Chứng khoán toàn cầu "rực lửa" vì SARS-CoV-2

Theo Nguyễn Long/enternews.vn

Thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới đang “chao đảo” khi dịch bệnh SARS-CoV-2 đang ngày càng có diễn biến phức tạp, lan rộng toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong phiên giao dịch ngày 27/2, TTCK thế giới ngập trong sắc đỏ khi chỉ số MSCI Thế giới đã giảm 3,3% và tính từ đầu tuần này đã giảm 8,9%. Tại Phố Wall, chỉ số S&P 500 giảm 137,63 điểm, tương đương 4,42%, xuống 2.978,76 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2011. Kể từ đỉnh hôm 19/2, S&P 500 đã giảm 12%, đánh dấu đợt điều chỉnh giảm mạnh nhất lịch sử. Chỉ số Dow Jones giảm 1.190,95 điểm, mức giảm mạnh nhất mọi thời đại. Chỉ số Nasdaq giảm 414,3 điểm, tương đương 4,61%, xuống 8.566,48 điểm.

Tác động tiêu cực lên TTCK Mỹ một phần xuát phát từ thông tin Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ ngày 26/2 xác nhận nguy cơ “lây nhiễm cộng đồng” từ bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 ở bang California.

Trong khi đó tại Châu Á, chỉ số MSCI Châu Á – Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản mất 0,6%. Nikkei 225 của Nhật Bản mất 2,5% do lo ngại thế vận hội Olympic có thể bị hủy vì virus SARS-CoV-2. Kospi của Hàn Quốc giảm 1% khi dịch bệnh bùng phát dữ dội ở quốc gia này...

Ảnh hưởng từ đà bán tháo trên TTCK thế giới, chứng khoán Việt Nam cũng chìm trong sắc đỏ. Hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng, khiến TTCK Việt Nam chìm trong sắc đỏ kéo dài trong nhiều phiên giao dịch.

TTCK Việt Nam chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 28/2.
TTCK Việt Nam chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 28/2.

Tính tính từ thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu (PHEIC) về đại dịch SARS-CoV-2 vào ngày 31/01/2020 đến nay, trong 19 phiên giao dịch vừa qua, chỉ số VN-Index đã để mất gần 40 điểm, tương ứng giảm hơn 4% và rơi xuống dưới mốc 890 điểm khi kết phiên 27/2. Trong đó, thị trường có nhiều phiên giảm hơn 10 điểm, đáng kể phiên 24/2, chỉ số VN-Index đã cắm đầu đi xuống khi giảm gần 30 điểm.

Bên cạnh áp lực bán trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng là nhân tố tác động tiêu cực tới thị trường khi liên tiếp duy trì trạng thái bán ròng hàng trăm tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, khối ngoại đã bán ròng tới gần 2.730 tỷ đồng, trong đó danh mục bán ra vẫn tập trung chủ yếu là các mã bluechip.

Theo đánh giá của giới phân tích, hoạt động bán ròng của khối có thể vẫn tiếp diễn sẽ tạo ra lực cản đáng kể đối với nỗ lực hồi phục của thị trường. Ngoài ra, thị trường có thể sẽ bị biến động mạnh trong phiên cuối tuần 29/2, khi hoạt động tái cơ cấu của các quỹ tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market diễn ra.

MBS đã đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư chưa vội bắt đáy, trong trường hợp vùng đáy kể từ đầu năm không giữ được, vùng hỗ trợ mới có thể ở khu vực 860 điểm (tương ứng với mức đầu năm 2019).

Ông Trần Xuân Bách, chuyên viên phân tích của BVSC cho rằng, trước diễn biến phức tạp của TTCK, các nhà đầu tư chỉ nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt nên tiếp tục đứng ngoài thị trường để quan sát thêm các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn của thị trường.