Chứng khoán bị chi phối bởi dòng tiền hơn là tỷ giá

Theo TBKTSG

Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ có tác động đến TTCK nhưng không nhiều do thị trường hiện đang bị chi phối bởi chính sách tiền tệ và dòng tiền nhiều hơn.

 

Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam tăng thêm 2,1% kể từ ngày 18-8 vừa qua. Việc đô la Mỹ tăng giá liệu có tác động nào đến thị trường chứng khoán là vấn đề được đặt ra với ông Lê Anh Thi, Phó giám đốc Công ty chứng khoán Âu Việt.

Thưa ông, việc điều chỉnh tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước có ảnh hưởng nào đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn không?

Đã có những dự báo điều chỉnh tỷ giá vào cuối năm nay nhưng việc điều chỉnh tỷ giá vào lúc này là khá bất ngờ với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo tôi, có lẽ áp lực từ việc nhập siêu và cầu đô la Mỹ cho các khoản vay đô la từ đầu năm đã khiến Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá sớm hơn dự kiến của nhiều người.

Việc điều chỉnh tỷ giá diễn ra trong thời điểm thị trường chứng khoán tăng còn chưa bền vững. Sau Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước, có lẽ nhiều nhà đầu tư một lần nữa lại thêm quan ngại về chính sách tiền tệ.

Việc giảm điểm chỉ số chứng khoán cho thấy thị trường đang phản ứng tiêu cực trước thông tin này. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, đây là cơ hội cho người mua và nắm giữ dài hạn ở vùng giá thấp của nhiều cổ phiếu.

Còn về dài hạn những tác động của tỷ giá đến các doanh nghiệp niêm yết ra sao, cụ thể là các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp có khoản vay bằng ngoại tệ? Và như vậy thị trường có chịu áp lực từ các ảnh hưởng này không, thưa ông?

Về dài hạn, việc tăng tỷ giá sẽ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn, vì phải đối mặt với giá ngoại tệ cao hơn trước, tuy nhiên đây là định hướng kiểm soát nhập siêu của nhà nước. Tôi cho rằng việc này là cần thiết cho ổn định kinh tế vĩ mô. Tất nhiên, kía cạnh ngược lại thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi.

Các doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ đến hạn trả sẽ ít nhiều gặp khó khăn nhưng không lớn, vì tỷ giá tăng sẽ kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu bán đô la Mỹ cho ngân hàng, giúp tăng nguồn cung đô la, nên doanh nghiệp có thể mua ngoại tệ trả cho ngân hàng.

Cùng theo đó, với việc điều chỉnh tỷ giá, chênh lệch lãi suất giữa vay ngoại tệ và vay bằng đồng Việt Nam không còn lớn khiến sức hấp dẫn của vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp sẽ giảm dần.

Theo tôi, những vấn đề kinh tế này thực ra sẽ có tác động đến thị trường chứng khoán nhưng không nhiều do thị trường hiện đang bị chi phối bởi chính sách tiền tệ và dòng tiền nhiều hơn.

Cụ thể hơn thì hiện tại thị trường chứng khoán đang chịu sức ép từ các yếu tố nào?

Thị trường đang bị sức ép rất lớn từ việc tăng cung từ cổ phiếu phát hành và niêm yết mới. Ước tính số lượng cung tăng gấp 2 lần so với cuối 2009, trong khi dòng tiền vào thị trường lại giảm. Thông tư 13, Nghị định 09 lại gia tăng áp lực bán và thoái vốn của các ngân hàng, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực đầu tư tài chính và ở các lĩnh vực ngoài ngành nghề kinh doanh chính.

Yếu tố tích cực hiện nay là về mặt tâm lý khi người bán đã không còn bán cổ phiếu với giá quá thấp như các phiên đầu tháng. Hơn nữa, Chính phủ yêu cầu rà soát lại Thông tư 13 và nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần chỉnh sửa, giảm khó, lùi thời hạn cũng là tin tích cực. Tôi cho rằng yếu tố điều chỉnh Thông tư 13 sẽ là động lực cho thị trường hãm bớt đà giảm điểm trong giai đoạn này.

Ông nhìn nhận như thế nào về thị trường chứng khoán những tháng cuối năm?

Thị trường những tháng cuối năm còn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi áp lực cung và dòng tiền yếu. Tôi cho rằng kết quả kinh doanh quí 4, điểm rơi lợi nhuận của đa số doanh nghiệp, và khả năng chính sách tiền tệ được nới lỏng cho năm 2011, nếu có, sẽ là động lực lớn cho thị trường tăng điểm từ cuối năm 2010 hoặc đầu 2011.

Từ nay tới đó, thị trường có thể có những cơn sóng nhỏ, nhưng tôi cho rằng về cơ bản thị trường dao động trong biên độ hẹp với khối lượng giao dịch thấp.

Xin cảm ơn ông!