Chứng khoán tăng vọt, vì sao doanh nghiệp chào sàn lại "mất hút"?

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Từ đầu năm 2014 đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) chỉ đón nhận vài cổ phiếu niêm yết mới, trong đó sàn HOSE chỉ có một. Con số này khá khiêm tốn so với kỳ vọng khi mà TTCK đón nhận nhiều dự báo lạc quan và thực tế thị trường trong quý I đã tăng trưởng khá tốt.

Từ đầu năm 2014 đến nay, thị trường chỉ đón nhận vài cổ phiếu niêm yết mới, trong đó sàn HOSE chỉ có một. Con số này khá khiêm tốn so với kỳ vọng khi mà thị trường chứng khoán đón nhận nhiều dự báo lạc quan và thực tế thị trường trong quý I đã tăng trưởng khá tốt. 

Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), để tìm ra lời giải đáp.

Phóng viên: Thưa bà, đâu là những nguyên nhân cho việc rất ít các doanh nghiệp chào sàn từ đầu năm đến nay trong khi thị trường có diễn biến tích cực?

Chứng khoán tăng vọt, vì sao doanh nghiệp chào sàn lại "mất hút"? - Ảnh 1
Bà Trần Anh Đào,
Phó tổng giám đốc HOSE
Bà Trần Anh Đào: Việc số công ty đăng ký niêm yết, niêm yết mới trên HOSE từ đầu năm 2014 đến nay còn ở mức khiêm tốn, theo tôi chủ yếu do các nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong thời gian qua. Do tình hình kinh tế khó khăn nên ưu tiên của các công ty trong thời gian qua là duy trì sản xuất kinh doanh, chưa có kế hoạch mở rộng hoạt động và huy động vốn. Một số công ty không đáp ứng chỉ tiêu về lợi nhuận để lên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Thứ hai, tiêu chuẩn niêm yết trên HOSE đã được nâng cao: theo quy định tại Nghị định 58/2012/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/09/2012, tiêu chuẩn niêm yết trên HOSE đã được nâng cao hơn so với thời điểm trước khi Nghị định 58/2012/TT-BTC có hiệu lực. 

Cụ thể tiêu chuẩn về vốn điều lệ tăng từ 80 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng; cơ cấu cổ đông tăng từ tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không phải là cổ đông lớn nắm giữ lên tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ.

Ngoài ra, bổ sung thêm tiêu chí tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất tối thiểu là 5%, thời gian hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần tối thiểu là 02 năm liên tục tính đến thời điểm đăng ký niêm yết, công ty phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính… 

Do tiêu chuẩn niêm yết tại HOSE được nâng cao dẫn đến số lượng công ty cổ phần đáp ứng điều kiện giảm xuống. 

Cụ thể, nếu chỉ tính về vốn điều lệ trên 120 tỷ đồng thì theo danh sách 1.209 công ty đại chúng chưa niêm yết do Ủy ban Chứng khoán công bố ngày 28/3/2014 chỉ có 220 công ty đáp ứng.

Tuy nhiên, nếu tính thêm các điều kiện về cơ cấu cổ đông và lợi nhuận thì số lượng công ty đáp ứng điều kiện niêm yết trên HOSE sẽ còn thấp hơn nhiều. 

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến số lượng công ty cổ phần đăng ký niêm yết và niêm yết mới tại HOSE vẫn còn khiêm tốn trong thời gian qua.

Theo dữ liệu của HOSE, hiện danh sách công ty nộp hồ sơ niêm yết chỉ có 3 và danh sách được chấp thuận có 1. Sở đã có những giải pháp hay kiến nghị nào để thu hút doanh nghiệp lên sàn, thưa bà?

Việc thu hút doanh nghiệp lên sàn luôn là một trong những mục tiêu quan trọng trong hoạt động của HOSE. 

Hàng năm, HOSE đều có những kế hoạch gặp gỡ, kêu gọi các doanh nghiệp tiềm năng, đáp ứng các điều kiện niêm yết để thực hiện niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi, doanh nghiệp có thể nêu ra các vấn đề còn vướng mắc để HOSE có những hướng dẫn kịp thời, phù hợp với điều kiện từng doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp có thể xây dựng lộ trình niêm yết phù hợp và khả thi để thực hiện niêm yết chứng khoán trong thời gian sớm nhất.

Trong năm 2014, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng, HOSE đã thực hiện các cuộc tiếp xúc kêu gọi niêm yết đối với một số ngân hàng có khả năng đáp ứng các điều kiện niêm yết trên HOSE. 

Qua các buổi tiếp xúc này, các ngân hàng đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và những vấn đề cần lưu ý khi thực hiện niêm yết cổ phiếu. Từ đó đề ra các chiến lược, phương án cụ thể để thực hiện tiến trình niêm yết cổ phiếu trên HOSE nhằm phù hợp với sự phát triển tất yếu của ngân hàng cũng như thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về minh bạch hóa thị trường tài chính.

Hiện nay, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được đẩy mạnh quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ và đột phá. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ trong hai năm tới.

Dự kiến trong hai năm 2014 và 2015 sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những động lực chính sẽ dẫn đến gia tăng số công ty niêm yết mới tham gia TTCK.

HOSE đã tích cực hỗ trợ tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông qua việc tổ chức các cuộc đấu giá bán cổ phần lần đầu, tổ chức các cuộc đấu giá để thoái bớt vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa để tăng tính đại chúng, hướng dẫn và tư vấn thực hiện niêm yết cổ phiếu sau cổ phần hóa…

Xin cảm ơn bà!