chính phủ về một đầu mối, từ đó việc xây dựng bức tranh tổng thể về diễn biến tình hình thị trường và khiến thị trường trái phiếu trở nên chuyên nghiệp hơn.

10. Việt Nam đã có 3 quỹ mở  

Tương lai cho quỹ mở cuối cùng cũng đã có tín hiệu.

Trong tháng 12, cùng với việc một quỹ đóng đầu tiên tuyên bố chuyển đổi sang quỹ mở thì có tới hai quỹ mở khác được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng.

Ngày 5/12, đại hội nhà đầu tư của Quỹ VFMVFA đã biểu quyết thông qua việc chuyển đổi mô hình sang quỹ mở. Dự kiến, chứng chỉ quỹ mở VFMVFA sẽ giao dịch tại thị trường chứng khoán trong năm 2013.

Trong các ngày 12 và 14/12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lần lượt  cấp giấy chứng nhận chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ra công chúng cho hai quỹ mở đầu tiên là Quỹ đầu tư Bảo Thịnh Vinawealth, do Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Vinawealth quản lý, và Quỹ đầu tư trái phiếu MB Capital Việt Nam (MBBF), do Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB quản lý.

Cả hai quỹ này đều có vốn huy động tối thiểu là 50 tỷ đồng và cùng được ngân hàng HSBC Việt Nam giám sát.

Trước đó, đầu tháng 12, tại đại hội đồng cổ đông bất thường của Quỹ đầu tư Năng động Việt Nam (mã VFMVFA-HOSE), các cổ đông đã nhất trí phương án chuyển đổi sang quỹ mở (thay vì quỹ đóng như hiện nay) và quỹ sẽ nắm giữ 100% tiền mặt trong thời gian chuyển đổi. Dự kiến ngày 12/4/2013, chứng chỉ quỹ mở VFMVFA sẽ chính thức giao dịch trở lại.

Năm 2012 cận kề với thời hạn kết thúc hoạt động của nhiều quỹ đầu tư dạng đóng, thị trường đã chứng kiến những tín hiệu tích cực cho tương lai của quỹ mở. Bên cạnh việc hầu hết các quỹ chọn cách gia hạn thì có nhiều quỹ chuyển đổi mô hình sang quỹ mở hoặc đóng quỹ.

Số liệu tới ngày 15/12 cho biết, vốn nước ngoài vào thuần là 300 triệu USD - dòng vốn tăng mạnh vào hai tháng cuối năm (cao hơn mức 240 triệu USD của năm 2011). Nếu tính cả vốn vào thị trường chưa niêm yết, số liệu ước đạt 1,5 tỷ USD, tính chung dòng vốn đầu tư gián tiếp tăng 10% so với năm 2011.

Vấn đề đi hay ở đã từng rất căng thẳng tại những quỹ đầu tư lớn như DragonCapital và VinaCapital. Tuy nhiên, tại đại hội nhà đầu tư năm nay, nhiều nhà đầu tư của các quỹ này đã biểu quyết thông qua việc vẫn tiếp tục đầu tư tại Việt Nam.